Giữ nến

KHÁNH THI 01/11/2017 15:57

(QNO) - Với người già, được sống trong tuổi già, là phúc phần không những cho bản thân, mà cả cho con cháu. Người già khi sức cùng lực kiệt, là họ thanh thản ra đi. Dường như bao nhiêu sức lực, họ đã “bày biện” lúc trẻ, giờ chỉ còn da với xương, với hơi thở khó nhọc, khiến con cháu “đứt ruột” khi chứng kiến, để rồi ao ước giá như thở giúp ông bà, cha mẹ lấy vài hơi, ho giúp vài cơn, hay đau thay một chặp…

Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp con cháu chăm sóc ông bà, cha mẹ mình những ngày cuối đời thật đáng cảm kích. Chăm người già chẳng khác giữ ngọn nến ngoài trời, cần sự phối hợp của nhiều bàn tay để chắn gió. Con cháu, đứa thì nắn tay nắn chân, đứa vuốt ngực, vỗ về, bao nhiêu yêu thương đều tận hiến để trả ơn sinh thành dưỡng dục; báo hiếu bao nhiêu vẫn cảm thấy không bao giờ là đủ.

Người già sợ cô đơn, cũng không ít người sợ chết. Con cái thì sợ ông bà, cha mẹ mình rời khỏi thế gian. Khi ốm đau, người già cố húp lấy muỗng cháo loãng, uống lấy chén thuốc sắc để níu sự sống. Người trẻ gắng nắn bóp thật nhẹ nhàng, lùng tìm loại thuốc người ta rỉ tai nhau khi bác sĩ đã “chạy”. Và dù không ít người già coi cõi nhân gian là cõi tạm, là cuộc dạo chơi chóng vánh, thì con cháu vẫn cố giữ lấy họ bằng tất cả lòng thành.

Có một phụ nữ tuổi vừa ngoài 60, khi hay tin mẹ bệnh nặng, nói như muốn khóc: “Dù biết mẹ đã già, nhưng không lẽ tôi sắp mồ côi mẹ?” Cô dàn xếp công việc, từ trời Tây bay về tận lực chăm mẹ. Cô mang cả va li quần áo, trang sức, thuốc thang, thức ăn ngon về tẩm bổ, làm đẹp cho mẹ. Xưa nay cô là chỗ dựa kinh tế của mẹ. Những ngày cuối đời mẹ, cô cảm thấy ân hận, cho rằng chưa làm tròn bổn phận khi không nấu cho mẹ được bữa cơm, không xoa bóp tay chân cho mẹ bớt đau nhức.

Còn mẹ cô, từ một nông dân khỏe mạnh, mắc bệnh nan y 5 năm trời, nay bệnh vào giai đoạn cuối. Mọi chuyện ăn uống, tiểu tiện phải nhờ một tay con cái. Ngày trước bà làm ruộng mẫu, gánh cả gánh thóc nặng hàng cây số về nhà, vậy mà bỗng nhiên lâm bệnh, giờ đến ly nước cũng nhờ con cháu rót giúp, thậm chí phải mặc tã giấy. Bà tủi thân, hay khóc mỗi khi nhớ về những tháng ngày khỏe mạnh. Mà tính bà chẳng ưa nhờ vả, may con cháu hiểu ý, tận tình kề cận, bao nhiêu ngại ngùng cũng tan. Rồi tới một ngày bà sống như đứa trẻ, ăn có người đút, vệ sinh có người giúp, không nói năng được, chẳng còn biết mắc cỡ khi con cháu thay quần áo, cứ vô tư ngoan ngoãn đáng yêu.

Bệnh tật rút dần sinh lực người già, những người cả đời lặn lội vì con cháu, thì con cháu ngoảnh mặt sao đành? Ung thư, tim mạch, xương khớp là những căn bệnh uy hiếp mạnh mẽ nhất. Những hôm trở trời, người già bệnh nặng như ngọn đèn hắt hiu trước gió, cái chết chỉ là gang tấc. Chuyện sống còn của họ, ngoài yếu tố bệnh tật đầy nguy cơ, thì việc “giữ nến” đóng vai trò cực kỳ quan trọng. “Giữ nến” không chỉ là thuốc thang, xoa bóp, mà còn thể hiện sự hiếu thảo. Một ánh nhìn trìu mến, cái vuốt ve dịu dàng có thể chạm đến trái tim người bệnh, giúp kéo dài sự sống, dù sự sống ấy chỉ tồn tại vài ngày hay vài giờ đồng hồ.

Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng sau gần một năm lâm trọng bệnh. Dù biết trước chuyện ấy sẽ đến, từng dặn lòng không được khóc, vậy mà nước mắt cứ tuôn ra. Một sự mất mát không gì bù đắp nỗi, tưởng chừng đất dưới chân sụp xuống, tôi chuếnh choáng trong đau thương, trống trải. Vậy là “nến” đã tắt. Từ nay muốn “giữ nến”, chị em tôi đã chẳng còn cơ hội nữa…

KHÁNH THI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ nến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO