Hai xã Tam Thăng, Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) lần lượt vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Ngay sau đó, hai địa phương này đã bắt tay vào việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được.
Chú trọng nhóm tiêu chí “mềm”
Đã cán đích NTM, song để giữ vững các tiêu chí đạt được, tạo cú hích cho địa phương phát triển hơn nữa, UBND xã Tam Thăng đã xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM với một lộ trình cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2020. Yêu cầu đặt ra là tiếp tục hoàn thiện bê tông hóa các trục đường chính, liên thôn liên xóm, kênh mương nội đồng, củng cố hạ tầng thủy lợi, điện… để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã hội, chất lượng môi trường và phát triển đời sống văn hóa nông thôn. Riêng trong năm 2016, để giải quyết nhu cầu bức thiết, địa phương đã tranh thủ sự đóng góp trong nhân dân và nguồn lực từ thành phố để xây dựng các thiết chế văn hóa và công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Trong đó, đầu vụ hè thu năm nay, xã đã xây dựng và đưa vào sử dụng 2 trạm bơm điện Đồng Gành (tại thôn Vĩnh Bình) và Gò Chùa (tại thôn Thạch Tân), cung cấp nước ngọt phục vụ tưới tiêu các cánh đồng. Nhà văn hóa - khu thể thao thôn Kim Đới với tổng kinh phí xây dựng gần 400 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 100 triệu đồng cũng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đo đạc dồn điển đổi thửa để sản xuất vụ hè thu năm 2016 tại xã Tam Ngọc.Ảnh: X.TRƯỜNG |
Ông Nguyễn Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, hiện nay do chưa bố trí được nguồn vốn để nâng cao các tiêu chí “cứng” như giao thông, thủy lợi, điện… nên trong năm 2016, địa phương đặt mục tiêu nâng cao các tiêu chí “mềm” như thu nhập, môi trường, an ninh, trật tự xã hội, tỷ lệ hộ nghèo… Đây cũng là các tiêu chí dễ “tụt” nếu như thiếu sự hợp sức giữa người dân và chính quyền địa phương. Để nâng cao tiêu chí số 11 về hộ nghèo, xã đã tăng cường hướng dẫn và trang bị sản xuất cho bà con nông dân phát triển nông nghiệp gắn với việc khôi phục các làng nghề truyền thống. Hiện nay, gần 30 thành viên trong Tổ hợp tác làng nghề chiếu cói Thạch Tân đã được tập huấn kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, góp phần nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã giới thiệu cho gần 400 lao động địa phương vào làm việc trong các doanh nghiệp, công ty tại Khu công nghiệp Tam Thăng, qua đó nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Đối với tiêu chí số 16 về văn hóa, địa phương đã tiến hành xây dựng Quy chế tổ chức lễ hội, tổ chức đám cưới, đám tang để thực hiện thống nhất trong toàn xã. Đồng thời tiến hành tuyên truyền vận động cán bộ và nhân dân thực hiện tốt các quy ước về nếp sống văn hóa văn minh… “Đối với những tiêu chí “mềm” vừa khó thực hiện vừa khó nâng cao, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng tình ủng hộ và tham gia nhiệt tình cùng với địa phương, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn” - ông Nguyễn Quốc Thắng cho biết thêm.
Nâng cao chất lượng
Ông Nguyễn Nhơn - Bí thư Đảng ủy xã Tam Ngọc cho biết, mặc dù địa phương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM nhưng có rất nhiều tiêu chí “mong manh” như tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, môi trường, văn hóa, thu nhập… Để giữ các tiêu chí này một cách bền vững không cách nào khác là địa phương phải tiếp tục thực hiện nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn trong thời gian tới. Trong đó chú trọng đến việc phát triển sản xuất của bà con nông dân và coi đây là nền tảng cho việc nâng cao các tiêu chí NTM. Ngay đầu vụ hè thu năm nay, để tạo điều kiện cho nông dân trồng lúa, UBND xã đã tiến hành triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa với tổng diện tích 20ha tại cánh đồng Sim, thuộc thôn Đồng Hành. Đồng thời huy động xây dựng cứng hóa 3km đường nội đồng, bê tông hóa 1,2km kênh mương, xây dựng đường bao và hệ thống mương tiêu nước tại khu vực này. Ông Đỗ Đề - một người dân tham gia dồn điền đổi thửa cho biết: “Ba sào ruộng của gia đình tôi được tập trung thành một thửa nên việc gieo sạ và chăm sóc lúa rất thuận lợi. Đường sá cũng thuận tiện hơn, nước tưới đảm bảo cho sản xuất”.
Để nâng cao tiêu chí về thu nhập, Tam Ngọc đã xây dựng một đề án phát triển sản xuất nông nghiệp cho giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, xã tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực, có ưu thế tại địa phương như cây tiêu, ớt, mía, bưởi… Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư vào hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Đối với các tiêu chí về môi trường, văn hóa, ông Nguyễn Nhơn cho biết thêm: “Đây là các tiêu chí mà yếu tố người dân đóng vai trò quan trọng. Do vậy, để giữ vững, chúng tôi tiếp tục nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn bằng việc tuyên truyền nhận thức của người dân nâng cao đời sống văn hóa, giữ gìn các giá trị bản sắc. Bên cạnh đó, đưa vào áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc thu gom, xử lý rác thải, chăn nuôi hợp vệ sinh… Qua đó, giúp người dân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường tại địa phương”.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, mục tiêu chỉ đạo xuyên suốt trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở nông thôn. Vì thế, thành phố chỉ đạo các địa phương đã đạt chuẩn NTM tiếp tục nỗ lực để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân”.
XUÂN TRƯỜNG