Gieo mầm sống đẹp

LÊ QUANG QUỲNH 09/02/2016 11:09

Họ là những người xe ôm, thợ hồ, thợ cắt tóc, sinh viên, công chức trẻ... tình nguyện san sẻ yêu thương với những người bất hạnh, bất chấp gánh nặng cơm áo vẫn trĩu trên vai mình. Họ luôn tâm niệm: “Không đợi đến khi giàu có mới sẻ chia!”.

Sẻ chia, không đợi giàu có
Thời tiết ở huyện miền núi cao Nam Trà My thường rất khắc nghiệt. Mùa khô nắng nóng như chảo lửa; mùa mưa “thối” đất, khí trời lạnh đến tê người. Sau gần 10 năm làm công tác đoàn - đội, anh Trần Văn Lâm (hiện công tác tại Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Nam Trà My, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối yêu thương) hiểu cái khó, cái khổ của học sinh ở huyện vùng cao này. Mặc dù việc học của các em Nhà nước lo, thậm chí cơm gạo cũng được Nhà nước lo, nhưng cái khổ vẫn hiển hiện trên từng khuôn mặt trẻ thơ nhem nhuốc, những chiếc áo trắng ố vàng. Để được đi học, các em phải gùi gạo hàng chục cây số đường rừng về trường trọ học.

Tuổi trẻ thôn Achiing, xã A Tiêng (Tây Giang) giúp dân dời nhà về nơi ở mới. Ảnh: LÊ THIÊN NGÂN
Tuổi trẻ thôn Achiing, xã A Tiêng (Tây Giang) giúp dân dời nhà về nơi ở mới. Ảnh: LÊ THIÊN NGÂN

Em Đinh Thị Quyền, học sinh lớp 7 Trường THCS cụm xã Trà Vân - Trà Vinh mồ côi mẹ, cha sức khỏe yếu, hai chị em sống trong căn nhà lá dột nát. Trước đây, các em tính chuyện bỏ học do gia đình quá nghèo khó. Thế nhưng, bây giờ các em đã yên tâm đến lớp. Khi biết Quyên có ý định bỏ học vì gia đình quá khốn khó, các thành viên Câu lạc bộ Kết nối yêu thương lên kế hoạch kêu gọi hỗ trợ xây nhà cho em. “Kêu gọi được 30 triệu đồng tuy lớn thật, nhưng xây dựng một căn nhà ở lưng chừng núi, số tiền ấy chỉ vừa đủ trả công vận chuyển vật liệu” - anh Lâm nói. Thế rồi cả nhóm quyết định tự tay xây nhà cho Quyên dưới sự chỉ huy kỹ thuật của anh thợ hồ Trà Văn Tiên, một thành viên câu lạc bộ.

Tranh thủ ngày thứ Bảy, Chủ nhật, thành viên câu lạc bộ “ra tay” xẻ gỗ, xuống suối gánh cát, gùi xi măng, gạch đá và cùng nhau… xây nhà. Đổi lại những ngày vất vả, cả nhóm rất vui khi thấy Quyên cùng gia đình mừng đến nghẹn lời. “Khi bàn giao nhà, anh em trong câu lạc bộ vui lắm, người vui nhất có lẽ là anh Tiên thợ hồ. Anh Tiên năm nay 40 tuổi, nuôi vợ con cũng thiếu trước hụt sau, nhưng nghe nói đi làm nhà cho học sinh nghèo là anh cầm thước, cầm bay lên đường mà không đòi bất cứ điều kiện gì” - anh Lâm cho hay. Anh Trà Văn Tiên trải lòng: “Từ ngày tham gia câu lạc bộ, tôi không có lấy một ngày nghỉ. Gần cả tuần đi làm thợ xây kiếm tiền nuôi gia đình; đến thứ Bảy, Chủ nhật lại khuân vác đồ nghề, leo núi cùng anh em đi giúp dân. Thợ hồ vùng cao thu nhập chẳng đủ nuôi con, nhưng thấy gia đình nhiều học sinh còn khó khăn hơn, thế là mình đi. Không có tiền thì góp chút công sức, miễn giúp ích cho đời bằng cái tâm của mình. Thế là vui rồi!”.

Ở đâu, trong bất cứ hoạt động tình nguyện nào của tuổi trẻ, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những người có tấm lòng trải rộng như anh Trà Văn Tiên. Họ có thể là anh xe ôm, người thợ cắt tóc, thợ may, lái xe, sinh viên, công chức, viên chức… Tuy ngành nghề khác nhau nhưng họ chung một lòng thiện nguyện. “Dù lương viên chức hợp đồng như tôi chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, sống còn vất vả lắm, nhưng sẻ chia, thiện nguyện thì vẫn làm” - bạn Nguyễn Minh Đức, thành viên Câu lạc bộ Ban Mai (TP.Hội An) chia sẻ.

