Khi tôi đến sân bay Đà Nẵng đón nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (từ miền Nam ra chơi), chưa đầy 10 phút sau xuất hiện người đàn ông như… Tây ba lô, mặc quần soóc xanh, đầu chít khăn in hình con cá đẩy xe hành lý đến gần. Tôi nhận ra ngay nhà văn Phạm Ngọc Tiến, người mà tôi đã gặp một vài lần ở Hà Nội. Tôi biết tin trên facebook, anh vừa hoàn thành chặng đường đầu tiên, đi xe đạp từ Hà Nội vào Đà Nẵng.
Phạm Ngọc Tiến chụp ảnh ở cầu Cửa Đại (Hội An). |
Hình như tôi có duyên nợ với các nhà văn xuyên Việt bằng đường bộ từ Bắc vào Nam thì phải. Còn nhớ hồi năm 1993, khi nhà văn Hòa Vang và nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn; dừng chân vài ngày với tôi ở Điện Bàn. Cuộc gặp gỡ bất ngờ hồi đó đã để lại nhiều kỷ niệm của thời hậu bao cấp còn lắm khó khăn nhưng đậm tình nghĩa.
1. Từ sân bay Đà Nẵng, sau khi đón nhà văn Thái Bá Lợi, tôi đưa hai anh về thẳng quán Cá Tầm của anh Kha - một Việt kiều Nhật Bản mà Phạm Ngọc Tiến đã hẹn trước. Chai rượu ngon anh mang từ Hà Nội vào vừa bày ra thì nhà văn Trần Kỳ Trung từ Hội An lái ô tô đến. Giữa cuộc vui bất ngờ, tôi bấm máy gọi ca sĩ Thu Hương, người hát ngọt ngào hai ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đến quán Cá Tầm, dọc bờ sông Cẩm Lệ, chủ đích là để khoe tiếng hát dân ca ngọt nào xứ Quảng với ông “Khúc hát sông quê”. Xen giữa câu chuyện đạp xe xuyên Việt của Phạm Ngọc Tiến là nỗi niềm u uẩn của anh em văn nghệ sĩ, nỗi buồn trước bao biến cố của đất nước. Cứ thi thoảng anh em lại nhắc đến sứ mệnh của nhà văn, những câu chuyện bên lề của các hội văn học nghệ thuật. Và hầu như tất cả lặng im. Chúng tôi tự hỏi nhau, dường như nhà văn đang đứng ngoài cuộc. Một sự im lặng đáng sợ, không mấy người chịu lên tiếng trước những biến cố của đất nước. Im lặng trước nỗi đau thù trong giặc ngoài, tức là người nghệ sĩ đã chọn đứng ngoài số phận nhân dân.
Phạm Ngọc Tiến say sưa, ấm ức nói về bài báo mà anh vừa mới viết xong: “Khi đi qua Hà Tĩnh, tôi ghé vào Kỳ Phương là một phường của thị xã Kỳ Anh chịu trực tiếp hậu quả biển nhiễm độc từ thảm họa Formosa. Khi biết tôi là biên kịch của một vài phim chính luận có chút ít sự chú ý như “Đất và Người”, “Chuyện làng Nhô”, người dân đã hỏi thẳng:
- Tại sao ông không làm phim về biển nhiễm độc? Phải có những bộ phim nói về chúng tôi chứ, nếu các ông không nói ra thì ai nói về đời sống chúng tôi. Nhà văn các ông đang ở đâu?
Tôi xấu hổ! Phạm Ngọc Tiến nói.
Tôi thì nghĩ khác mà không dám nói ra với Phạm Ngọc Tiến trong cuộc rượu này, đúng là có đi, đến, ở lại, chia sẻ, mới thấu hiểu người dân ở từng vùng đất. Họ có bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu nỗi khổ, mà nếu nhà văn chỉ ngồi ở nhà sẽ không thể nào cảm nhận được hết. Nhưng, liệu đến và đi xuyên Việt như Phạm Ngọc Tiến rồi anh có dám viết, dám làm phim về nỗi khổ của nhân dân, về một thứ bạo lực, bè phái đang lộng hành hiện nay? Các anh là những người đang sống và làm việc ngay giữa thủ đô với biết bao nhiêu chuyện đau lòng, nhưng liệu có nhà văn nào đủ dũng cảm để phơi bày ra nỗi oan khiên ấy của nhân dân trong tác phẩm của mình!?
Đêm hôm sau, chúng tôi được ông chủ Resort Melia Đà Nẵng mời ăn tối. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tôi đến đây khi trời chiều vừa sụp xuống. Biển đúng tuần trăng thật đẹp. Chúng tôi ngồi ở quầy bar sát biển. Trăng sáng, biển lấp lóa dát bạc, sóng rì rầm. Rượu ngon, cụng vào đêm. Và câu chuyện về biển Hà Tĩnh chiều hôm qua đã theo chiếc xe đạp của gã đàn ông 60 tuổi tấp vào bờ Mỹ Khê Đà Nẵng: “Hôm đi dọc biển Nhật Lệ mới thấm nỗi đau biển chết thế nào. Cả bãi biển nổi tiếng dài mấy cây số trước đó mùa nào cũng nghẹt khách giờ giữa hạ tiêu điều như một nơi hoang hóa. Quảng Bình có lẽ là tỉnh thiệt hại nhiều nhất. Và bao sự giận dữ đã được người dân nuốt ngược vào lòng…”. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến bỗng nhiên trầm hẳn xuống, giọng anh nhỏ dần: “Tôi cũng chẳng muốn nói nhiều đến Formosa nữa, nhưng vì đang ngồi ở biển nên không thể không nhắc đến thôi”.
