Giàu... đa chiều

ĐĂNG QUANG 14/08/2017 08:50

Theo chuẩn nghèo (tiếp cận đa chiều) áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, Việt Nam hiện còn khoảng 2,3 triệu hộ nghèo và 1,2 triệu hộ cận nghèo. Chính vì thế câu chuyện giảm nghèo vẫn là mục tiêu cho nhiều chương trình kinh tế xã hội nhắm đến cải thiện thu nhập đời sống nhân dân. Trong bối cảnh số hộ nghèo còn lớn như vậy thì những thông tin về sự giàu có của người Việt, về người giàu mới nổi, tạo nên mối quan tâm của dư luận.

Như chuyện giới người giàu Việt Nam đổ xô mua nhà ở nước ngoài. Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố báo cáo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017” cho thấy người Việt đã bỏ ra hơn 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ. Đáng nói là, Việt Nam đứng trong danh sách 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới từ 5 năm nay. Đó là chưa kể người Việt hàng năm chi hàng trăm triệu USD đầu tư vào Mỹ theo diện EB-5. (Đây là chương trình đầu tư định cư, cho phép đầu tư tối thiểu 500.000USD vào tài sản hoặc các hạng mục kinh doanh đã được chính phủ Mỹ phê duyệt và hoàn vốn; sau khi có thẻ xanh (chứng nhận thường trú nhân) vĩnh viễn, nhà đầu tư sẽ có được thẻ xanh cho cả gia đình và sau đó chính thức trở thành một công dân Mỹ). Một thống kê cho biết, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về hướng đầu tư này. Phân tích đáng chú ý là trước năm 2015, doanh nhân vẫn chiếm ưu thế trong lượng đầu tư nhưng đến năm 2016 đã có sự thay đổi, mở rộng đáng kể. Đứng sau doanh nhân là lượng quan chức từ các tỉnh, bộ, ngành tham gia ngày càng đông hơn (thường không đứng tên trực tiếp mà thông qua con ruột họ).

Không chỉ đầu tư vào bất động sản hay kinh doanh, người Việt còn bỏ ra số tiền rất lớn để “mua” dịch vụ y tế và giáo dục của nước ngoài. Số tiền đầu tư du học  là hơn 3 tỷ USD và chi phí chữa bệnh ở nước ngoài hơn 2 tỷ USD. Người Việt còn đi du lịch quốc tế, với khoảng 6,5 triệu lượt khách, chi tiêu khoảng 7-8 tỷ USD/năm.

Như thế một bộ phận người Việt đã trở thành người giàu mới nổi và rất nhiều tiền của đã “chảy” ra nước ngoài theo nhiều chiều.

Thực tế, số người giàu ở Việt Nam là bao nhiêu, từ đâu mà giàu có, tốc độ và mức độ giàu có đến đâu, là những câu hỏi được đặt ra.

Theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) của Công ty Tư vấn Bất động sản Knight Frank công bố, năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên), dự tính sẽ lên 540 người vào năm 2026; và triệu phú đô la sẽ tăng từ 14.300 lên 38.600 người  trong thập kỷ tới.  Tốc độ tăng số người siêu giàu tại Việt Nam đạt 170%, thuộc tốp nhanh nhất thế giới, cao hơn cả tốc độ của Ấn Độ (150%) và Trung Quốc (140%).

Người Việt giàu từ đâu? Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều nhất trong số những người siêu giàu là nhờ tích tụ tài sản qua kinh doanh bất động sản, một điều đặc biệt không công bằng khi đất đai là sở hữu toàn dân. Thực tế, tỷ phú bất động sản chiếm một nửa tốp 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016.

Có lẽ bà Phạm Chi Lan chỉ phân tích một khía cạnh của sự giàu có ở giới doanh thương. Còn nhiều chiều, nhiều dạng khác nữa, mà trong đó nổi cộm là một bộ phận cán bộ công chức “bỗng dưng giàu có” một cách bất thường. Nếu trước đây chỉ một vụ phanh phui cơ ngơi của ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra chính phủ, đã là đình đám, thì so với hàng loạt vụ gần đây mà báo chí phản ánh, thấy còn “khủng” hơn nhiều. Nhiều giám đốc sở, thậm chí trưởng phòng của một sở, mà có nhiều đất đai, dinh thự, “biệt phủ” nguy nga, khó chứng minh được nguồn gốc tài sản. Những câu chuyện đầy tính châm biếm đã phác lộ con đường làm giàu để có được tài sản hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của các ông/bà ấy là nhờ làm nhiều nghề, từ buôn chổi đót, buôn lá chít, nấu rượu, chạy xe ôm v.v. thật buồn cười (!); và rồi thêm xót xa cho dân chúng ở các tỉnh nghèo ấy vì họ không biết học cách làm giàu như thế.

Chúng tôi không mang tư tưởng kỳ thị, ganh ghét nhà giàu, kiểu như “giàu thì nó ghét, đói rét nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt”. Bởi, ở một nước còn nghèo mà có nhiều người vươn lên làm giàu thì tốt quá. Có điều, dân giàu thì nước mạnh, còn quan giàu lên bất minh thì...nước suy.

Sự giàu có đa chiều vì con đường làm giàu khác nhau. Nếu con đường trong sáng sẽ làm gương cho cộng đồng. Nếu con đường bất minh sẽ dẫn đến chỗ tối tăm, đạo đức xuống cấp trầm trọng. Và, băn khoăn vì sao chỉ có chuẩn nghèo đa chiều mà chưa ai đưa ra chuẩn giàu đa chiều để xét tính minh bạch của nó? Nếu xét cái chuẩn đó, hẳn phải giải trình đầy đủ, rõ ràng về nguồn gốc tài sản, thu nhập mà không gây nên sự hồ nghi...

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giàu... đa chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO