Được xem là cánh tay nối dài của lực lượng công an ở cơ sở, những mô hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã đóng góp hiệu quả vào công cuộc phòng chống tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống.
“Cây - dây - kẻng”
Chỉ có diện tích hơn nửa cây số vuông, nhưng khối phố Tân Hòa, phường Tân An, TP.Hội An là nơi đóng chân của 2 trường cao đẳng với số lượng học sinh, sinh viên hơn 10 nghìn, đó là chưa nói đến lượng người vãng lai hằng ngày qua địa bàn. Vì vậy, nơi đây luôn tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), nhất là các tệ nạn cờ bạc, tội phạm trộm cắp, gây rối, đánh nhau. Thực hiện Chương trình phối hợp hành động phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, năm 2013 Hội Nông dân phường Tân An phối hợp với công an phường và Ban dân chính khối phố Tân Hòa xây dựng và thí điểm triển khai mô hình “Cây - dây - kẻng” tự quản về ANTT.
Buổi lễ phát động nhân rộng mô hình “Cây - dây - kẻng” ở phường Tân An, TP.Hội An. |
Về lực lượng, mô hình huy động toàn bộ người dân làm ăn, sinh sống, học tập trên địa bàn, lấy hội viên nông dân, tổ bảo vệ dân phố, ban quân dân chính và lực lượng dân phòng làm nòng cốt. Về phương tiện, mỗi gia đình tự sắm cây gậy (dài 1 đến 1,2m), dây (có thể trói được tội phạm) và đóng góp 20.000 đồng để khối phố mua kẻng cấp phát cho đồng bộ. Các dụng cụ này được đặt ở nơi thuận tiện nhất để khi có sự việc xảy ra thì kịp thời sử dụng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ, đề ra các phương án tác chiến và quy định hiệu lệnh kẻng cho từng tình huống, Hội Nông dân phối hợp với Công an phường tổ chức diễn tập. Cụ thể, khi nghe có tiếng hô “trộm”, “cướp”, mọi người dân trong khối phố đều đồng thanh hô hào, nhanh chóng lấy dụng cụ, vừa đánh kẻng, vừa chia ra chốt chặn các ngả đường và tổ chức vây bắt đối tượng. Hoặc khi có cháy nổ xảy ra, người dân dùng kẻng báo động theo đúng hiệu lệnh để mọi nhà biết và cùng nhau hỗ trợ giải quyết. Những tháng đầu triển khai mô hình, địa phương thường xuyên tổ chức diễn tập để tạo tính chủ động trong nhân dân.
Qua gần 2 năm thử nghiệm và đi vào hoạt động, mô hình đã đem lại nhiều kết quả tích cực, tình hình ANTT trên địa bàn dần ổn định, tệ nạn xã hội giảm đáng kể, tội phạm trộm cắp hầu như không xảy ra. Đặc biệt, mô hình đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống tội phạm. “Trước đây, mỗi năm trên địa bàn xảy ra hàng chục vụ trộm cắp, gây rối, đánh nhau. Từ khi có mô hình, tình hình tệ nạn trong khối phố giảm hẳn. Thấy được hiệu quả của mô hình, người dân chúng tôi càng hưởng ứng duy trì” - ông Trần Đình Châu, người dân khối phố Tân Hòa cho biết.
Từ những thành công ban đầu, tháng 8.2014, Hội Nông dân phường Tân An phối hợp với Công an phường tổ chức lễ chính thức ra mắt mô hình “Cây - dây - kẻng” ở khối phố Tân Hòa và nhân rộng ra toàn phường. Từ đó đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân An chia sẻ: “Nếu chúng ta biết vận động, gắn kết quần chúng sẽ tạo ra được sức mạnh. Người làm phong trào giống như người châm ngòi nổ, nếu ta hiểu và kích đúng ngòi, “quả bom phong trào” sẽ bùng nổ một cách mạnh mẽ và tạo ra tiếng vang lớn”.
