Giữ thương hiệu sâm Ngọc Linh và quế Trà My: Những động thái tích cực

08/05/2018 13:16

Các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong cuộc chiến bảo vệ, gìn giữ thương hiệu sâm Ngọc Linh và quế Trà My, hai sản phẩm đặc hữu của Quảng Nam, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả các nhà…

Tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Ảnh: H.L
Tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Ảnh: H.L

Quản lý chặt nguồn gốc

Nhiệm vụ quản lý, giám sát chặt chẽ về nguồn gen đặc hữu quế Trà My và sâm Ngọc Linh đạt chuẩn, phục vụ mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp quế Trà My và sâm Ngọc Linh là nhiệm vụ cấp thiết của Quảng Nam. Nhất là khi sản phẩm của sâm và quế có tình trạng gian lận, giả mạo thương hiệu trên thị trường. Ông Lê Tự Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, hiện chưa có quy định của Chính phủ, Bộ NN&PTNT về xác nhận nguồn gốc giống, công nhận nguồn giống cây dược liệu thuộc loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm nên Sở NN&PTNT đang đề nghị bộ hướng dẫn xác nhận. Ông Tuấn cho biết thêm, đối với cây quế Trà My, hiện Sở NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, lựa chọn 10ha rừng quế gốc chuyển hóa thành rừng giống và lựa chọn 30 cây quế trội tại thôn 1, xã Trà Dơn, nhằm tạo nguồn giống cung ứng để trồng. Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật tổng hợp nông nghiệp huyện Nam Trà My và Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ đã xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ trình Sở NN&PTNT công nhận cây trội và rừng giống chuyển hóa đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, về lâu dài, cần tuyên truyền cho người dân không nên chặt phá rừng quế gốc nhằm bảo tồn nguồn gen. Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các viện nghiên cứu để điều tra, tuyển chọn cây trội và xây dựng vườn giống quế gốc phục vụ nhu cầu cây con giống cho người dân địa phương...

Sự kiện Hội Sâm Ngọc Linh và quế Trà My ra đời là hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ, gìn giữ thương hiệu của “cao sơn ngọc quế” và cây sâm Ngọc Linh. Ông Đinh Mươk - Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh và quế Trà My cho rằng, sau khi thành lập, hội đảm nhận nhiều nhiệm vụ chuyên môn, làm tốt công tác phối hợp với tỉnh, huyện, các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu của sản phẩm sâm Ngọc Linh và quế Trà My khi tiêu thụ trên thị trường. Hội tiếp tục đóng góp vào công tác theo dõi hướng dẫn và kiểm soát quy trình canh tác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý quế Trà My và sâm Ngọc Linh cũng như xử lý vi phạm của hội viên theo quy định của Điều lệ hội. Phát hiện và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý theo quy định. Hội cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thị trường, liên kết, phát triển, liên kết với các hội, hiệp hội mạnh như: Hội Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum, Hội Quế Văn Yên; Hội doanh nghiệp các tỉnh, thành trong cả nước nhằm hỗ trợ, phát triển thương hiệu Sâm núi Ngọc Linh và Quế Trà My. Ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KH&CN) cho rằng, sở sẽ phối hợp xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, bộ sổ tay hướng dẫn phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác và quế Trà My với quế ngoại lai. Đặc biệt là hỗ trợ việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ (tem điện tử), nhãn, bao bì sản phẩm quế vỏ mang chỉ dẫn địa lý “Trà My” và sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”…

Tạo chuỗi liên kết

Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, từ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành chức năng, công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh và quế Trà My đã có những kết quả nhất định. Hiện đã triển khai trồng sâm tại 7/10 xã trên địa bàn thuộc vùng quy hoạch và bảo tồn phát triển cây sâm của tỉnh. Ở các vùng này, tỷ lệ cây sống đạt hơn 70%. Người dân các xã đã vay hơn 100 tỷ đồng để trồng sâm Ngọc Linh. Đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư trồng sâm với tổng diện tích đăng ký hơn 3.000ha. Ông Mẫn dẫn chứng thêm, nếu trước khi chưa có Đề án Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam), giá sâm Ngọc Linh ở mức thấp, nhưng khi đề án được Chính phủ thông qua, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, giá cây sâm Ngọc Linh tăng rất cao. Cây sâm giống loại 1 năm tuổi tăng từ 50.000 đồng lên 250.000 đồng/cây; giá sâm các loại bình quân từ 75 triệu đồng/kg, riêng loại đặc biệt 1 củ 2 lạng có giá từ 200 - 400 triệu đồng/kg. Mỗi héc ta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 40 - 50 tỷ đồng…

Ông Mẫn cũng cho biết, theo quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh giai đoạn 2016 - 2020, huyện xây dựng phương án quy hoạch trồng cây sâm tại 7 xã với tổng diện tích hơn 15.000ha. Để làm được điều này, huyện kêu gọi cán bộ, nhân dân và các hội viên Hội Sâm Ngọc Linh - quế Trà My cùng chung tay gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh, tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng để phát triển dược liệu, sâm Ngọc Linh, quế Trà My. Nhiệm vụ quan trọng là nâng cao vai trò của người dân, tạo nên những chuỗi liên kết, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã về trồng sâm Ngọc Linh, quế Trà My. “Huyện tích cực liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vùng sâm, vùng quế Trà My. Có cơ chế ưu đãi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển vùng sâm; thu hút đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các trung tâm thu mua, phân phối, chế biến, trưng bày, quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Huyện đã hợp tác với quận HamYang - nơi trồng sâm có giá trị cao ở Hàn Quốc, trao đổi kinh nghiệm trồng và phát triển sâm; xúc tiến với Canada, Mỹ và Nga - những nước có sâm quy mô trên thế giới, để  hợp tác phát triển cây sâm Ngọc Linh” - ông Mẫn chia sẻ.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ thương hiệu sâm Ngọc Linh và quế Trà My: Những động thái tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO