Mới đây, các nhà nghiên cứu lại cảnh báo về chứng “nghiện” smartphone (điện thoại thông minh) ở giới trẻ châu Á…
Không ai phủ nhận sự tiện ích và hiệu quả của smartphone trong thời đại số ngày nay, nhưng việc giới trẻ châu Á tiêu tốn quá nhiều thời gian vào nó đang là “vấn nạn” – các nhà nghiên cứu vừa cảnh báo như thế trên các nhật báo châu Á tuần qua. Hệ lụy mà nó mang lại có nguy cơ làm giảm khả năng tập trung của giới trẻ, giảm học lực, rối loạn tâm thần, mắc nhiều căn bệnh khác, rời xa các mối quan hệ xã hội. Với smartphone, giới trẻ càng dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi có thể tiếp cận nội dung độc hại…
Smartphone mọi lúc mọi nơi (ảnh: internet) |
Ông Adrian Wang, một bác sĩ tâm thần tại Trung tâm y tế Gleneagles ở Singapore trích dẫn, nghiện internet và các thiết bị số gần như chứng rối loạn tâm thần với các biểu hiện như: cảm thấy không thể tách rời khỏi điện thoại thông minh, liên tục kiểm tra điện thoại dù không có việc gì, dễ bị phân tâm… Những người này khi bị căng thẳng, áp lực, thay vì tìm cách giải quyết họ lại lướt web và vào mạng xã hội. Đồng nghiệp của ông Adrian Wang, bà Tan Hwee Sim thì lưu ý rằng, trong những năm gần đây, triệu chứng của các bệnh nhân đã thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây bệnh nhân của bà thường nghiện chơi các trò chơi điện tử thì giờ đây số bệnh nhân nghiện các mạng xã hội lại tăng lên nhiều hơn.
Hiện nay, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc nằm trong số các vùng và lãnh thổ dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Khoảng 87% trên tổng số 5,4 triệu dân của Singapore hiện đang sở hữu điện thoại thông minh của riêng mình. Tỷ lệ này còn cao hơn cả ở Mỹ (65%). Người Singapore, đặc biệt là giới trẻ trung bình một ngày bỏ ra 38 phút để truy cập facebook, gần như gấp đôi thời gian dành cho mạng xã hội của một người Mỹ. Tại Singapore hiện đã có hai trung tâm tư vấn cộng đồng được thành lập dành cho những thanh thiếu niên mắc bệnh. Trong nửa cuối năm nay, giới chức Singapore cũng sẽ phát động chương trình “sống khỏe thời đại số” nhằm giáo dục cho trẻ mầm non và khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ sử dụng điện thoại quá sớm…
Tại Hàn Quốc, các nhà chức trách đang hết sức lo ngại khi chứng nghiện smartphone ngày càng trở nên phổ biến, gây tổn hại cho đất nước và thế hệ trẻ, mà các nhà tâm lý học gọi là “nomophobia” (hội chứng bất an khi không tiếp xúc với điện thoại). Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ban hành “lệnh giới nghiêm” buộc trẻ dưới 16 tuổi không sử dụng smartphone sau nửa đêm. Nhiều trường học trong và ngoài thành phố Seoul áp dụng ứng dụng iSmartKeeper cho phép giáo viên kiểm soát từ xa điện thoại của học sinh hay giáo viên có thể sử dụng ứng dụng này để “khóa” điện thoại của học sinh, như tắt các ứng dụng mạng xã hội mà chỉ cho phép thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn SMS khẩn cấp hay sử dụng các ứng dụng có tính giáo dục.
Các chuyên gia tâm lý cũng cảnh báo các ông bố, bà mẹ nên dành nhiều thời gian hơn quan tâm đến con cái, thay vì để điện thoại thông minh hay máy tính bảng làm “bảo mẫu” cho chúng.
KIM OANH