(QNO) - Xoay quanh cuộc hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng nay 4.6, có nhiều tham luận của các chuyên gia nổi tiếng trong nước, đặc biệt là sự trao đổi tâm huyết bằng hình thức trực tuyến của các nhà khoa học, chuyên gia tại Úc, Mỹ, Nhật Bản… Báo Quảng Nam điện tử xin lược ghi một số ý kiến:
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco:Quảng Nam đã tạo ra được những nền tảng cơ bản để phát triển
Tròn 20 năm, từ chỗ Quảng Nam không có gì, không có thị trường, không có nguồn nhân lực, không có hạ tầng giao thông, chúng tôi đã lắng nghe quan điểm, chiến lược phát triển của tỉnh, bám sát quy hoạch phân vùng, phát triển ngành nghề, hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, có nhiều việc chúng tôi không chỉ đóng góp ý kiến, mà đã, đang và sẽ tiếp tục làm. Từng bước, chúng tôi giải quyết những bất cập về nguồn nhân lực, về giao thông, logictics… cho Quảng Nam và cho cả miền Trung.
Với việc thành lập cảng Chu Lai, chúng tôi giảm chi phí logictics xuống rất nhanh, đưa được hàng nhập khẩu về Chu Lai, mở rộng thị trường xuất khẩu. Với chi phí logictics giảm đã giúp các doanh nghiệp tại Quảng Nam, thậm chí Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bắc Bình Định hưởng lợi. Bên cạnh đó là công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao đang quy tụ về Quảng Nam.PGS-TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:Tạo thực lực phát triển từ văn hóa, tinh thần
Quảng Nam chủ trương phát triển, tăng trưởng xanh, đột phá trong đổi mới sáng tạo, năng suất lao động ở một số lĩnh vực, ngành nghề rất cao. Tuy nhiên điều tôi băn khoăn ở chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần có giải pháp thiết thực, cụ thể ví như năng suất xanh dựa vào cơ cấu của nền sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Cho nên, Quảng Nam cần mổ xẻ về nguồn lực tăng trưởng xanh, ở đây cần coi trọng đúng mức nguồn lực phi kinh tế, trong đó có yếu tố cốt lõi là văn hóa. Khi nguồn lực này được khơi dậy sẽ kích thích sự cống hiến, đóng góp của con người, nhất là con người bản địa. Nên có một câu sologan ấn tượng về Quảng Nam, đại khái có thể là “tăng trưởng xanh, đột phá sáng tạo, vùng đất giàu giá trị văn hóa”.
Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ - Đại học Năng lượng Quốc gia MOSKVA, Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học điện Liên bang Nga, Chủ tịch Viện VinlT:Phát triển công nghệ cao là chiến lược rất quan trọng để ứng dụng tại địa phương
Đây là hội nghị hết sức cần thiết, thể hiện sự nghiêm túc của UBND tỉnh, là công việc quan trọng để tính toán cho tương lai. Hội nghị này quy tụ rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, là hình thức sinh hoạt mới đóng góp cho quy hoạch của địa phương.
Là chuyên gia về công nghiệp công nghệ cao, tôi sẽ tập trung góp ý về khả năng phát triển công nghiệp công nghệ cao, để Quảng Nam sử dụng năng lực tại chỗ, kết hợp năng lực khoa học công nghệ, đưa GDP, mức độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người của địa phương vượt lên.
Chúng tôi muốn đưa khoa học công nghệ vào phát triển bền vững lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Phát triển công nghệ cao là chiến lược rất quan trọng để ứng dụng tại địa phương, trên cơ sở hết sức chú ý đến đặc thù của địa phương, trào lưu phát triển của khoa học thế giới, tận dụng năng lực của các chuyên gia cho các dự án khoa học công nghệ.Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia:Đưa Quảng Nam thành nơi đáng sống và đáng thăm
Nếu Quảng Nam có khát vọng phát triển du lịch lên tầm cao mới thì hãy có khát khao thật lớn để đưa địa phương trở thành nơi đáng sống với cư dân và đáng thăm bậc nhất với du khách. Có nghĩa là chúng ta không chỉ phát triển du lịch cho du khách mà còn chăm chút cho những người đang và sẽ sống tại Quảng Nam.
Nếu muốn được như vậy phải xây dựng những cộng đồng hoàn thiện và năng động, tạo ra thật nhiều dịch vụ và tiện ích công cộng miễn phí như: bãi biển, công viên, bảo tàng, đường đi bộ, đường đạp xe… Các dịch vụ cũng không quá đắt đỏ cho du khách cũng như người dân. Quảng Nam cần nghiên cứu và áp dụng thật nhiều các cơ chế hợp tác công tư để khai thác và bảo tồn mạng lưới di sản một cách hiệu quả.
GS-TS. Trần Ngọc Anh - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:Quảng Nam cần định vị giá trị thực, thế mạnh thực của mình
Ở góc độ cá nhân, tôi nhận thấy có một số vấn đề mấu chốt cần chú trọng trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam. Trước mắt là quản trị. Lãnh đạo cần có kiến thức tốt về quản trị, tâm huyết, có tầm nhìn và nhất là xây dựng đội ngũ kế cận bài bản, dám chịu trách nhiệm về kết quả công việc.
Tỉnh cũng cần thiết lập hệ thống số, có công cụ số để kiểm soát công việc, theo dõi kết quả công việc từ đó tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, giảm nhũng nhiễu quan liêu.
Về lâu dài, Quảng Nam phải định vị chiến lược phát triển, đưa ra những cơ chế, chính sách hấp dẫn nào để doanh nghiệp tới Quảng Nam đầu tư. Và Quảng Nam có thương hiệu gì đối với Trung ương, với nhà đầu tư. Từ đó định vị giá trị thực, thế mạnh thực của mình để đưa Quảng Nam trở thành một vùng đất đáng sống.