"Giữ" tuồng từ học đường

SONG ANH 18/07/2013 08:10

Đêm diễn báo cáo chương trình “Sân khấu học đường” đưa tuồng vào trường học, vừa diễn ra tại huyện Duy Xuyên. Chỉ vỏn vẹn hơn một giờ đồng hồ, nhưng sức đọng của đêm diễn có lẽ còn kéo dài...

  • Sân khấu học đường: Đừng để "học xong rồi thôi"
  • Tổng kết dự án “Sân khấu học đường”
Cụ Nguyễn Quỳnh và các diễn viên “nhí” trong đêm diễn báo cáo chương trình. Ảnh: S.ANH
Cụ Nguyễn Quỳnh và các diễn viên “nhí” trong đêm diễn báo cáo chương trình. Ảnh: S.ANH

Truyền lửa

Hơn một tháng trước đêm diễn, nhóm học sinh của 3 trường THCS trên địa bàn các xã Duy Sơn, Duy Trung và thị trấn Nam Phước đã cùng nhau tập luyện để có những tiết mục hay nhất cho chương trình. Là người thủ vai Trần Quốc Toản trong trích đoạn “Trần Quốc Toản ra quân”, Văn Thị Thanh Kiều (học sinh lớp 8/1 trường THCS Lương Thế Vinh, xã Duy Trung) chia sẻ: “Tranh thủ dịp hè, các bác trong Hội Bảo trợ tuồng huyện tổ chức cho chúng em luyện tập những trích đoạn đã được chọn lọc. Điều giúp em và các bạn dễ nắm bắt nội dung và hóa thân nhân vật là các câu chuyện này chúng em đã được học trong chương trình văn học ở trường”. Cụ Nguyễn Quỳnh cho biết, dự án “Đưa tuồng vào trường học” của huyện Duy Xuyên được triển khai từ năm 2010, tuy nhiên, đến hè năm 2013 này mới có điều kiện tổ chức đêm diễn báo cáo. “Đêm diễn này là kết quả từ sự tâm huyết của những người yêu tuồng; từ nỗ lực của Hội Bảo trợ tuồng, Phòng VH-TT đến sự kết nối với Phòng GDĐT huyện và người dân Duy Xuyên” - cụ Quỳnh nói.

Để chuẩn bị cho đêm diễn, từ đầu tháng 6, Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Cao Liên cùng vợ là Nghệ sĩ nhân dân Thu Nhân (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng) đã lên kế hoạch cho những chuyến đi - về giữa Duy Xuyên - Đà Nẵng của mình. Cứ 6 giờ sáng, đạo diễn Cao Liên lại đèo vợ đi gần 40km từ Đà Nẵng về Nam Phước để chỉ bảo các em từng động tác, cách nhấn nhá, lấy hơi. Nghệ sĩ Thu Nhân tâm sự: “Nếu không phải cảm phục tấm lòng của cụ Quỳnh với nghệ thuật tuồng, chắc vợ chồng tôi không đủ sức để nhiệt tình đến vậy. Chế độ một ngày tập luyện cho nghệ sĩ nhân dân như tôi gần 300 nghìn đồng, nhưng với cụ Quỳnh, chúng tôi hoàn toàn tự nguyện. Cụ bảo sẽ… tài trợ cho anh chị mỗi ngày một lít xăng, nghe vậy cũng thấy vui rồi”. Suốt gần một tháng trời, đôi vợ chồng nghệ sĩ như những con ong cần mẫn, sáng đi tối về, mang hy vọng sẽ truyền được ngọn lửa yêu tuồng đến với thế hệ trẻ.

Đêm diễn chưa bắt đầu, hội trường Trung tâm VH-TT huyện Duy Xuyên đã gần kín chỗ. Cụ Quỳnh dự báo, đêm diễn này sẽ có hơn 300 người đến xem. Lời cụ Quỳnh quả không sai. Khi tiếng trống chầu cất lên rộn ràng, bước chân người vẫn không thôi giục đến sân khấu. Chừng như những tiết mục tuồng của con trẻ vẫn chưa thể làm thỏa nỗi nhớ mong “ngày xưa” của người lớn. Từ cung buồn đúng điệu tuồng cổ của trích đoạn “Đổng Kim Lân biệt mẹ”, đến giọng điệu hào sảng của trích đoạn “Trưng Vương đề cờ” rồi “Trần Quốc Toản ra quân”, khán giả - đặc biệt là người cao tuổi - như được sống lại trong không khí của nhiều năm về trước, khi nghệ thuật tuồng còn thịnh. Mười hai diễn viên “nhí”, được tuyển chọn khá nghiêm khắc từ mắt nhìn của những nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), đã thực sự có một đêm diễn ấn tượng, níu lại cảm xúc về một môn nghệ thuật truyền thống của quê hương.

Người ươm mầm

Ai cũng thừa nhận, nếu không có cụ Nguyễn Quỳnh, chưa chắc Duy Xuyên đã có Hội Bảo trợ tuồng cũng như đêm diễn ấn tượng vừa qua. Không chỉ có tâm với tuồng, cụ Quỳnh còn có lòng với thế hệ trẻ. Cụ chia sẻ, nếu không phải lứa này (những học sinh THCS - PV) thì sẽ không có ai phù hợp để tiếp nối và giữ tuồng. “Khi tìm và chọn được các cháu, niềm hy vọng trong tôi lớn lắm. Tôi tin tuồng vẫn sẽ sống, thậm chí sống tốt từ những hạt mầm này” - cụ Quỳnh nói. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, cụ Quỳnh vẫn không thôi nghĩ cách để vực tuồng sống lại. Nguyên là Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam - Đà Nẵng, sau khi về hưu, cụ Nguyễn Quỳnh dành hết tâm sức của mình cho tuồng cổ. Từ việc đứng ra tìm sự gắn kết thành lập Hội Bảo trợ tuồng Duy Xuyên - một tổ chức duy nhất tính đến nay ở miền Trung được thành lập để bảo tồn nghệ thuật hát tuồng, đến việc tìm cách để dự án “Đưa tuồng vào trường học” thành hiện thực. Tấm lòng cụ, chừng như mỗi người dân Duy Xuyên đều rõ.

Ngay sau đêm diễn, cụ Quỳnh bộc bạch: “Con người muốn sinh con phải cưu mang 9 tháng 10 ngày. Còn với hát tuồng - loại hình nghệ thuật khó nhất trong các loại hình nghệ thuật, lời nào bộ ấy, từ cái vuốt râu đến tiếng cười, giọng hát, điệu múa - chúng tôi phải cưu mang ấp ủ suốt 3 năm ròng để đến hôm nay, đứa con tinh thần từ dự án mới chào đời”. Chuẩn bị cho đứa con tinh thần ra đời, từ đầu năm 2013, cụ Quỳnh đã đôn đáo đến các cơ quan trong huyện Duy Xuyên vận động kinh phí. Gom góp được hơn 30 triệu đồng, cụ lên kế hoạch tập luyện cho đội diễn viên “nhí”, từ việc lựa chọn kịch bản phù hợp, cải biên sao cho vẫn giữ chất tuồng nhưng dễ nghe, rồi liên hệ tìm đạo diễn và diễn viên về luyện tập. May thay, nhiều nghệ sĩ đã nhìn thấy tấm lòng của cụ Quỳnh và nhận lời “tắm táp” cho các “mầm non” này, như vợ chồng nghệ sĩ Cao Liên.

Không phải làm qua loa cho có lệ. Trước khi đi vào luyện tập, cụ Nguyễn Quỳnh tổ chức “sơ tuyển”. Từ 30 học sinh chọn ra ở các trường, cụ cùng các nghệ sĩ “tinh tuyển” được 12 em. Từ ngày 28.5 đến 28.6, suốt 1 tháng, cụ lo cho các diễn viên “nhí” ăn uống buổi sáng và trưa, chỗ nghỉ ngơi giữa ngày, phụ huynh chỉ việc chở các em đến địa điểm tập luyện. Tương lai, như cụ Nguyễn Quỳnh mong mỏi, là sẽ tìm mọi cách để tất cả các trường THCS trên địa bàn huyện đều tham gia dự án “Đưa tuồng vào trường học”.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Giữ" tuồng từ học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO