Giới hạn kiểm soát của kiểm lâm

BÍCH HẠNH 05/07/2013 08:48

Nạn “phá sơn lâm” ở vùng tây xứ Quảng đã bớt nóng bỏng. “Tần số” về các vụ phá rừng quy mô lớn, chống người thi hành công vụ của lâm tặc trên các phương tiện truyền thông cũng giảm đáng kể. Điều đó ghi nhận chủ trương đồng bộ đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc giữ rừng của tỉnh đã có tác dụng hữu hiệu. Tuy nhiên, bản báo cáo mới nhất của ngành chức năng đã chỉ ra rằng, số vụ vi phạm lâm luật có chiều hướng tăng, một số nơi kiểm lâm “đầu hàng” trước lâm tặc. Ở các huyện Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phú Ninh, Nông Sơn lại tái diễn tình trạng phá rừng để trồng rừng. Những cái tên quen thuộc như sông Bua, địa phận xã Trà Vân (Nam Trà My) giáp ranh với Quảng Ngãi, Trà Leng (khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2), vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh 2, rừng phòng hộ Phú Ninh... lại thành “nơi tị nạn” của lâm tặc, vượt ngoài tầm kiểm soát của lực lượng kiểm lâm. Rồi những “dòng sông gỗ lậu” đoạn từ Trung Phước (huyện Nông Sơn) về Giao Thủy (huyện Duy Xuyên), từ Thạnh Mỹ (Nam Giang) xuôi về Đại Lộc... chưa lúc nào yên.

Không phải những “điểm nóng” trên lực lượng chức năng không đột nhập, đem quân đến trấn giữ. Nhưng sự thật là sau mỗi đợt truy quét đâu lại hoàn đấy. Nhiều lần theo chân đoàn kiểm tra, truy quét lâm khoáng sản trái phép, chúng tôi nhận thấy người thi hành công vụ rất “dè dặt” trong cuộc đấu tranh với đối tượng phá hoại tài nguyên rừng. Tang vật, phương tiện máy móc vi phạm nhan nhản án ngữ trong rừng đặc dụng nhưng cán bộ rất ngại xử lý, phá hủy tại chỗ. Có lẽ vì người thi hành chức trách, nhiệm vụ thấy “xót của” (!?) Mà khi tổ chức phá hủy tài sản vi phạm có tính nhạy cảm thì phải “cậy” phóng viên đến chụp hình, quay phim làm... bằng chứng. Tréo ngoe hơn, không ít lần đi kiểm tra, truy quét nhưng người thi hành pháp luật thì “tay không bắt giặc”, đến khi phát hiện tang vật vi phạm thì lấy điện thoại về cấp trên xin ý kiến. Nhiều vụ do chờ xin ý kiến chỉ đạo mà đối tượng có thời gian xóa bỏ hiện trường, phi tang phương tiện. Một số huyện miền núi thừa nhận, các đợt kiểm tra, truy quét định kỳ không bao giờ đem lại hiệu quả. Muốn có chi phí hoạt động, mở các đợt cao điểm đấu tranh với lâm tặc thường thì địa phương phải lên kế hoạch, lập phương án tài chính, sau đó mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tốn rất nhiều thời gian, thủ tục hành chính. Lãnh đạo của một huyện miền núi cho biết, chỉ có việc mở các cuộc truy quét bất ngờ, không báo trước cho bất kỳ ai thì họa may mới đánh lớn được. Còn “bài” truy quét kiểu hành chính, định kỳ để báo cáo như hiện nay thì chẳng đem lại kết quả gì.

BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giới hạn kiểm soát của kiểm lâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO