Làng quê thì phải xanh, phải cố kết bằng tính cộng đồng và gốc rễ văn hóa làng. Đây là điều tiếp tục được đặt ra tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị làng du lịch sinh thái Đại Bình” (xã Quế Trung, Nông Sơn) mới đây.
Cổng làng Đại Bình, Quế Trung Nông Sơn. |
Mâu thuẫn giữa phát triển một làng quê trở thành điểm du lịch sinh thái và việc phải đảm bảo giữ tính “thuần Việt” của nó, là một bài toán khó đặt ra với các nhà quy hoạch. Cuối tuần qua, những nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quy hoạch, chính quyền địa phương cùng người dân làng Đại Bình có dịp ngồi cùng nhau, để bàn về hướng phát triển làng quê này.
Không để “cứng” hóa
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc - Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp cho rằng, Đại Bình là một “di sản xanh”, bao gồm cảnh vườn tược cây cối. Ông cho biết đây là một không gian sống, có người dân đang sinh hoạt nên sinh ra các vấn đề phức tạp khi đồng thời thực hiện cả hai việc bảo vệ và phát triển. Vấn đề quan trọng nhất, theo KTS. Bùi Kiến Quốc, cần phải tập trung ở làng quê này là giậu bờ rào. “Hàng rào là điểm ranh giới giữa nhà và đường, vì vậy nó là mặt tiền mang tinh thần muốn trình bày của chủ nhà. Trong xã hội nông thôn, một hàng rào cơ bản được làm từ cây cối, như chè tàu. Tuy nhiên quá trình hiện đại hóa khiến cho người dân có xu hướng “cứng hóa” hàng rào bằng xi măng, cát sạn, sắt thép. Chính vì vậy cần có một hướng dẫn, tư vấn để người dân làm “hàng rào thân thiện”. Một ngôi làng sinh thái, điều đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề tỷ lệ: nhiều vườn - ít nhà (nhà xanh, rào xanh) - đường hẹp.
Làng Đại Bình căn bản đã là một ngôi làng đẹp, đặc trưng của Quảng Nam. Sở dĩ đến hôm nay làng vẫn còn giữ được không gian xanh, từ những bụi tre bao bọc quanh làng, đến rào chè tàu, những khu vườn xanh nghít, bởi tự bao đời nay, Đại Bình nằm tách biệt phía tả ngạn sông Thu Bồn. Khoảng 2 năm về trước, muốn vào làng chỉ có thể đi bằng đò qua sông. Hiện nay đường vào làng đã có thể đi bằng ô tô. Những người có tâm huyết chia sẻ lo ngại rằng, một khi đưa Đại Bình trở thành làng du lịch sinh thái sẽ phá vỡ không gian yên bình này. “Làm gì thì làm, phải hạn chế việc dùng bê tông cốt thép ở một làng quê như thế này” - GS-TS-KTS. Lê Hồng Kế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và quy hoạch phát triển bền vững nói. Đại Bình trong du lịch Quảng Nam được định vị sẽ là điểm nối kết của tuyến Hội An - Mỹ Sơn - dọc sông Thu Bồn. Bên cạnh đó, Đại Bình nằm gần và là một địa điểm có mối liên hệ chặt chẽ trong đầu tư, khai thác du lịch với các khu vực trên địa bàn huyện Nông Sơn như Hòn Kẽm Đá Dừng, suối nước nóng Tây Viên, đèo Le…
KTS. Bùi Kiến Quốc: “Đại Bình đẹp vì không gian tình cảm” “Tôi nghĩ phát triển du lịch Đại Bình sẽ không khó, vì chỗ mình đẹp, khách sẽ đến. Cái khó là đừng làm hư cái đẹp đó. Phần bảo tồn, theo kinh nghiệm của tôi, giữ lại “sắc đẹp” trong quá trình phát triển là vấn đề cực kỳ khó mà hình như chưa ai giải quyết được. Bảo vệ giá trị mỏng manh đó, nó thuộc về quyết tâm, không phải chỉ của chính quyền, mà chủ yếu là của người dân. Phải làm sao để nhân dân hiểu những giá trị về không gian của họ, những thế hệ trước để lại cho mình. Nếu làm được việc đó, phần còn lại không khó, chỉ là kỹ thuật, sự thống nhất, một số điều kiện, trong đó điều kiện tài chính. Cái đẹp của làng Đại Bình thuộc về tỷ lệ quy mô của những con đường nhỏ, với hàng rào chè tàu. Khi phát triển du lịch, sẽ cần giao thông hiện đại, ô tô, hiện bây giờ không có đường nào ở Đại Bình có thể để hai chiếc ô tô cùng đi lại với nhau. Cái khó là đừng phá bỏ con đường này, làm sao giải quyết giao thông hiện đại nhưng vẫn giữ lại con đường này, giữ lại bụi chè tàu, giữ lại không gian này… Cái đó cần tư vấn, hướng dẫn, thống nhất, tình cảm. Nói một cách hơi lãng mạn, không gian này đẹp bởi nó có tình cảm, nếu phá vỡ không gian tình cảm này thì e ại Bình không còn nét quyến rũ nữa”. LÊ QUÂN (ghi) |
Trong 5 trọng điểm quy hoạch làng Đại Bình do Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Quảng Nam đưa ra, hầu hết tiêu chí hàng đầu là giữ nguyên hiện trạng, hạn chế sự tác động của con người lên cảnh quan. Từ bến đò Đại Bình, các vườn cây trái, làng nghề và trung tâm công cộng, kết nối với khu tâm linh như chùa và vườn thuốc Núi Cấm, thêm vào các dịch vụ công cộng ở cửa ngõ đầu làng phía tây sẽ là những điểm nhấn tại ngôi làng này. Ông Phạm Đình Hoàng - Giám đốc Công ty lữ hành Vitour cho rằng, để thu hút khách, Đại Bình phải tạo ra sản phẩm khác biệt. “Không gian này đã là một sản phẩm để khách du lịch tận hưởng. Ở đây, con người thân thiện và mến khách, cảnh quan dễ chịu, ngoài ra cần phải có những chương trình đào tạo về du lịch để người dân làm tốt hơn công việc của mình. Quan trọng nhất, phải nghĩ làm sao để có được một sản phẩm khác biệt, đặc trưng của vùng thượng nguồn, để Đại Bình không giống như các làng quê sinh thái khác” - ông Hoàng nói.
Dựa vào cộng đồng
Theo KTS. Lê Hồng Kế, làng Đại Bình có cả hai loại tài nguyên là du lịch vật thể và du lịch phi vật thể có thể khai thác. Do đó, cần phải bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dựa vào cộng đồng. Các nước trên thế giới làm du lịch theo nhu cầu cộng đồng, giữ lại đường làng với hệ sinh thái phát triển bền vững. Sắp xếp vật thể và phi vật thể làm sao để mọi người dân nơi đây đều tham gia, đưa Đại Bình trở thành làng điển hình của miền Trung. Ở tính cộng đồng, phải giải quyết được phúc lợi xã hội cho trẻ em và người già. Cùng chung quan điểm, Bí thư Huyện ủy Nông Sơn - Bùi Xuân Hóa cho rằng, lấy người dân Đại Bình làm chủ thể, khi phát triển du lịch sẽ giải quyết công ăn việc làm cho chính họ. Việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới, cũng như tạo nhận thức để người dân biết quý trọng và giữ gìn không gian sống của mình là điều cực kỳ quan trọng.
Đường làng Đại Bình. |
Tìm kiếm giải pháp để làng quê này không bị phá vỡ, không bị đảo lộn trong cơ chế thị trường, cũng như giữ được nét thanh bình, yên ả vốn có là điều mà chính quyền địa phương đang làm lâu nay. Theo ông Huỳnh Tấn Triều - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, quan trọng là quy hoạch, tuyên truyền vận động để quán triệt mục đích, ý nghĩa, hướng đến sự phát triển nhưng không phá vỡ cảnh quan chung ở đây. Chính quyền đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ người dân phát triển như vườn cây giống để có những loại cây trái đặc trưng, vừa phát triển kinh tế cho người dân vừa tạo điều kiện thu hút du khách. Trong định hướng phát triển, địa phương luôn chú trọng để người dân hiểu tính chất du lịch ở đây là du lịch sinh thái, theo mô hình nhà vườn. Đối với việc phá bỏ hàng rào kẽm gai để trồng chè tàu, mỗi hộ dân được địa phương hỗ trợ 20 nghìn đồng/m.
Nhiều người dân Đại Bình bày tỏ mong mỏi về một diện mạo làng du lịch sinh thái trong tương lai. Nơi mà ở đó họ có được một môi trường trong lành với những nhu cầu phát triển tối thiểu. Ông Hoàng Quy, người làng Đại Bình cho rằng, khi một làng du lịch sinh thái được hình thành thì tiêu chí môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Ông Quy nói: “Mỏ than Nông Sơn, rồi đến nhà máy nhiệt điện Nông Sơn sắp hoàn thành và đi vào hoạt động, nếu chính quyền địa phương không có hướng khắc phục, xử lý chất thải, ắt hẳn sẽ gây tác hại không nhỏ đến ngôi làng này. Chúng tôi mong các nhà khoa học sẽ rà soát vấn đề này một cách nghiêm túc”.
Những phần việc tiếp theo để Đại Bình trở thành một làng du lịch sinh thái còn khá nhiều. Và như mong mỏi của những người có tâm huyết với Đại Bình, cũng như người dân Đại Bình, trong quá trình quy hoạch phát triển, cộng đồng dân cư sẽ là trung tâm để bảo tồn và phát huy không gian này. Vì nếu không có những người dân quê mộc mạc, hiền lành này, 300 năm qua, ngôi làng bé nhỏ phía thượng nguồn sông Thu sẽ không giữ được như hôm nay.
LÊ QUÂN