(QNO) - Cứ đến giao thừa, tôi lại nhớ ngày xưa. Ngày đó, nhà tôi nghèo lắm! Mỗi năm chị em tôi chỉ được sắm một bộ quần áo và một đôi dép, đó là vào dịp tết. Chỉ từng ấy thôi đã quá vất vả với ba mẹ tôi rồi…
Khoảng đầu tháng Chạp, mẹ gọi lái buôn vào nhà bán lúa. Bao giờ cũng thế, cần mua cái gì, từ cây kim sợi chỉ cho đến tiền học phí của chị em tôi, mẹ đều bán lúa. Và lần bán lúa đó, mẹ sắm sửa tết. Trong đó có 7 bộ quần áo, 7 đôi dép cho 7 đứa con của mình. Tết đến là niềm vui không thể kể xiết của chị em tôi, vì được mặc quần áo mới, được mang đôi dép mới và được nhận một phong bì mừng đầu năm của ba mẹ.
Từ đầu tối, mẹ giục chị em tôi tắm gội sạch sẽ để đón chào năm mới. Mẹ bảo, thân thể sạch thì sẽ được một năm mạnh khỏe, suôn sẻ. Mẹ nấu nước lá cho chúng tôi tắm, gồm những lá cây mẹ hái sau vườn như sả, bạch đàn, ổi, chanh... Tắm rửa xong, chúng tôi được mặc những bộ quần áo mới đã được mẹ giặt tinh tươm. Ai cũng rạng ngời hạnh phúc.
Đoàn tụ gia đình trong ngày tết. |
Sau mâm cơm cúng tổ tiên vào đêm giao thừa, cả gia đình tôi quây quần bên bàn để nói chuyện. Ba tôi ôn lại “hoạt động” của gia đình tôi trong một năm vừa qua. Ba phê bình chúng tôi sai cái này, chưa đúng cái nọ và bảo, sang năm phải cố gắng hơn nữa. Gia đình tôi nói chuyện cho đến thời khắc giao thừa. Khi tiếng pháo đầu tiên trong làng được phát ra, anh Ba tôi lẹ làng chạy ra sân gạch - nơi đã được treo một dây pháo lúc chiều và châm lửa. Gia đình tôi, tất thảy 9 người, từ trong nhà nhìn ra sân ríu rít. Mấy chị em gái tôi nép vào lưng ba mẹ, mắt nhắm, tay bịt lỗ tai. Anh Ba và anh Sáu tôi hò reo, chỉ nhà này pháo nổ to, nhà kia pháo nổ nhỏ. Ba mẹ tôi thì luôn miệng nhắc nhở các anh không được chạy ra sân để tránh nguy hiểm. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của cả gia đình đứng trước hiên nhà, nhìn bầu trời sáng rực trong tiếng pháo rộn rã đón chào mùa xuân.
Sau khi tiếng pháo ngừng hẳn, chị em tôi xếp hàng từ nhỏ đến lớn để nhận phong bì mừng tuổi của ba mẹ. Chúng tôi sung sướng nhét từng tờ bạc mới cứng vào con heo đất. Ba mẹ chúc chị em tôi học giỏi, ngoan và chóng lớn. Chúng tôi chúc ba mẹ sức khỏe, sống lâu. Sau đó, mẹ bảo chị em tôi mỗi người hát một bài hay đọc một bài thơ… Cứ thế, cả nhà tràn ngập tiếng hát, tiếng cười.
Đến gần 2 giờ sáng, chúng tôi lên giường ngủ. Dù đêm đó thức khuya nhưng sáng hôm sau chúng tôi vẫn dậy rất sớm. Tôi luôn được chị Hai giao nhiệm vụ canh chừng bé Út, không cho nó chạy sang nhà hàng xóm xông đất. Còn mẹ thì dặn chúng tôi, tết không được cãi nhau, không được khóc, không được lười nhác. Mẹ bảo, 3 ngày tết thế nào thì cả năm sẽ như thế ấy.
Bây giờ chị em tôi mỗi người mỗi ngã. Ba mẹ cũng không còn. Đến giao thừa, chúng tôi lại gọi điện cho nhau. Bé Út ở xa nhất, năm nào cũng khóc, bảo nhớ nhà mà không về được. Ngôi nhà của ba mẹ đã được anh Ba xây dựng lại. Lời hứa hẹn 7 chị em cùng về nhà ba mẹ đón giao thừa mà gần 30 năm vẫn chưa thực hiện được. Quá khứ giờ chỉ là kỷ niệm. Những kỷ niệm thật đẹp làm tôi không thôi tiếc nuối...
PHƯƠNG NAM