Giữ đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng

TRẦN NGUYỄN 10/08/2018 07:24

Từ các dự án dựa vào cộng đồng mà vùng lõi nhiều khu bảo tồn thiên nhiên được quản lý nghiêm ngặt, giàu đa dạng sinh học.

Dân cư sống phụ thuộc vào rừng và việc xây dựng các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, đường tuần tra biên giới là những nguyên nhân làm suy giảm đáng kể phần diện tích rừng nguyên sinh ở dãy Trường Sơn. Vì vậy, thời gian qua, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học ngắn hạn và dài hạn giúp người dân và chính quyền địa phương có rừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm ở các khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh. Trong đó, dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát, buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020” và triển khai “Tuần lễ bảo tồn voi” tại huyện Nông Sơn đã có những tác động lớn tới nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã.

WWF dự án Trường Sơn xanh Quảng Nam vừa báo cáo kết quả khảo sát, thống kê giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn trong vùng dự án. Theo đó, việc điều tra, khảo sát hiện trường cho từng nhóm sinh vật như thú lớn, thú ăn thịt nhỏ, bò sát và lưỡng cư, khu hệ chim và thực vật được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như bằng bẫy ảnh, lập ô đo đếm kết hợp với điều tra theo điểm định vị, tuyến. Báo cáo đánh giá mức độ đa dạng sinh học của 2 khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và Sao La rất cao so với nhiều khu bảo tồn trên cả nước với loài, họ, bộ trong đó có nhiều loài lần đầu tiên phát hiện có mặt. Riêng thú ăn thịt nhỏ, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được 37 loài thuộc 13 họ, 5 bộ.  Ghi nhận 61 loài chim, thuộc 22 họ và 8 bộ, trong đó có 4 loài trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và 6 loài thuộc Sách đỏ của IUCN (2006). Trong khi đó, kết quả thống kê cho thấy trong 2 khu bảo tồn này có 575 loài, thuộc 157 họ thực vật bậc cao có mạch đã được định danh. So với dữ liệu năm 2017 thì về mặt số lượng tổng số loài tăng thêm là 54 loài.

Trong khi đó, thông qua dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng Quảng Nam, đến nay đã có 10 thôn thuộc 5 xã thí điểm tại các huyện miền núi Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My thiết lập được các mô hình quản lý rừng cộng đồng với gần 4.000ha rừng tự nhiên được bảo vệ có tổ chức, được cắm mốc ranh giới rõ ràng. Hai năm nay, WWF khởi động dự án “Giám sát đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng tại Quảng Nam” nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về hậu quả từ áp lực con người đến quần thể tự nhiên các loài thú và chim; phân tích thực trạng và chiều hướng thay đổi của các hệ sinh thái rừng. Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) còn hỗ trợ chi phí tuần tra bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám cho lực lượng bảo vệ rừng thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành).

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO