Nằm lặng lẽ bên chân sóng, ngọn hải đăng Kỳ Hà là “mắt thần” của biển vẫn ngày đêm dẫn đường cho những con tàu.
Tôi đến thăm Trạm quản lý báo hiệu hàng hải Kỳ Hà (thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Trung Bộ) vào những ngày cuối năm. Xắn tay áo kiểm tra hệ thống ắc quy hải đăng, Trạm trưởng Lê Viết Quang cười hiền hậu, gãy gọn nói khi được hỏi về chuyện vui buồn nghề nghiệp: “Quen. Buồn gì nữa khi 20 năm bám trụ với ngọn đèn này”. Ông mở sách, chỉ tay vào những ngọn hải đăng ở một số đảo tại Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Ngãi… rồi nói: “Họ vất vả hơn trăm ngàn lần. Chứ chúng tôi được ở đây là sướng rồi!”.
Bảo dưỡng “mắt thần” của biển. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Ông Quang kể, trước khi có ngọn đèn biển này, tàu thuyền vào tới cửa An Hòa hay bị đâm va vào đá do không định vị được. Ngọn hải đăng Kỳ Hà này ra đời năm 1995 do UBND huyện Núi Thành tự bỏ kinh phí xây dựng. Đèn biển không thể tắt trong mọi điều kiện. Chính vì vậy, phải kiểm tra hàng ngày, phát hiện sự cố là phải khắc phục ngay hoặc thay đèn phụ khi đèn chính bị hỏng. Với 20 năm trong nghề, ông Quang không nhớ nổi bao lần có bão đi qua, anh em của trạm lại thức trọn đêm để giữ “mắt thần”. Hay những lần theo chiếc cầu thang xoắn ốc nhỏ trong lòng ngọn hải đăng để sửa chữa khi bên ngoài gió mưa táp vào tấp cập như muốn quật ngã ngọn hải đăng lẻ loi. Ông Quang chia sẻ: “Anh em ở đây ngoài nhiệm vụ vận hành đèn biển thì còn thêm nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống báo hiệu hàng hải, dẫn luồng vào cảng Kỳ Hà, cảng Trường Hải. Trên toàn tuyến vào các cảng nơi đây có 23 phao và 1 đăng tiêu cố định. Vào ban đêm, trên các báo hiệu này được thắp sáng bằng các đèn hiệu để tàu thuyền căn cứ vào đó mà đi. Nếu không có hệ thống báo hiệu này thì khi tàu vào cảng chắc chắn sẽ đâm va vào các bãi đá hoặc mắc cạn. Nghề này, nói vui là chỉ giữ cho đèn biển, đèn báo hiệu sáng. Nhưng khổ nỗi là các đèn trên các phao báo hiệu rất dễ hư hỏng do môi trường khắc nghiệt. Chính vì vậy, việc giữ cho đèn sáng là nhiệm vụ khó nhất, cam go nhất. Cứ 3 ngày thì dùng tàu đi suốt tuyến để kiểm tra từng phao”.
Theo chiếc tàu 150CV của trạm đi kiểm tra trong những ngày thời tiết không được tốt, tôi mới thấy hết cái nhọc nhằn của nghề. Tàu tiếp cận chiếc phao sơn đỏ đang nhấp nhô theo con sóng. Bám chặt vào chiếc phao chao đảo, trơn trợt giữa một màu nước biển xanh xám, cán bộ kỹ thuật Đặng Đức Trường rất vất vả khi cố thay chiếc đèn mới vào. Trên boong tàu, anh Trường nói: “Bình thường thì lau chùi, bảo dưỡng thôi, khổ nhất là khi mưa gió, đèn thường bị tắt. Dù có phần nguy hiểm nhưng không có đèn thì sợ tàu thuyền vào không được nên phải ra để khắc phục, sửa chữa. Chuyện té ngã gây chấn thương tay chân là bình thường rồi”.
Cứ ngỡ nghề này chỉ quanh quẩn với ngọn hải đăng và những chiếc đèn trên các phao của hệ thống báo hiệu, nhưng đó là cả một sự hy sinh thầm lặng. Ở trạm có 6 cán bộ, nhân viên thì phần lớn xa nhà. “Tết, ai chả mong người đàn ông về nhà lo tết, trước là nhang khói ông bà, sau là lễ nghĩa với họ hàng, xóm giềng. Còn anh em ở đây thì cứ ăn tết tại cơ quan suốt vậy đó. Người trẻ nhất là anh Đặng Đức Trường, vào cơ quan được 3 năm thì ba cái tết liền chưa được về quê, còn tôi bám trụ 20 cái tết dưới ngọn đèn biển này. Vì nhiệm vụ phải đảm bảo đủ quân số và trực suốt ngày đêm. Chuyện về quê ăn tết khó quá nên anh em ở trạm dường như quen rồi” - ông Quang nói nhẹ nhàng, như nỗi lòng thao thức của những canh giữ “mắt thần” của biển giữa đất trời chuyển xuân.
ĐOÀN ĐẠO