Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ diễn ra mới đây, để đạt các kế hoạch phát triển, tăng trưởng kinh tế đã đề ra, trong những tháng cuối năm 2023, dù không đặt kỳ vọng giải quyết hết vướng mắc, lãnh đạo tỉnh mong muốn toàn tỉnh nỗ lực, tập trung tháo gỡ khó khăn trên tinh thần trách nhiệm, tư duy cởi mở. Mong muốn này e không phải dễ!
Hôm cuối tuần ngồi quán nước, vô tình nghe nhóm người ở bàn phía sau luận về chuyện cán bộ sai phạm, không ít trường hợp phải đưa ra pháp luật. Một người phân tích, một dự án có vốn đầu tư ít, nhưng vắt chân chạy làm hồ sơ 2 tháng có khi chưa xong, mà lỡ có sai sót gì ngoài ý muốn thì phải đối mặt với pháp luật... Nên ngày xưa có dự án thì mừng, ai cũng tranh về mình, bây giờ thấy là né, được giao thì không dám làm...
Đó là họ tán chuyện chơi, nhưng soi chiếu thực tế mọi việc từ tỉnh đến cơ sở vẫn ì ạch có nằm ngoài tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm”?
Từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, công văn, kết luận... đốc thúc triển khai nhiệm vụ, thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh...
Thậm chí, để chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, ngày 24/4/2023 Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương “kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao”.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là văn bản, còn kết quả nằm ở việc thực thi bằng hành động cụ thể của các cơ quan, ban ngành, địa phương đơn vị với trách nhiệm của mỗi cá nhân gắn với vị trí việc làm, công việc được giao.
Ví dụ dễ thấy nhất và liên đới đến sự ì ạch của hoạt động công vụ nhiều là kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến hết ngày 31/7/2023, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân gần 2.496 tỷ đồng, chỉ bằng 27% so với tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 giải ngân hơn 1.949 tỷ đồng (25,1%), kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân gần 547 tỷ đồng (37%).
Lâu nay các cấp vẫn khuyến khích “cán bộ dám nghĩ, dám làm”, “dám đột phá, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn thử thách”. “Dám” gì cũng dám, nhưng mấu chốt cuối cùng để vượt qua tất cả là “dám chịu trách nhiệm” vô tình trở thành rào cản!
Nhìn ở góc độ khác, tại sao cứ phải “cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm”, trong khi nơi nào cũng xây dựng “tập thể đoàn kết, sáng tạo”? Khi có tập thể cùng đóng góp, chung sức thực hiện ý tưởng sáng tạo/đột phá, cán bộ không phải mang tâm lý “một mình làm một mình chịu” dẫn đến sợ sai, sợ trách nhiệm. Cho nên, điều quan trọng hàng đầu là quy tụ, phát huy được sức mạnh tập thể cơ quan, đơn vị, từ đó tác động tích cực đến sự vận hành của cả hệ thống.
Còn nhớ, trong góp ý vào dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22 (nhiệm kỳ 2020 - 2025), bàn về công tác cán bộ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ cho rằng, một khi cán bộ có tư tưởng đổi mới sáng tạo vì cái chung thì tập thể cần tiếp cận, nghiên cứu, cởi mở, dân chủ trên tinh thần tôn trọng cái mới.
Sự sáng tạo về công việc, đề tài, dự án thường thuộc về số ít cán bộ và đi trước nhận thức của số đông, nếu không được tập thể ủng hộ thì không những các ý tưởng đột phá sáng tạo vướng rào cản thực hiện mà còn không ít trường hợp người có ý tưởng sáng tạo đột phá chịu áp lực chỉ trích phán xét, kể cả chịu tổn thất…
Ý tưởng có thể là tư duy đột phá của cá nhân, nhưng để hiện thực hóa đạt kết quả cần sự chung sức của tập thể.
Mọi việc có lẽ sẽ trôi chảy khi có các tập thể biết chia sẻ suy nghĩ, biết cách cùng làm, biết đồng lòng trước trách nhiệm!