Giới thiệu sản phẩm, liên kết thị trường

LÊ PHƯỚC LAN NHI 08/09/2014 09:14

Từ ngày 4 đến 7.9, tại thị trấn Tân An (Hiệp Đức) diễn ra sự kiện “Giới thiệu hoạt động dự án và liên kết thị trường” do Ban quản lý dự án “Phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới ở Campuchia, Đông Timor và Việt Nam tại Quảng Nam” phối hợp với UBND huyện Hiệp Đức tổ chức. Đây là cơ hội để các làng nghề tại huyện Hiệp Đức và các địa phương lân cận có điều kiện tìm kiếm mở rộng thị trường.
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm

Sự kiện “Giới thiệu hoạt động dự án và liên kết thị trường” là hoạt động thường niên từ năm 2012 đến nay, do ban quản lý dự án tỉnh phối hợp với địa phương vùng dự án tổ chức. Tham gia sự kiện lần này có 10 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hiệp Đức và hơn 20 doanh nghiệp từ các địa phương: Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An, Tam Kỳ và Tiên Phước.

Phụ nữ thôn Trà Nhiêu, xã Duy Vinh (Duy Xuyên) được PyD hỗ trợ đào tạo nghề làm mũ, giỏ xách từ nguyên liệu cói. Ảnh: L.P.L.N
Phụ nữ thôn Trà Nhiêu, xã Duy Vinh (Duy Xuyên) được PyD hỗ trợ đào tạo nghề làm mũ, giỏ xách từ nguyên liệu cói. Ảnh: L.P.L.N

Ấn tượng đầu tiên khi đến với sự kiện này là sự phong phú, đa dạng các sản phẩm từ nông nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề truyền thống, các đặc sản của địa phương. Trong đó, chú trọng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng nằm trong chuỗi giá trị phát triển kinh tế của dự án như: sản phẩm chiếu cói, mây tre đan, chổi đót, các mặt hàng nông - lâm nghiệp... tại 10 xã triển khai dự án do Tổ chức Hòa bình và phát triển Tây Ban Nha (PyD) tài trợ, gồm: Duy Phú, Duy Hòa, Duy Phước (Duy Xuyên), Bình Lâm, Quế Thọ, Sông Trà (Hiệp Đức), Phước Xuân, Phước Đức và Phước Hòa (Phước Sơn). Ông Quảng Văn Trái - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hàng mỹ nghệ Trà Nhiêu (Duy Vinh - Duy Xuyên) cho biết: “Đây là lần đầu tiên các sản phẩm mũ cói, giỏ xách, hộp đựng quà... làm từ nguyên liệu cói do chị em phụ nữ trong tổ hợp tác sản xuất được giới thiệu rộng rãi với các doanh nghiệp và bà con nhân dân Hiệp Đức. Thông qua sự kiện, tôi mong muốn sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương”.

Sự kiện được tổ chức ở Hiệp Đức là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp, người sản xuất trên địa bàn huyện giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường hàng hóa và dịch vụ đến đối tác và người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, nhấn mạnh: “Bên cạnh việc trưng bày, quảng bá sản phẩm, sự kiện được mở đầu bằng hội thảo khách hàng về các sản phẩm làng nghề truyền thống, chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng của dự án ở từng địa phương. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để các doanh nghiệp trên địa bàn huyện có cơ hội tiếp cận, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Thúc đẩy liên kết thị trường

Cùng với các hoạt động hội thảo, giới thiệu, quảng bá về làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong dự án và vùng lân cận; sự kiện cũng tạo cơ hội để người dân nắm bắt thông tin việc làm, qua đó thúc đẩy liên kết thị trường giữa các doanh nghiệp với người sản xuất địa phương. Ông Đặng Công Lệnh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, Giám đốc Ban quản lý dự án “Phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới ở Campuchia, Đông Timor và Việt Nam tại Quảng Nam” cho biết: “Thúc đẩy liên kết thị trường giữa các doanh nghiệp với người sản xuất địa phương là một trong những mục tiêu của chương trình dự án do PyD tài trợ. Đây là lần thứ 3 sau 2 lần tổ chức sự kiện thành công tại huyện Duy Xuyên. Lần này, đại diện của PyD tại Việt Nam, lãnh đạo huyện Hiệp Đức, các doanh nghiệp và các cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tích cực tham gia và ủng hộ cho sự kiện. Qua đó, tạo ra kênh kết nối cho sản phẩm các làng nghề tiêu biểu tại huyện Hiệp Đức và các địa phương lân cận có điều kiện tìm kiếm mở rộng thị trường, hướng đến các thị trường khó tính tiềm năng có giá trị cao hơn thông qua các doanh nghiệp”.

Theo ông Đặng Công Lệnh, gần 4 năm qua, dự án đã mang lại hiệu quả tích cực cho người hưởng lợi, góp phần nâng cao năng lực và cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Đến nay, PyD đã hỗ trợ gần 10 tỷ đồng cho hơn 1.300 thành viên, với trên 27 nghìn người (nữ giới chiếm 60%, dân tộc thiểu số 13%) hưởng lợi từ dự án. Nhiều hoạt động mang lại hiệu quả rõ rệt như: đào tạo nghề khai thác mủ cao su, may công nghiệp, các nghề truyền thống địa phương, phát triển mô hình kinh tế hộ... Các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng về giới và bình đẳng giới được lồng ghép xuyên suốt trong các hoạt động của dự án. “Sự kiện giới thiệu hoạt động dự án và liên kết thị trường là một trong 3 hoạt động của dự dự án nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đến những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là thông qua các sáng kiến có lồng ghép giới; thúc đẩy nông thôn phát triển bền vững và sự tham gia của người hưởng lợi; thúc đẩy công bằng giới, bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình, đề cao vai trò phụ nữ” - ông Nguyễn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, cho biết thêm.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giới thiệu sản phẩm, liên kết thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO