Ngành văn hóa Quảng Nam đang tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân ca bài chòi xứ Quảng. Và rộng hơn, câu chuyện nhận diện những giá trị văn hóa phị vật thể lẫn nghệ thuật truyền thống để có cách bảo tồn hợp lý, phù hợp với bối cảnh phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang được đặt ra.
Nghệ thuật... “trực tuyến”
Thay vì đợi những vở diễn với lớp lang sân khấu bài bản, những trích đoạn nhỏ của các nhóm người trẻ từ khắp nơi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Nhìn nhận việc chưa bao giờ thị trường nghệ thuật biểu diễn lại ảm đạm và khó khăn đến thế, các nghệ sĩ khắp cả nước tự mình làm nên những hoạt động cá nhân thú vị, góp phần vơi bớt đi những căng thẳng trong tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp.
Mới đây nhất, nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn tiếp thêm năng lượng và lan tỏa tinh thần tích cực đến lực lượng y bác sĩ và bệnh nhân tại một bệnh viện dã chiến ở TP.Hồ Chí Minh. Dù chưa đầy 5 phút, nhưng ca khúc “Quê hương” qua âm điệu của kèn Saxophone khiến người nghe, dù ở bất cứ đâu, đều xúc động, thổn thức.
Tại Quảng Nam, nhiều cá nhân với khả năng làm clip đã tự bỏ tiền túi, kêu gọi sự tham gia của những người trẻ tuổi khác cùng dựng nên tác phẩm khá thú vị. Anh N.H - chủ nhân của kênh Youtube Xứ Quảng media với nhiều MV được quay dựng kỳ công; trong đó, điểm nhấn vẫn trên nền tảng âm nhạc dân ca bài chòi và chất liệu ca từ, hình ảnh của quê hương.
Trên kênh Youtube này, với hơn 6 nghìn lượt người theo dõi, anh N.H cho biết, tôn chỉ của anh vẫn chuộng những giá trị truyền thống của quê hương. Đây cũng là cách thức các sân khấu truyền thống của cả nước hướng tới với việc đăng tải và ứng dụng công nghệ để quảng bá tác phẩm. Sau 2 năm dịch bệnh diễn ra, công nghệ số đã không còn là giải pháp tình thế nhằm thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh mới. Áp dụng công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang trở thành giải pháp phát triển mang tính bền vững cho nhiều người hoạt động nghệ thuật.
Chất liệu quê hương
Ông Đặng Đức Lai (xã Tam Phước, Phú Ninh) những ngày này vẫn tất tả như thường. Một kế hoạch đưa bài chòi vào trường học đã được huyện Phú Ninh thông qua. Và người đàn ông này sẽ là “thầy dạy hát” cho các em nhỏ. Tam Phước cũng là địa phương đang làm tốt nhất câu chuyện bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống của địa phương.
Theo lời cụ bà Phạm Thị Kha - người luôn giữ những ký ức về các chiếu bài chòi xuân nơi quê mình, nhiều năm trước vẫn còn nhớ mồn một và có thể hô lại vài câu ca, rằng: “Một anh để em ra/Hai anh để em ra/Về em buôn em bán/Trả nợ bánh tráng, trả nợ bánh xèo/Còn dư trả nợ thịt heo/ Anh đừng lầm em nữa, kẻo mang nghèo vì em/Con bài Nhì nghèo”...
Những người này cũng là nền tảng để các câu lạc bộ dân ca ra đời, kích hoạt trở lại tình yêu bài chòi ở các địa phương xứ Quảng. Và phải nhắc đến người có công đầu trong việc gợi mở lại dấu nhấn của bài chòi ở cơ sở, là nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh.
Ông là một người hoạt động văn hóa văn nghệ cơ sở, cũng là người theo suốt các dự án thành lập, tập huấn cho những câu lạc bộ đàn hát dân ca cấp cơ sở. “Bằng nhiều cách, dân ca bài chòi đã trở thành “hơi thở” của cư dân xứ Quảng. Hơn 10 năm nay, nhiều câu lạc bộ dân ca bài chòi ở các địa phương bằng sự nhiệt huyết và đam mê của người dân đã làm nên những đêm hội” - ông Bích nói.
“Chỉ với 1 bộ loa, 1 cây đàn nhị, cây gõ và 30 loại thẻ cây bài, 1 nhạc công, 2 đến 3 ông hiệu và 3 đến 4 người biết cách hô hát sao cho đúng làn điệu xuân nữ dân ca bài chòi, là đã có được một câu lạc bộ phục vụ nhu cầu cho nhân dân. Vào tối 16 âm lịch hằng tháng, các câu lạc bộ hoạt động tại nhà văn hóa thôn, tạo nên một không khí rất vui nhộn” - bà Trần Thị Phương (xã Tam Phước, Phú Ninh) chia sẻ.
Mỗi ngày, càng có nhiều địa phương hình thành nên những đội, nhóm dân ca bài chòi như vậy. Những ngày dịch bệnh, không thể tập trung đông đúc, họ nhờ con cháu quay lại bằng điện thoại, rồi cũng chính các bạn trẻ này up lên các trang facebook, Youtube cá nhân để người xa quê nghe đỡ nhớ nhà.
Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng Đoàn ca kịch Quảng Nam nói, Đoàn ca kịch Quảng Nam đã kết nối và phối hợp cùng các trường học để đưa bộ môn nghệ thuật bài chòi vào tiết sinh hoạt ngoại khóa hoặc giờ học về văn hóa địa phương của học sinh từ nhiều năm học trước. Trong năm học tới, đoàn đã lập kế hoạch phối hợp cùng ngành giáo dục và Thành đoàn TP.Tam Kỳ tiếp tục những tiết học về dân ca bài chòi.
“Trong nhiều năm học trước, Câu lạc bộ (CLB) Âm nhạc của hai trường tiểu học và THCS đã lựa chọn và tổ chức cho khoảng gần 20 em có năng khiếu âm nhạc, cùng tham gia chương trình học hát bài chòi trong trường học. Nếu Hội An đã tổ chức chương trình này hơn 10 năm rồi, thì TP.Tam Kỳ đang bắt đầu đẩy mạnh hoạt động dạy hát dân ca trong trường học. Dù muộn, nhưng chúng tôi tin nếu thế hệ trẻ như các em học sinh biết yêu quý văn hóa truyền thống cũng như có hiểu biết, kỹ năng về hô hát bài chòi thì câu chuyện tìm kiếm thế hệ kế cận cho di sản văn hóa phi vật thể bài chòi không phải điều quá khó khăn” - bà Võ Thị Thu Mây nói.