Cổ vũ sống đẹp

Chưa bao giờ những nhóm thiện nguyện trẻ hình thành nhiều và hoạt động sôi nổi như hiện nay ở xứ Quảng. Các bạn tổ chức hoạt động quanh năm. Trao quà cho trẻ em vùng cao, tặng chăn mền, nấu “bát cháo tình thương” cho người vô gia cư sống bên lề phố thị..., các bạn đã làm cho cuộc sống ấm áp bởi tình người, làm “ngắn lại” những con đường đến trường.

Theo Nguyễn Minh Vương (25 tuổi) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội đồng hương Phú Ninh, các bạn hoạt động thiện nguyện với tâm niệm cho đi không cần nhận lại. “Có một điều đặc biệt, bạn nào tham gia câu lạc bộ, chỉ sau một lần đến với mảnh đời bất hạnh nào đó, càng sôi nổi xông vào các hoạt động tình nguyện”- Vương nói. Còn bạn Lê Hoàng Minh (hiện là chuyên viên Văn phòng UBND TP.Hội An) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban mai chia sẻ, những hành động tốt không dừng lại ở hành động mà cần phải ăn sâu thành nếp nghĩ, lối sống.

Nguyễn Minh Vương trong một chuyến tình nguyện vùng cao.  Ảnh: LÊ THIÊN NGÂN
Nguyễn Minh Vương trong một chuyến tình nguyện vùng cao. Ảnh: LÊ THIÊN NGÂN

Với sự trợ giúp của phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, việc kêu gọi cổ vũ lối sống đẹp, sống tốt càng trở nên dễ dàng. Ngày hôm trước, đăng thông báo “Cần gấp 10 tình nguyện viên cho chuyến phát quà Chủ nhật này”, ngay hôm sau đã đủ số lượng người đăng ký. Những hình ảnh chụp lại từ chuyến đi, khoảnh khắc đẹp nụ cười em thơ, giọt nước mắt người tình nguyện đăng tải sau đó càng lan truyền câu chuyện các bạn muốn kể.

Niềm tin là điều quan trọng với những người trẻ chọn con đường gieo mầm sống đẹp. Tự kiếm tiền để giúp đỡ những người không may mắn hơn mình là cách mà nhiều bạn trẻ đã chọn để góp một phần nhỏ của mình làm đẹp hơn cuộc sống này từ những chia sẻ yêu thương.

Hơi ấm từ những trái tim trẻ

Những ngày cuối năm, Đà Nẵng lạnh bất thường. Mặc. Tối thứ Sáu hàng tuần, nhóm bạn trẻ Câu lạc bộ Đại Lộc lại lặng lẽ chia nhau thành từng nhóm, tỏa đi các ngả đường, ngõ ngách thành phố để trao bữa ăn khuya là ổ bánh mì, chiếc bánh bao, bịch sữa nóng… cho những lao động nghèo. “Họ đều là người nghèo khổ, kiếm từng miếng cơm manh áo bằng cái nghề nhặt rác, lượm ve chai, chắt chiu từng món đồ người khác bỏ đi để kiếm từng đồng tiền lẻ. Rất nhiều trong số họ là người ở các tỉnh khác, xa quê hương, trong đó có không ít người Quảng Nam” - bạn Lê Văn Phước, Chủ nhiệm câu lạc bộ nói.

Làm cầu tre bắc qua suối cho bà con đi lại ở thôn Pà Dương, Thạnh Mỹ (Nam Giang). Ảnh: THIÊN NGÂN
Làm cầu tre bắc qua suối cho bà con đi lại ở thôn Pà Dương, Thạnh Mỹ (Nam Giang). Ảnh: THIÊN NGÂN

Trong khí trời se lạnh, tình cảm của các bạn trẻ đang được gom góp hơi ấm để sưởi những mảnh đời cơ cực. Bạn Lê Thị Hường - thành viên câu lạc bộ chia sẻ: “Khi đi trao bữa ăn khuya, bọn mình gặp nhiều hoàn cảnh rất éo le, bất hạnh. Nhận được suất ăn miễn phí họ xúc động lắm. Nhiều bạn nhận ra rằng mình có thể làm điều gì đó, đơn giản như trao cái nắm tay, nụ cười để cuộc đời tươi đẹp và dễ sống hơn”.

 LÊ QUANG QUỲNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gieo mầm sống đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO