(QNO) - Không chỉ nỗ lực khẳng định thương hiệu, nghệ nhân Lê An Trường (thôn Bàu Ốc, phường Cẩm Hà, TP.Hội An) còn tâm huyết với việc truyền dạy cho lớp trẻ nhằm bảo tồn nghề mộc danh tiếng.
Với đôi bàn tay khéo léo, anh Lê An Trường đang “thổi hồn” vào những gốc cây. |
Vốn xuất thân từ làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), nghệ nhân Lê An Trường đến Hội An cách đây 15 năm để tìm hướng đi mới. “Lúc đó tuổi còn trẻ, tôi muốn tìm đến những làng mộc danh tiếng để học hỏi, phát triển nghề nghiệp. Gắn bó với làng mộc Kim Bồng trong thời gian dài, tôi nhận thấy mình đã tìm được đất lành” - anh Trường chia sẻ. Theo anh Trường, kỹ nghệ mộc ở Hội An có nhiều nét tương đồng với các làng nghề ở Huế. Tiêu biểu nhất là công trình Đại Nội Huế có sự góp mặt rất lớn của các nghệ nhân mộc Kim Bồng. Với những kiến thức được học từ nhỏ, anh Trường nghiên cứu, chắt lọc tinh hoa để hoàn thiện tay nghề.
Hiện anh Trường là chủ cơ sở điêu khắc Vỹ Hà. Sản phẩm của anh hầu hết được chế tác, sáng tạo từ những gốc cây với mẫu mã hoa sen, tượng Phật Di Lặc, bàn ghế với hình dáng tự nhiên… Để tạo được nét riêng trong từng sản phẩm, anh Trường chọn mua gốc cây xà cứ lớn tuổi hoặc những gốc cây trôi từ thượng nguồn về trong mùa mưa lũ. Anh quan niệm, mỗi sản phẩm chế tác phải “nương” theo dáng tự nhiên ban đầu để tạo được nét độc đáo. Anh Trường chia sẻ: “Để tạo được những tác phẩm “có hồn” đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ có tay nghề cao mà còn phải đặt cả tâm huyết và sự sáng tạo. Đây là điều rất quan trọng, bởi không thể cứ mãi đi theo lối mòn an toàn, phải biết phá cách để tạo nét riêng cho từng sản phẩm”.
Những tác phẩm mang đậm tính nghệ thuật được chế tác từ gốc cây. |
Nghề điêu khắc đang dần ít đi, chủ yếu là mộc gia dụng. Nhằm bảo tồn nghề truyền thống, anh Trường tâm huyết với việc truyền dạy cho thợ trẻ. Hiện ngoài 6 thợ đang làm tại cơ sở điêu khắc của anh (thu nhập trên 6 triệu/tháng), ở Hội An đã có 12 người do anh đào tạo và đang sống được với nghề. Đó chính là điều anh tâm đắc nhất, bởi anh cho rằng khi nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc còn được giữ và phát huy sẽ kích thích thị hiếu của người tiêu dùng.
Tâm huyết và nỗ lực khôi phục nghề truyền thống của anh Trường được giới nghệ nhân ghi nhận. Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng (làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim) đánh giá cao đóng góp của anh Lê An Trường trong việc gìn giữ nghề mộc mỹ nghệ. Cơ sở mộc của nghệ nhân Huỳnh Sướng và cơ sở Vỹ Hà vẫn thường xuyên hỗ trợ nhau trong việc đào tạo tay nghề cho thợ cũng như sản xuất. “Giờ ở Hội An, những người có tâm huyết, có tay nghề như Trường còn rất ít. Anh em trong nghề nên hiểu những trăn trở của nhau. Gìn giữ và phát huy được nghề mộc mỹ nghệ đang ngày càng mai một là một trong những điều mà anh em đang cố gắng để thực hiện…” - nghệ nhân Huỳnh Sướng cho biết.
TUỆ LÂM