Giúp người dân mở lối thoát nghèo

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 19/05/2017 08:21

Bằng các nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Giang đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào vùng cao phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Điểm tựa cho sinh kế bền vững

Gia đình anh Blúp Túy ở thôn Đắc Ốc (xã La Dêê, Nam Giang) mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để phát triển sản xuất. Với số vốn vay được, anh Túy mua keo giống, bò giống để trồng rừng và chăn nuôi bò. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chăm sóc tốt đàn bò, đến nay vợ chồng anh Túy đã có hơn 6ha keo lai và 5 con bò giống đang sinh trưởng tốt. Anh Túy cho hay, ở vùng cao việc trồng rừng và chăn bò là sinh kế hiệu quả nhất và cho thu nhập ổn định. Vì thế, nguồn vốn vay để đầu tư phát triển các mô hình này rất ý nghĩa đối với những gia đình khó khăn như anh. “Trước đây, vợ chồng mình cũng rất muốn phát triển sản xuất nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, không có vốn đầu tư. Nhờ chính quyền địa phương tư vấn, giới thiệu vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện, vợ chồng mình đã bàn nhau làm các thủ tục xin vay vốn. Từ nguồn vốn vay được, mình đầu tư toàn bộ vào trồng rừng và chăn nuôi bò. Trong vài năm tới, mình vừa có thể trả xong nợ vay, vừa tích lũy được một số vốn nhất định để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế” - anh Túy tâm sự.

Chăn nuôi gia súc đang là một trong những sinh kế giúp thoát nghèo ở huyện miền núi Nam Giang. Ảnh: A.N
Chăn nuôi gia súc đang là một trong những sinh kế giúp thoát nghèo ở huyện miền núi Nam Giang. Ảnh: A.N

Ở thôn Đắc Ốc, ngoài anh Túy còn có gia đình của anh Arất Vương được vay vốn từ các chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH huyện, đầu tư làm ăn hiệu quả. Được vay 25 triệu đồng, anh Vương đã đầu tư nhân giống đàn trâu, bò 9 con giá trị cao gấp nhiều lần so với số vốn ban đầu. Ngoài ra, cũng từ những khoản vay ưu đãi phát triển sản xuất, nhiều hộ dân ở huyện vùng cao Nam Giang đã đầu tư xây dựng các mô hình sinh kế bền vững, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Theo đánh giá chung của chính quyền địa phương, việc sử dụng vốn vay ưu đãi để chăn nuôi gia súc, trồng rừng, là một trong những hướng đi mới được kỳ vọng sẽ mở lối thoát nghèo hiệu quả. Thống kê của Ngân hàng CSXH huyện cho thấy, trong tổng số 104 tỷ đồng cho vay trong 11 chương trình hỗ trợ gói vay ưu đãi, có 70 tỷ đồng được dành cho các hộ nghèo vay phát triển sản xuất. Cùng với đó, địa phương cũng cấp ngân sách thông qua Ngân hàng CSXH huyện để cho 40 hộ dân nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách vay vốn với tổng kinh phí xấp xỉ 800 triệu đồng. Đây thực sự là một điểm tựa hữu hiệu cho việc phát triển kinh tế quy mô hộ gia đình ở vùng cao, tạo nguồn lực cho đồng bào đầu tư sản xuất, góp phần cho công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Linh hoạt vì người nghèo

Ông Nguyễn Hữu Hải - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Giang chia sẻ, để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nhiều năm qua đơn vị đã tích cực triển khai các chương trình về tận cơ sở. Đều đặn hàng tháng, cán bộ tín dụng của ngân hàng xuống xã để tư vấn, lập các thủ tục và tìm hiểu nhu cầu của đồng bào. Với đặc thù là địa phương khó khăn, đời sống còn nhiều thiếu thốn, việc áp dụng chính sách cho vay ưu đãi từ các chương trình mục tiêu được lồng ghép, kết hợp, tạo điều kiện tối đa cho người dân. Từ cách làm này, bà con có thêm điều kiện đầu tư cho mô hình mới, từng bước thay đổi tư duy sản xuất. “Đối với bà con miền núi, nhiều nơi vẫn duy trì thói quen canh tác, sản xuất lạc hậu, dẫn đến hiệu quả không cao. Thông qua các tổ vay vốn ở từng thôn bản, chúng tôi kết nối, hỗ trợ cho bà con vay vốn. Mặc dù số tiền cho vay bình quân mỗi hộ chưa cao, nhưng đó là tiền đề quan trọng để bà con từ bỏ thói quen tự cung tự cấp, chuyển sang sản xuất hàng hóa. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, đem lại thu nhập ổn định so với trước” - ông Hải nói.

Để hình thành thói quen tiết kiệm, tích lũy vốn, tái đầu tư sản xuất cho người dân miền núi Ngân hàng CSXH huyện đã tổ chức huy động vốn trong dân, thông qua các tổ vay vốn. Bằng cách lập hợp đồng tiết kiệm, thu nhỏ lẻ theo cùng kỳ với việc thu lãi, các tổ vay vốn này đã giúp bà con trả dần nợ lãi vay, giảm bớt gánh nặng trả nợ. Dù mới được triển khai, song cách làm này đã phát huy hiệu quả cao, giúp bà con dần quen với việc tiết kiệm nhỏ lẻ để trả nợ gốc, tổng số tiền huy động khoảng 1,2 tỷ đồng với sự tham gia của gần 4.000 hộ dân. Theo ông Võ Chánh, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Nam Giang, không chỉ giúp bà con giảm dần lãi suất phải chi trả hàng tháng, cách làm trên còn là giải pháp để đơn vị có thể thu hồi được nguồn vay đúng hạn. “Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt của người dân còn hạn chế nên chưa phát huy được hết hiệu quả. Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn còn chưa quen thích nghi với việc sản xuất hàng hóa, tiền vay chưa sử dụng đúng mục đích nên công tác thu hồi nợ gặp một số khó khăn. Cùng với sự phối hợp, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích đối với các nguồn vốn vay này” - ông Chánh cho biết thêm.

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp người dân mở lối thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO