Có một lớp người từng một thời đem tiếng hát lời ca của mình phục vụ đồng bào, chiến sĩ, đem cái ngọt ngào, đằm thắm của dân ca bài chòi xứ sở làm dịu đi rát bỏng chiến tranh. Thời bình, họ lặng lẽ hình thành những câu lạc bộ hay chỉ là những hội - nhóm yêu thích dân ca bài chòi với mong ước góp phần gìn giữ vốn quý mà cha ông để lại.
Chúng tôi có mặt tại một buổi sinh hoạt thường nhật của Câu lạc bộ Những người yêu thích dân ca bài chòi Quảng Nam - Đà Nẵng do ông Hồ Thanh Hải làm chủ nhiệm. Buổi sinh hoạt hôm ấy đông hơn mọi lần, bởi chương trình biểu diễn những bài dân ca bài chòi thời chiến tranh mới được sưu tầm. Chính vì thế, ngoài sự quy tụ của đông đảo giới văn nghệ sĩ, diễn viên từng tham gia công tác tại Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Quảng Đà, Đoàn vũ trang tuyên truyền các huyện Điện Bàn, Thăng Bình trước giải phóng, các NSND, NSUT, diễn viên Đoàn Dân ca kịch sau giải phóng, đêm sinh hoạt còn có sự hiện diện của nhiều cán bộ lãnh đạo Quảng Nam, Đà Nẵng và các bộ ngành đã nghỉ hưu. Có lẽ, với họ, bên cạnh việc có dịp được gặp gỡ hàn huyên tâm sự thì còn là khoảnh khắc để hồi tưởng về những năm tháng trai trẻ của mình.
Ông Hồ Thanh Hải (nguyên trợ lý Chủ tịch nước thời ông Trương Tấn Sang) nhớ lại, trong những năm chiến tranh, nghệ thuật dân ca bài chòi phản ánh sinh động cuộc kháng chiến bằng những vở kịch sân khấu hay tiểu phẩm… có sức lôi cuốn mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ và người dân ở vùng giải phóng. Nhiều vở kịch như “Chim chèo bẻo”, “Tiếng sấm Tây Nguyên” hay “Ba cha con”, “Chuyện tình bên dòng sông Thu”… đã thực sự đem đến những phút giây êm đềm, ngọt ngào sau những trận mưa bom bão đạn. Ngày ấy những người như ông Hồ Thanh Hải còn khá trẻ, vừa cầm súng chiến đấu, vừa đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ đồng bào và anh em chiến sĩ. Là người con đất Thăng Bình, lại có giọng hát dân ca truyền cảm, ông Hồ Thanh Hải luôn để lại trong lòng người dân vùng giải phóng và bộ đội những ấn tượng khó quên khi thể hiện các tiết mục dân ca bài chòi xứ Quảng.
Sau giải phóng, dù rất bận rộn với công việc nhưng ông Hồ Thanh Hải cùng với những thành viên của các đội vũ trang tuyên truyền năm xưa vẫn gắn kết với nhau, thực hiện nhiều chuyến đi về vùng căn cứ cách mạng để hát lại những bài dân ca, những trích đoạn ca kịch một thời. Và, Câu lạc bộ Những người yêu thích dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng hình thành, ban đầu gồm có 5 người: ông Hồ Thanh Hải, Nguyễn Đắc Dũng, Nguyễn Văn Liếu, Trương Thanh Bình và NSUT Ngọc Thủy (Đoàn Ca kịch Quảng Nam). Ông Hồ Thanh Hải khẳng định: “Chính vì hồi ức thời trai trẻ vừa cầm súng vừa ôm đàn ca hát phục vụ cách mạng và vì tình yêu da diết với vốn quý truyền thống cha ông, mà câu lạc bộ này được hình thành…”.
Qua nhiều năm hoạt động, dù mọi thứ đều dựa trên tinh thần tự nguyện đóng góp của thành viên từ kinh phí cho đến các chương trình, tiết mục dân ca bài chòi trong các đêm sinh hoạt, nhưng các thành viên trong câu lạc bộ luôn xác định hết mình vì nghệ thuật bài chòi của quê hương. Câu lạc bộ đã tập hợp được nhiều giọng hát, sưu tầm và thu âm thành đĩa CD những bài dân ca bài chòi trong kháng chiến, tổ chức những chuyến sinh hoạt về một số địa phương phục vụ yêu cầu của bà con yêu thích bài chòi như Đại Lộc, Điện Bàn hay Hòa Vang… Không đủ tiềm lực để thực hiện trọn vẹn các vở diễn ca kịch đã một thời đi vào lòng người dân xứ Quảng như “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, “Khúc hát tình đời”, “Một mạng người” hay “Quê hương dậy sóng”… nhưng với sự ủng hộ nhiệt thành của các diễn viên Đoàn Ca kịch Quảng Nam, câu lạc bộ đã dựng lại một số trích đoạn trong các vở diễn này, mang đến cảm xúc mạnh mẽ cho người xem, nhất là lớp người đã đi qua chiến tranh…
Câu lạc bộ Những người yêu thích dân ca bài chòi Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như biết bao nhiêu người dân yêu văn nghệ xứ Quảng luôn khắc sâu tình yêu với dân ca bài chòi đất mẹ. Dù thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ, dù tuổi tác có thể làm quên lãng bao điều, nhưng tình yêu với dân ca bài chòi vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim họ. Và, đó chính là niềm khích lệ, động viên rất lớn để lớp trẻ hôm nay tiếp tục gìn giữ ngọn lửa ấm nóng của âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại với nhiều bộn bề, tấp nập…