1. Ngữ pháp gió là tựa đề tập thơ của Nguyễn Thanh Mừng được NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 4/2014. Tập thơ gồm 49 bài viết về Bình Định - quê hương của tác giả và các vùng miền đất nước mà nhà thơ đã đi qua. Đọc Ngữ pháp gió, ta cùng tác giả “Qua Truông Mây”, “Ghi ở xóm Hoàng Thành Bắc”, “Một đêm xuân Hà Nội”, “Buổi chiều ở Tân Sơn Nhất”, uống “Rượu Mẫu Sơn” và nhớ về “Ký ức Bạc Liêu”…
Nhận xét về Ngữ pháp gió - tập thơ mới nhất của Nguyễn Thanh Mừng, nhà thơ Bằng Việt đã viết: “Sức liên tưởng trong Ngữ pháp gió đôi lúc lặng lẽ đến cam chịu như thế, nhưng là một sức nén mang đến sự bùng nổ”; “Ưu thế của Ngữ pháp gió đã cho Nguyễn Thanh Mừng cách nói giả bộ ngu ngơ, tuyệt vời khiêm tốn mà lại cũng không thua kém phần ngông ngạo”.
2. Tôn Nữ Thanh Tịnh là hội viên Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng, tác giả của nhiều truyện thiếu nhi với lối viết dung dị đằm thắm và giàu tính nhân văn. Tôn Nữ Thanh Tịnh vừa xuất bản tập sách Cậu bé và con nhồng gồm 30 truyện ngắn, tản văn và bút ký do NXB Đà Nẵng ấn hành.
Tôn Nữ Thanh Tịnh tâm sự: “Bài viết đầu tiên tôi viết về trẻ em là truyện ngắn Tình mẫu tử, câu chuyện kể về niềm ước ao cháy bỏng của một bà mẹ nghèo có đứa con bị tật nguyền đôi chân, bà mẹ mong sao sẽ có chương trình giống như chương trình mổ hàm ếch để con mình có thể đi lại được như những đứa trẻ bình thường khác”. Và truyện ngắn này được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.Đà Nẵng trao giải 3. Tác giả tự tin viết hàng loạt truyện thiếu nhi khác, và Cậu bé và con nhồng là thành quả miệt mài lao động sáng tạo của chị trong những năm qua.
3. Mai Trực quê làng Thi Lai, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Tuổi ngoài 80 nhưng ông vẫn âm thầm lặng lẽ tìm hiểu về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Sau mấy chục năm chịu khó đọc sách báo, tài liệu tham khảo và đi điền dã, Mai Trực đã viết cuốn sách Thi Lai quê hương tôi và được NXB Đà Nẵng ấn hành quý 4/2014.
Tập sách giới thiệu về vị trí địa lý, lịch sử, ngành nghề nông nghiệp, thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phong tục tập quán cũng như một số câu chuyện tiếu lâm tiêu biểu của làng Thi Lai hơn mấy trăm năm qua. Nhà thơ Nguyễn Kim Huy - Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng, khi tiếp nhận bản thảo tập sách đã tâm sự: “Viết về thôn xóm làng quê cũng là đề tài mà tôi vẫn tâm đắc, ấp ủ nên trước khi giao bản thảo cho biên tập viên biên tập, tôi đã tranh thủ lướt qua và bị cuốn hút vào từng trang của nó từ lúc nào không hay”. Có thể nói, Thi Lai quê hương tôi là một trong số không nhiều tập sách viết về một làng quê với bề dày trầm tích văn hóa ở Duy Xuyên nói riêng, Quảng Nam nói chung.
LÂM BÌNH THÁI