Tiếng mõ tre
Từ bao đời nay tiếng mõ tre đã đi vào tâm khảm của người dân đất Quảng. Một khi tiếng mõ vang lên báo động thì những tiếng mõ khác cũng dồn dập nổi lên để người dân trong làng nhanh chóng tỏa ra các ngả đường trấn áp, vây bắt tội phạm hay hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn... Phương thức truyền thống ấy được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh áp dụng và đạt hiệu quả cao. Trong đó mô hình “Tiếng mõ an ninh” tại khối phố Trường Đồng, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ là một điển hình.
Trường Đồng có 240 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu, nằm ven khu trung tâm TP.Tam Kỳ. Những năm trước đây, tình hình ANTT ở khối phố có nhiều diễn biến phức tạp, thường xuyên xảy ra trộm cắp, gây rối trật tự công cộng và được xem là địa phương tương đối phức tạp về ANTT. Trước tình hình đó, Công an phường Tân Thạnh phối hợp cùng Ban nhân dân khối phố Trường Đồng xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh”, đề ra quy chế hoạt động và hướng dẫn bà con cách quản lý, sử dụng tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Theo đó, mỗi gia đình làm một chiếc mõ bằng tre, treo ở vị trí thuận lợi để có thể thao tác nhanh khi có tình huống xảy ra. Chỉ cần một gia đình gõ mõ, lập tức mõ ở các nhà khác cũng vang lên và mọi người cùng nhau truy đuổi, vây bắt tội phạm; hoặc giúp nhau khi có hỏa hoạn... Trước khi áp dụng mô hình vào thực tiễn, Công an phường Tân Thạnh tổ chức diễn tập các tình huống giả định, tạo sự thuần thục cho nhân dân.
Sau thời gian thử nghiệm thành công, tháng 3.2013 mô hình đã được ra mắt và đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, tuy mới hơn hai năm triển khai nhưng mô hình đã đem lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Điển hình như vào khoảng 23 giờ ngày 23.7.2013, kẻ trộm đột nhập vào nhà anh Bùi Văn An (ở tổ đoàn kết số 4) trộm máy bơm nước. Khi nghe tiếng động, anh An đi kiểm tra thì phát hiện kẻ trộm bỏ chạy ra ngoài và nhảy lên xe máy đồng bọn đang chờ sẵn để tẩu thoát. Ngay lập tức, anh An dùng mõ tre báo động đồng thời hô to “trộm… trộm…”. Chỉ vài giây sau các nhà xung quanh cũng đồng loạt đánh mõ tre và chia ra chốt chặn các ngả đường, bắt ngay đối tượng giao cho cơ quan công an xử lý. Hay như vào đầu năm 2015, tại tổ đoàn kết số 1, khi người dân đang yên giấc ngủ thì nghe tiếng mõ tre cùng tiếng hô “trộm… trộm…” vang lên từ nhà ông Mai Tấn Hữu, ngay lập tức nhiều tiếng mõ khác vang lên và người dân đã đổ ra vây kín các ngả đường, chỉ một lúc sau tên trộm bị bắt cùng tang vật chiếc xe đạp điện của gia đình ông Hữu.
Trung tá Phạm Văn Học - Trưởng Công an phường Tân Thạnh, một trong những người sáng lập mô hình chia sẻ: “Sau khi mô hình “Tiếng mõ an ninh” ra đời, trên địa bàn khối phố Trường Đồng các vụ phạm pháp hình sự giảm hẳn. Người dân có ý thức hơn trong việc tham gia giữ gìn ANTT. Mỗi một người dân, mỗi một gia đình đều ý thức được rằng việc chấp hành nghiêm các quy định của địa phương chính là tự bảo vệ bản thân mình, gia đình mình trước nguy cơ tấn công của bọn tội phạm”. Ông Trương Phường - Trưởng ban nhân dân khối phố Trường Đồng nói: “Mô hình đã động viên, khuyến khích nhân dân trong khối phố hăng hái tham gia giữ gìn ANTT. Đồng thời uy hiếp tinh thần, răn đe đối tượng phạm tội, làm cho những tên trộm phải chùn chân... không dám đến khối phố”.
NHƯ Ý - VIẾT KIM