2. Ngày mai, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ra Huế, gặp gỡ giao lưu với nhà thơ Du Tử Lê từ Mỹ về. Phạm Ngọc Tiến cũng lên đường vào Nam. Trưa nay, ông chủ Rersort Melia Đà Nẵng đãi bữa chia tay ở Temple ngay cạnh bãi tắm số 3, Mỹ Khê Đà Nẵng. Cuộc vui càng vui khi có nhạc sĩ Đình Thậm, nhà thơ Võ Kim Ngân, ca sĩ Thu Hương và ca sĩ Ngọc Lan ở Hà Nội mới vào góp mặt. Chúng tôi hát say sưa với biển. Một nhóm khách người Hàn Quốc có vẻ sành nhạc lắng nghe rất chăm chú, vỗ tay liên tục. Trước khi về họ còn đến xin chụp ảnh với các ca sĩ. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói vui với nhạc sĩ Đình Thậm: Nghề nhạc ngó thế mà hay hơn văn nhiều. Văn im lìm cặm cụi bao nhiêu thì nhạc tưng bừng náo nhiệt bấy nhiêu! Nhưng nói cho vui thôi, chứ so sánh vậy có mà so cả đời.
Tác giả và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Phạm Ngọc Tiến tại Đà Nẵng. |
Khi nhóm du khách Hàn Quốc vừa đi khỏi, nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhìn xa xăm, gật gù nói với tôi: “Biển Đà Nẵng đẹp, yên bình, một không gian thơ mộng, còn “đáng sống” hay chưa chắc còn phải chờ thôi. Ít ra, thành phố này cũng đã thu hút và hấp dẫn du khách hơn nhiều nơi khác, đó là điều đáng mừng. Nhưng Đà Nẵng cũng đã phá nát không ít các giá trị văn hóa, kiến trúc đô thị xưa. Những tranh cãi quanh việc đập bỏ một kiến trúc Pháp tuổi thọ hơn 100 năm – tòa nhà làm việc của ủy ban mặt trận thành phố đó; tôi nghe mà xót”.
Từ hôm qua đến giờ tôi mới nghe nhà văn xuyên Việt nói về thành phố này. Khó có thể nói hết, cảm nhận hết về những vùng đất mà nhà văn đã đi qua, nhưng ít ra đi cũng để ngắm nhìn và lắng nghe những câu chuyện cuộc đời suốt dặm dài đất nước. “Đi để cùng buồn vui, thậm chí là đau chung với những nỗi đau của người dân. Và đi cũng là để gặp lại những ký ức đã qua, gặp lại thời thanh xuân tươi đẹp hành quân ra chiến trường, gặp lại những kỷ niệm về các vùng đất mà trong suốt cuộc đời đã nhiều lần đến và viết” - Phạm Ngọc Tiến buồn buồn nói với tôi.
Vĩ thanh
Phạm Ngọc Tiến chuẩn bị hành trang cho chặng đường tiếp theo để xuyên Việt. Nhà văn Trần Kỳ Trung chuẩn bị đón anh vào Hội An để tiếp tục cuộc hành trình. Bãi biển Cửa Đại được vinh danh là một trong 25 bãi biển đẹp nhất châu Á đang là sự mong chờ của Phạm Ngọc Tiến. Với những cồn cát trắng chạy dài, nước màu lam ngọc và nắng vàng, nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, một vẻ đẹp đến mê hồn.
Tưởng đã chia tay nhau ở Đà Nẵng. Nhưng lại một cuộc hẹn bất ngờ do nguyên Trung tướng Lê Ngọc Nam, người rất yêu thơ và sáng tác nhiều bài dân ca xứ Quảng thiết kế. Tối hôm ấy chúng tôi đến Hội An, bên con sông Hoài, để cùng các “nghệ sĩ nhân dân” làng Cẩm Nam giao lưu với nhà văn Phạm Ngọc Tiến và tác giả Khúc hát sông quê bằng những câu hò, những làn điệu dân ca xứ Quảng ngọt lịm. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói vui rằng, sau chuyến xuyên Việt này, nhà văn Phạm Ngọc Tiến sẽ rất khó quên một đêm hát dân ca - một thứ hương vị ngọt ngào dân dã mà đầy ắp vẻ đẹp Hội An.
Và, biết đâu những làn điệu dân ca bên con sông Hoài này sẽ làm cho tâm hồn Phạm Ngọc Tiến vơi bớt nỗi buồn trên con đường xuyên Việt và càng yêu thêm mảnh đất miền Trung nghèo khó quê tôi.
NGUYỄN NGỌC HẠNH