Gió rát

LÊ TRÂM 02/04/2023 08:20

Bẵng đi mấy năm không còn ai lui về chăm sóc, căn nhà cũ của Dương xuống cấp thấy rõ. Sau đợt di dời triệt để qua bên tê sông, làng trở nên tiêu điều.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Con đường làng chạy dọc sông bị chia cắt từng khúc, khúc lở xuống sông, khúc chìm trong um tùm tre gai và cây dại. Nhiều căn nhà biến mất chỉ còn lại nền nhà trơ trọi bỏ phế cho cỏ cây bò ngang dọc. Rải rác vài ba nhà đầu làng còn chơ vơ mấy bức tường. Nhà Dương, một căn đã mất hẳn mái.

Từ nhà Dương dòm qua cánh đồng là thấy những bức tường xám xịt của nhà ông Võ Xịn, người đàn ông kỳ lạ của làng, nghe nói là người có mặt ngay từ những ngày lập làng, người còn sót lại như một chứng nhân hiếm hoi của con đất này. Cả căn nhà cũ nữa, nhân chứng của một câu chuyện dài.

Như với nhiều nhà khác, hầu hết mọi chuyện hiếu hỷ hay sự gì cần người giúp đỡ ở nhà Dương thì ngay tức khắc có mặt ông Võ Xịn. Cho dù ông chỉ là người bà con khá xa phía bà nội của nó.

Dương nêu thắc mắc thì ba hắn cười, bảo: Từ thời ông nội con đã vậy rồi, ông là người thân thích của nhà mình mà. Ông theo nhà mình từ hồi làng mới dời nhà tới đây, nhà mình ngay đầu làng, đi tắt qua mấy đám ruộng là tới nhà ổng, có chuyện gì là gọi được liền. Mà lạ, không ai gọi vẫn thấy ông có mặt, ngay tức thời, rồi loay hoay sắp xếp công việc này nọ.

Đã thành thói quen, hễ nhà có chuyện chi là ba Dương lại bảo, xuống mời bác mi lên ba nhờ chuyện ni chút! Với Dương, người “đi ra” khá sớm mỗi bận về xóm hoặc tết nhứt thì nhà ai còn có thể bỏ sót chứ nhà ông thì không. Chính vì thế, có vài năm ông bỗng phát nghề coi bói thì mấy đứa nhỏ trong làng hay được ông dúi cho ít tiền.

Thấy đứa nào ngần ngại không dám nhận thì ông bảo đó là lộc, phải cho đi chứ không thể giữ riêng một mình được, rồi cười, như vừa bừa xong thửa ruộng, vấn vội điếu thuốc rê đưa lên miệng bập bập mấy hơi, khoan khoái nhả khói.

Nhưng chỉ vài năm sau cái lộc ấy không còn. Dương có lần hỏi chuyện, ông chỉ lắc đầu, nói tỉnh khô, dô chừng nớ lộc là quý lắm rồi cháu nợ, còn để dành cho người khác chớ! Với ông, mọi chuyện thật đơn giản. Nhiều đứa trẻ dù đang ở xa tít tắp vẫn hay nhắc về ông. Có thể, cả làng vẫn hay nghĩ về ông chính bởi sự “may mắn”, linh lợi ông dành cho mọi người.

Ông Võ Xịn là tuổi thơ của Dương. Cắt ngang qua những ngày tháng êm đềm là một cuộc chạy loạn hơn mười năm. Những ngày tháng ly loạn, ông vẫn trụ bám lại nơi một căn nhà tranh nhỏ bên kia bờ sông.

Hòa bình, ông là người có mặt đầu tiên ở làng, là những người đặt bàn chân đầu tiên trở lại mảnh đất mà bên dưới dày đặc bom mìn. Khi nhà Dương trở về đã thấy căn nhà lợp rạ mới toanh của ông Võ Xịn dựng ngay giữa làng như là một chỉ dấu cho sự có mặt của con người, tạo niềm tin cho mọi người yên tâm quay về cố xứ.

Gặp Dương ở đầu ngõ, ông Xịn xoa đầu nó: “Thằng Dương đây hử? Giống ông nội mi như đúc! Dề tập cuốc đất với bà con hỉ? Rồi sẽ quen thôi con!”. Dương lí nhí chưa kịp thưa gởi đã thấy ông quảy cuốc ngoặt ra hướng đồng Ba Xứ.

Ông Võ Xịn là “trung tâm quy tụ” của bọn nhóc trong làng. Ông hay cho bọn nhỏ khi thì trái ổi, khi thì nhúm trái keo già vừa bùi vừa béo, khi thì mấy trái khế chua. Khế chua lòm vừa ăn vừa ứa nước mắt nhưng khoái, chê nhưng rồi cũng nhanh chóng hết sạch. Nhờ ông mà bọn nhóc cả làng biết bơi rất sớm.

Chiều nào, trừ mùa lạnh, mọi người đều ra bến sông, ở đó luôn có mặt ông Xịn. Và bọn trẻ lần lượt qua tay ông, đứa nào cũng biết bơi. Tập xong mỗi “ca”, ông cười mãn nguyện và không quên dặn dò: đứa biết bơi dễ chết nước lắm, nhớ đó nghe bây. Vọp bẻ một phát là chìm liền, hết đỡ nổi, coi chừng. Mắt ông trợn lên càng thêm vẻ nghiêm trọng. Đứa nào cũng le lưỡi, rùng mình nhưng trong bụng lại nhủ thầm: ổng dọa rứa thôi chứ sức mấy mà chìm.

Nhà Dương có lệ khác với nhà khác, rằng cúng tất niên không bao giờ cúng đầu heo, cho dù nhiều năm thu nhập rất khá và luôn sẵn heo nhà. Cuối năm làm thịt heo thì nhường lại cái đầu heo cho nhà nào cần hoặc dùng để ăn trong nhà nhưng không bày lên bàn để cúng.

Có lần Dương thắc mắc hỏi ba nó thì ông bảo cái này có lệ từ ông nội con. Hỏi, vì sao vậy ba, ông bảo cũng không rõ nữa. Đi hỏi bác Võ Xịn thì biết. Tau cũng nghe bác Xịn kể lại nhưng vẫn thắc mắc mà thôi chuyện không hay nhắc lại làm chi. Mấy lần gặp ông Võ Xịn, Dương định hỏi nhưng rồi thấy bộ dạng khó đăm đăm của ông nó lại rụt cổ không dám mở lời.

*
*         *

Buổi chiều ấy Dương khó mà quên được. Trời mùa đông, mưa như cầm chỉnh đổ. Vừa mưa, vừa sấm chớp kinh hoàng. Tan học, cả bọn lướt thướt áo mưa và mũ nón tùm hụp vẫn không che chắn hết những cơn mưa liên tục hắt vào người. Bọn trẻ con bắt đầu thấm lạnh và run cầm cập. Con Thương nép chặt vào người Dương: Anh ơi! Em sợ!...

Dương nắm chặt tay con bé: Có anh mà, đừng sợ! Tiếng réo gọi ghe rền khắp mặt nước sông. Cuối cùng, bọn trẻ nhảy tưng tưng khi một chiếc ghe xuất hiện. “Có ghe r .ồ…i...!”. “Biết ngay mà! Là ghe ông Xịn!”. Cả bọn nhanh chóng lên ghe, rời bến.

Bất ngờ, một cơn gió chướng ào tới, xoáy điên cuồng. Chiếc ghe chao lắc dữ dội. Ông Xịn thét lên: “Ngồi im! Ngồi im!”. Bóng một đứa con gái chao đảo, chiếc ghe bất ngờ quay nghiêng rồi chìm dần. Những tiếng gào thét chói rát. Nhiều đứa sợ quá bám riết lấy nhau. “Thả tay ra đi! Bu rứa chết cả đám chừ!”.

Rồi họ cũng vào được bờ. Cả đám ướt như chuột lột.

Sau sự cố chìm ghe, ông Võ Xịn trầm ngâm hẳn.

Ông Xịn bất ngờ lăn ra ốm sau khi trúng phải một ngọn gió độc. Ba ngày sau thì qua đời mang theo cả những bí mật. Đám tang ông lớn nhất làng, người đi đưa rất đông. Cuối cùng, rồi Dương cũng tìm ra cái bí mật ấy. Năm đó trúng mùa dịch, không tìm ra được đầu heo để cúng tất niên, ông nội Dương nhờ ông đi tìm mua một con gà trống “ngó được được chút” để thay thế.

Ông Xịn mất mấy ngày đi xuống tận phía cuối sông mới tìm ra một con gà trống cồ nặng trịch, hí hửng ôm về. Lúc đi ngang qua hàng tre ngăn đôi giữa nhà nội Dương và nhà Cả Thiện, trời đã nhá nhem. Bỗng, con gà trống cồ quát lên một tiếng như bị ai bóp cổ rồi tắt thở, mềm oặt trên tay ông Xịn.

Nghe kể lại sự tình, ông nội Dương đang ngồi bỗng đứng bật dậy: “Bắt mình phải cúng đầu heo đây! Đừng hòng! Bắt con gà khác mà cúng! To nhỏ chi cũng được! Từ đây, nhà này không bao giờ được phép cúng đầu heo, ra sao thì ra!”. Nói xong, ông nội Dương bỏ ra ngoài sân đứng ngó trời đất.

Nghe nói, trước khi chết ông Xịn còn lầm rầm: “Họ sao mình vậy! Có kiêng ắt có lành!”. Dương có cảm giác ông Xịn muốn nhắn lại với nó điều gì.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gió rát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO