Gỡ vướng Nghị định 89

NGUYỄN QUANG VIỆT 21/09/2016 08:55

Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89) tiếp tục phát sinh thêm vướng mắc khi triển khai trong thời gian gần đây. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã có chỉ đạo các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai trong thời gian đến.

Một tàu vỏ sắt của ngư dân Quảng Nam được đóng mới theo Nghị định 89. Ảnh: QUANG VIỆT
Một tàu vỏ sắt của ngư dân Quảng Nam được đóng mới theo Nghị định 89. Ảnh: QUANG VIỆT

Thêm vướng mắc

Việc trao đổi, thương thảo, thỏa thuận nhằm ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 89 giữa các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với ngư dân tiếp tục gặp rắc rối. VietinBank chi nhánh TP.Hội An đã thống nhất cho ngư dân Lê Bé (thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) vay vốn đóng tàu vỏ gỗ nhưng lại không giải ngân đúng 70% vốn vay theo quy định khiến ngư dân này phải dở dang dự án. Bị thiệt hại hơn 200 triệu đồng do bị tháo dỡ con tàu đang đóng, ông Bé chạy đôn chạy đáo gõ cửa các ngành chức năng của Hội An và của tỉnh cầu cứu nhưng chưa thể giải quyết. Theo Sở NN&PTNT, có nhiều trường hợp tương tự mà nguyên nhân là giữa ngân hàng và ngư dân chưa đồng nhất cách tính phương án dự toán giá trị con tàu đóng mới. Có trường hợp đi xa hơn, sau khi đã thống nhất giá trị đầu tư đóng tàu của ngư dân, ngân hàng lại đường đột không giải ngân khiến ngư dân… đuối dự án.

Trên cơ sở phê duyệt danh sách đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 89 của UBND tỉnh, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho ngư dân vay vốn đóng mới 52 tàu cá có công suất lớn, gồm 22 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite, 28 tàu vỏ thép. Trong số 92 tàu cá được Trung ương phân bổ theo Nghị định 89, Quảng Nam sẽ có 83 tàu khai thác hải sản, 9 tàu thực hiện hậu cần trên biển; 60 tàu vỏ thép, 30 tàu vỏ gỗ và 2 tàu composite.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài 3 tiêu chí là ngư dân sản xuất hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án cụ thể khi vay vốn đóng tàu thì ngân hàng thêm yêu cầu là ngư dân phải có kinh nghiệm đi biển. Điều đáng nói ở đây là ngư dân hiển nhiên có kinh nghiệm đi biển từ hàng chục năm nay thì UBND tỉnh mới có quyết định công nhận ngư dân đó đủ điều kiện vay vốn ưu đãi. Có ngân hàng “phán” là chủ dự án không đủ kinh nghiệm đi biển mà không nêu đầy đủ căn cơ để khẳng định điều đó khiến ngư dân quá bức xúc vì họ sản xuất trên các vùng biển xa từ bấy lâu nay.

Sau hơn 2 năm bắt tay triển khai Nghị định 89 (trước đây là Nghị định 67), ngư dân Quảng Nam đã hạ thủy được nhiều tàu vỏ thép, vươn khơi sản xuất ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là điều đáng quý. Tuy nhiên, cái khó hiện ra là các tàu cá hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu gây nên là vì thiết kế không phù hợp. Hầu hết chủ tàu vỏ thép đều phải sửa chữa các bộ phận trên tàu cho phù hợp hơn với tập quán sản xuất. Vô hình trung điều này khiến một số ngân hàng e dè, không nhiệt tình cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo nghị định. Sở NN&PTNT cho biết thêm, ngân hàng không mặn mà cho ngư dân vay vốn đóng tàu trong thời gian gần đây còn do đến ngày 31.12 tới đây sẽ tạm dừng triển khai nghị định để đánh giá hiệu quả trong thời gian qua nên ngân hàng muốn… nghỉ xả hơi.

Khẩn trương triển khai

Ông Lê Đình Tường, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An thông tin, ngoại trừ 1 tàu vỏ thép được đóng mới thì các dự án còn lại trên địa bàn đều bế tắc. Việc triển khai Nghị định 89 vướng quá nhiều thứ ở Hội An đến thời điểm này. “Ngân hàng hạ mức cho ngư dân vay vốn đóng tàu, khiến ngư dân bị thiệt hại nặng nề đến hàng trăm triệu đồng. Theo chỉ đạo của cấp trên thì sau khi nhận hồ sơ, ngân hàng thương mại phải trả lời bằng văn bản, gửi cho đồng thời cả ngư dân lẫn địa phương và ngành thủy sản được biết là có cho vay hay không. Nhưng điều đó không được thực hiện ở TP.Hội An, khiến ngư dân mất giá trị vật chất và tinh thần do chạy theo dự án mà không biết đích. Một điều nữa, ngân hàng yêu cầu ngư dân vay vốn phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng điều hành tàu vỏ thép mà ngư dân chưa được dạy. UBND tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo hơn nữa để hạn chế tình trạng ngư dân bị ngân hàng làm khó” - ông Tường kiến nghị.

Một số tàu vỏ thép được thiết kế chưa phù hợp khiến ngư dân phải tốn kém sửa chữa lại.Ảnh: Q.VIỆT
Một số tàu vỏ thép được thiết kế chưa phù hợp khiến ngư dân phải tốn kém sửa chữa lại.Ảnh: Q.VIỆT

Ông Ngô Tấn cho biết, nhiều ngư dân chưa được dạy các kỹ năng lái tàu vỏ thép là đúng. Đến thời điểm này, Sở NN&PTNT mới chỉ phối hợp với Trường Đại học Nha Trang mở 2 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng điều hành tàu vỏ thép cho các ngư dân huyện Thăng Bình. Điều này không quá khó giải quyết bởi ngành đã có kế hoạch hợp tác, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 khi ngư dân trên địa bàn tỉnh bước vào mùa biển động. Ông Tấn thông tin, đến thời điểm này có một số tàu cá bị mắc lỗi khi đóng mới theo Nghị định 89. “Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cần hướng dẫn các ngân hàng thương mại tăng cường công tác giám sát, nhanh chóng giúp ngư dân  tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi đang đóng tàu cũng như thương thảo ký kết hợp đồng vay vốn được suôn sẻ. Các ngân hàng cũng cần đảm bảo quyền và trách nhiệm trong tham vấn ngư dân mua máy thủy, các thiết bị, ngư lưới cụ đảm bảo chất lượng” - ông Tấn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, thời điểm ngày 31.12 đánh giá lại quá trình triển khai Nghị định 89 không có nghĩa là các ngân hàng thương mại lơ là hay tạm dừng triển khai từ nay đến lúc đó. “Đội ngũ cán bộ tín dụng tham gia triển khai Nghị định 89 cần phải có tâm huyết, năng nổ, bám sát cơ sở, hiểu và chia sẻ với ngư dân, nghiêm túc hướng dẫn họ thực hiện tốt nghị định. Các ngân hàng thương mại phải quan tâm trong việc tiếp nhận hồ sơ vay vốn đóng tàu của ngư dân, trả lời dứt khoát là có hay không cho vay vốn chứ không thể cứ nhận rồi để đó, mặc kệ ngư dân chờ đợi” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành thủy sản kiến nghị với Bộ NN&PTNT điều chỉnh các thiết kế đóng tàu cá cho phù hợp chứ không thể cứ để ngư dân đóng xong tàu thì lại sửa, quá tốn kém. Về phát sinh vốn khi ngư dân sửa chữa tàu cá, các ngân hàng thương mại cũng nên xem lại, nếu chi phí phát sinh không quá lớn thì nên giải ngân để họ thanh toán chi phí, sớm đi vào sản xuất. Đối với chi phí quá lớn thì phải điều chỉnh tại dự toán đóng tàu, phối hợp cùng ngành thủy sản yêu cầu Trung ương thẩm định, giải quyết rốt ráo.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ vướng Nghị định 89
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO