Giữ mình đầy những âm vui

LÊ QUÂN 25/11/2018 00:31

Thoắt ở vuông sân, ông đã ở ngay giữa nhà, bộ điệu của người trên sân khấu, ứng ngay mấy câu theo mấy điệu của bài chòi. Rồi cứ vậy, một mạch lớp lang ca từ bung ra. Hồn nhiên. Chân chất.

Ông lão Nguyễn Tấn Hòa “hát vo” một điệu bài chòi. Ảnh: L.Q
Ông lão Nguyễn Tấn Hòa “hát vo” một điệu bài chòi. Ảnh: L.Q

Ông lão Nguyễn Tấn Hòa, tuổi đã vừa thất thập. Ở cái ngưỡng mà người ta vốn dĩ ưa mình đạo mạo, sắm cho mình cái vóc dáng khuôn thước của người trải nhiều chuyện đời, thì lão ông Nguyễn Tấn Hòa lại cứ kiểu say sưa vui vầy của một tâm hồn rất trẻ.

1. Vùng đất cát Bình Triều (huyện Thăng Bình), ai từng ngang qua đây nhiều năm về trước, hẳn sẽ thấy sự cằn cỗi, sự khó nghèo. Nhưng ẩn sâu trong đó, ngay từ rất lâu về trước, đã có những nhóm thanh niên, người già yêu say đắm văn nghệ, dân ca bài chòi. Ngay từ những năm 1964 - 1965, ở Bình Triều đã thành lập một Đội Văn nghệ lấy dân ca bài chòi làm chủ đạo. Thuở ấy, Nguyễn Tấn Hòa là một thanh niên lòng đầy nhiệt huyết và say sưa. Nhóm người này sau đó được triệu về Đoàn văn công Giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, riêng Nguyễn Tấn Hòa thì vẫn ở lại với vùng đất cát cằn cỗi này. Bom đạn. Chiến tranh. Cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt. Tưởng rằng những cơn bão quét qua cuộc đời sẽ khiến người đàn ông này thôi say sưa với chuyện hát ca.

Nhưng một mạch, từ tuổi 27, Nguyễn Tấn Hòa bấu víu vào văn nghệ quê mình, để giữ gìn, để phát triển, để đưa dân ca bài chòi thành một mạch sống ngầm chảy dọc theo ký ức của đời người. Ông nói, phải làm sao để cái phong trào văn nghệ ở quê mình không bị vùi dập bởi bao chuyện, làm sao để cái giai điệu sâu lắng bao đời không bị lãng quên. Nghĩ... thì nghĩ vậy thôi! Nhưng đến khi ở trong cuộc, nhất là làm những chuyện theo kiểu “vác tù và hàng tổng”, mới thấy hết trăm thứ cực nhọc. Chỉ bằng bản năng máu thịt tình yêu với bài chòi mới  giúp ông đủ sức vượt qua, bền bỉ theo đến cuối cùng ý định của mình.

Tôi ngang qua Bình Triều một ngày giữa tháng mười. Để tìm gặp ông, người duy nhất của huyện Thăng Binh được vinh danh là “người biên kịch bài chòi” có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi của Quảng Nam hồi tháng 8 năm nay, trong dịp đón nhận Bằng UNESCO công nhận Bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngạc nhiên vì sự ồn ào, nhộn nhịp của vùng đất đã từng rất khó nghèo. Một con đường lộ nối các địa phương mở ra, thì hẳn nhiên vùng quê cũng theo đó mà đổi thay diện mạo.

Và may thay, khi đời sống ngày mỗi cải thiện theo hướng tốt dần lên, thì dân quê mình vẫn vẹn nguyên ở đó lòng say mê những giá trị nghệ thuật dân gian. Những sân khấu vội vàng được dựng lên đơn giản, diễn viên là ông hàng xóm của mình, là chị buôn hàng xén ở chợ, là đứa cháu vẫn thường đi học ngang nhà... Vở kịch cũng là mấy chuyện hàng ngày ở xóm ở làng mình, vậy mà khi mang lên sân khấu, người ta vẫn cứ say sưa. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng nói, cái đời thường của cuộc sống cũng là vốn nghệ thuật thuần túy, là mảnh đất màu mỡ mà không người nghệ sĩ nào dám cả quyết mình đã biết đến tận cùng. Vậy nên, người như ông lão Nguyễn Tấn Hòa này, tôi hình dung việc ông làm cho văn hóa truyền thống của vùng đất này, như đang đơn lẻ gieo hạt mầm, rồi từ đây những thế hệ sau có thể sẽ gieo cấy nên cả một cánh đồng nghệ thuật.

2. Trong suốt cuộc chuyện trò, xen lẫn về sự hồ hởi của quê mình nay đã khác, là những câu hát mà ông lão Nguyễn Tấn Hòa không dưng bật ra vì nhiều nỗi niềm. Cả một vùng đất xôn xao vì chuyện nếp nhà nếp cửa, tình thân, khi đâu đó có những người lạ từ nơi khác đến - trở thành chủ sở hữu những không gian rộng. Hay chỉ một thoáng qua cái vết hằn nơi đuôi mắt người già vì chạnh lòng nghĩ cho một thế hệ tiếp sau của nghệ thuật truyền thống, của một sân khấu dân gian dựng ngay giữ làng mình. Bình Triều hằng năm rộn ràng với hội Cộ Bà Chợ Được, thì lão nông Nguyễn Tấn Hòa cũng ngay từ ngày đầu xuân đã kêu gọi người này người khác tập luyện cho những trích đoạn ca kịch bài chòi phục vụ hội lễ lớn nhất vùng này.

Vì đâu người ta biết đến một ông già ưa ca kịch bài chòi, biết diễn hò khoan đối đáp, biết cách viết cho ra những phân cảnh trích đoạn để luyện tập cho một nhóm người? Ông Nguyễn Tấn Hòa nói, phong trào văn nghệ truyền thống đã gần như là máu thịt của mỗi người dân. Riêng với ông chỉ học chữ từ chương trình bình dân học vụ thuở xưa, cơn cớ của niềm say mê, của năng khiếu ca kịch, còn truyền từ người mẹ là một nghệ nhân hát hò khoan đối đáp nức tiếng trên vùng cát trắng. Nhiều năm liền, ông theo những lớp đàn anh để học một cách bài bản về thể điệu bài chòi, về cách dựng nên một vở kịch bài chòi, cách truyền tải thông tin sao cho vừa ngọt vừa sâu. “Tôi vẫn nhớ anh Trần Thanh Việt - Nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, cứ mỗi lần đoàn về Thăng Bình diễn là đi tìm tôi bảo theo đoàn mà học. Rồi những người bạn như nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích, Nguyễn Quang Toản... không ngại gì chỉ cho tôi từng cung bậc, âm điệu nhỏ nhất” - ông Nguyễn Tấn Hòa nói.

Gắn bó với văn hóa cơ sở từ khi vùng quê mới giải phóng, cho đến tận bây giờ, ông Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã Bình Triều vẫn cứ gom góp cái “vốn liếng” văn nghệ để dành cho vùng đất. Bây giờ ông nói, đã có 3 học trò người Bình Triều cũng theo ông để đi xã này xã khác, dựng kịch bản sân khấu, luyện tập ca kịch bài chòi cho một nhóm người phục vụ các sự kiện của địa phương. Vậy thôi mà chân đi không nghỉ. Dù thù lao chưa bao giờ hơn những ly nước uống bồi dưỡng cho đường xa. Rồi những câu lạc bộ bài chòi ở mỗi thôn của xã Bình Triều, một đội bài chòi của những người cao tuổi, vẫn cứ vậy hằng tháng đôi ba lần gặp nhau luyện tập.

Đã từng đại diện cho Quảng Nam đưa Đội ca kịch bài chòi Bình Triều đi thi tại Huế, chưa kể mỗi một cuộc hội làng người ta lại thấy ông lão này không ngơi tập luyện cho những “nghệ sĩ chân đất” chuẩn bị lên sân khấu. Như thể ông gom tất vào mình những toan lo mỗi khi có hội làng. Vậy cũng hay. Để cái vốn cốt lõi truyền thống không phải chỉ nương náu trên những văn bản, giấy tờ hay trong những cuộc trình diễn mang tính chất “sân khấu hóa” để bảo tồn, phục hồi. Chút ý tưởng ấp ủ của mình về câu chuyện phục hồi bài chòi rộng khắp các địa phương, như được chắp thêm sức khi loại hình di sản này càng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn bằng các chính sách lẫn kinh phí. Nhưng không chỉ riêng bài chòi, văn hóa cơ sở còn cần nhiều thứ hơn, như hình thành một đội hình làm công tác văn hóa văn nghệ địa phương từ người già đến trẻ cùng chung tay. “Cơ bản hiện nay với văn hóa cơ sở cần phải có nhân lực. Người dân nông thôn không được hưởng thụ nhiều chương trình văn hóa, giải trí như thành thị, chưa kể rằng với các chính sách, điều luật do Nhà nước ban hành, một đội ngũ những người được đào tạo chuyên sâu về làm văn hóa sẽ giúp người dân dễ tiếp cận hơn” - ông Hòa nói.

Mấy mươi năm gắn bó với văn hóa cơ sở, điều lớn nhất ông lão này gom nhặt được, không phải là danh xưng hay bằng khen từ cấp này cấp nọ. Điều vui nhất là mỗi người dân vùng biển Thăng Bình thấy ông, thì họ lại reo lên: “Gió xuân phảng phất nhành tre/ Mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi” - theo kiểu thấy ông Hòa là nghe ra cái âm vui của điệu bài chòi.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ mình đầy những âm vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO