Giữ nghề trồng rau răm

NHƯ TRANG 20/09/2017 12:53

Hiện nay, một số người làng Quảng Lăng 2, (phường Điện Nam Trung, Điện Bàn) vẫn bám trụ với cây rau răm vì mong giữ nghề cha ông đã gắn bó suốt hai mươi năm qua.

Bà Đặng Thị Tặng (trái) và bà Võ Thị Lành có thâm niên trồng rau răm hơn 20 năm. Ảnh: N. Trang
Bà Đặng Thị Tặng (trái) và bà Võ Thị Lành có thâm niên trồng rau răm hơn 20 năm. Ảnh: N. Trang

Ông Đặng Thông (làng Quảng Lăng) có hơn 20 năm gắn với nghề trồng rau răm. Ông Thông kể, năm 1996, sau một vụ lúa thất thu bởi chuột đồng và sâu rầy phá hết, ông suy tính trồng loại cây khác trên đất ruộng thế cho cây lúa. Nhận thấy cây rau răm lành tính, thích ẩm, chịu nóng, đồng thời có thể sống trong môi trường ngập nước như cây lúa nên quyết định trồng thử. “Dường như chỉ cần có ánh mặt trời và nước từ thủy lợi chảy xuống, bao nhiêu đó đã đủ cho cây phát triển tốt tươi. Nếu mỗi vụ lúa cần đến mấy tháng ròng, thì một lứa rau răm chỉ cần chăm sóc trong vòng từ 10 đến 15 ngày là có thể cắt bán” - ông Thông chia sẻ về thời gian đầu thử nghiệm. Từ nửa sào rau giống, vợ chồng ông Thông đầu tư nhân rộng mô hình bằng cách phá bỏ hết các thửa ruộng lúa không đạt năng suất, lấy đất cải tạo và trồng rau răm. Hết thửa đất này, ông Thông thuê thửa đất khác rồi cắt rau giống để trồng trên đất ruộng. Mỗi chiều, ông Thông cắt khoảng chừng 70kg rau răm mang về chao qua nước, để ráo. Đến 3 giờ sáng, ông cùng vợ chở rau đến chợ Điện Ngọc bán cho thương lái.

Từ thành công của ông Thông, người em ruột Đặng Kim cũng chuyển từ trồng lúa sang rau răm. Cả 15 sào rau răm là thành quả sau hơn 20 năm ông Đặng Kim cùng vợ là bà Hồ Thị Bồng dày công vun vén. Bây giờ tuổi cao,  ông Kim định hướng cho con dâu nối nghề trồng rau răm. Vừa cắt rau cùng mẹ chồng, chị Nguyễn Xuân Quỳnh cho hay: “Mấy mẫu rau răm này chính là tài sản một đời tần tảo của ba má chồng tôi. Bây giờ, làm nghề gì cũng khó nên tôi quyết định gắn bó với cây rau răm để ổn định cuộc sống”. Hay như bà Võ Thị Lành nay đã 70 tuổi vẫn duy trì 3 sào rau răm.

Người làng Quảng Lăng 2 phần lớn đều gắn bó với rau răm như là sinh kế chính. Dù có lúc, giá rau rớt xuống còn 3.000 đồng/kg, tính ra một ngày hái độ 50kg rau chỉ thu về 150.000 đồng chưa kể tiền phân bón. Thế nhưng bà con ai nấy đều bám trụ trên cánh đồng rau hết lứa này đến lứa khác, những mong đợi đến tiết trời lập đông, hoặc mùa lũ về trên cánh đồng. Bà Huỳnh Thị Kim Bé giải thích: “Mùa đông lạnh nên rau phát triển rất chậm, nhiều khi không có rau, thương lái lên đến tận cánh đồng đợi chúng tôi cắt xong liền bỏ bao mang đi ngay. Lũ lụt thì khỏi phải bàn, có khi chân ngâm nước cả ngày trời mò cắt từng nhúm rau bỏ vào chiếc thau nhôm nổi lềnh bềnh. Dù cực nhọc, nhưng thời điểm này giá rau có thể lên gấp 5, gấp 7 so với ngày thường”.

Có thể nói, với cây rau răm, nhiều người dân làng Quảng Lăng 2 đã có cuộc sống ổn định, nuôi con cái học hành. Như gia đình bà Võ Thị Thi theo nghề trồng rau răm gần hai chục năm qua, tích góp nuôi người con trai là anh Đặng Hữu Lượng (SN 1988) học thành tài. Ngày nhận về tấm bằng đại học loại giỏi, anh đã được công ty nước ngoài mời làm việc với mức lương hàng chục triệu đồng. Vì lẽ đó, cây rau răm vẫn được một số người dân nơi đây tiếp tục gắn bó, giữ nghề.

NHƯ TRANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ nghề trồng rau răm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO