Gốc rễ của phong trào

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện) 17/02/2015 09:43

Trong chiến lược phát triển, Quảng Nam xác định công tác cán bộ là khâu đột phá, đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ của tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn.
Trước thềm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh chia sẻ với Báo Quảng Nam một số điểm nhìn về công tác cán bộ của tỉnh qua các thời kỳ, đặc biệt là chuẩn bị bước vào giai đoạn mới.

Hội đồng tuyển dụng tỉnh thảo luận, gặp mặt trí thức trẻ đất Quảng trước kỳ tuyển chọn theo Dự án 600 của Chính phủ.Ảnh: D.HOÀNG
Hội đồng tuyển dụng tỉnh thảo luận, gặp mặt trí thức trẻ đất Quảng trước kỳ tuyển chọn theo Dự án 600 của Chính phủ.Ảnh: D.HOÀNG

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Ngọc Quang: “Phải có tư tưởng đột phá về công tác cán bộ”

Thời gian qua, cùng với việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở coi trọng và tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tích cực; trên một số mặt có những đổi mới, tiến bộ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức có bước trưởng thành, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương.

Việc xây dựng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ giàu phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, đủ sức gánh vác nhiệm vụ xây dựng tỉnh Quảng Nam từng bước đạt được các mục tiêu phát triển, phấn đấu đưa tỉnh nhà cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 như định hướng đặt ra, đang là nỗ lực chung của tỉnh. Theo tôi, Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 30.6.2011 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đã nêu nhiều giải pháp thực hiện. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có tư tưởng đột phá về công tác cán bộ.

Trước hết, người cán bộ phải thật sự được đào tạo bài bản và thể hiện được năng lực qua thực tiễn công tác. Do đó, đội ngũ cán bộ cần được quy hoạch, đào tạo, bố trí, thử thách theo chiến lược hoạch định lâu dài. Việc đánh giá các vị trí công tác cần được chú trọng để sàng lọc, lựa chọn những người ưu tú, đề bạt vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Chúng ta cũng phải hết sức tăng cường, chăm lo đội ngũ cán bộ cơ sở, đây đang là khâu yếu của Quảng Nam, nhất là đối với các địa phương miền núi. Chúng ta cần có những kế hoạch cụ thể, quyết liệt hơn để thực hiện tích cực, hiệu quả đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Trong nỗ lực củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống đánh giá trong công tác cán bộ, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Nếu có hệ thống đánh giá tốt, nhất định chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh trong những năm đến.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Trí Tập: “Không sợ thiếu cán bộ”

Cuối năm 1996, Bộ Chính trị quyết định chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, một quyết định khá bất ngờ đối với đa số cán bộ địa phương. Chỉ có vài tháng để hoàn thành việc chia tách, do đó công tác cán bộ chưa có sự chuẩn bị nên hai địa phương rất bị động. Đội ngũ cán bộ được điều động, phân công gánh vác sứ mệnh đưa Quảng Nam phát triển đã cùng thể hiện quyết tâm “Tất cả vì sự phát triển của Quảng Nam yêu thương”. Tuy nhiên, vào Quảng Nam, nhiều người vẫn còn nặng “tâm tư” ở Đà Nẵng, chưa thật sự yên tâm công tác, cống hiến. Vì vậy, công tác cán bộ của tỉnh khi đó xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung làm tốt công tác tư tưởng.

Tôi còn nhớ trong một cuộc làm việc với đoàn công tác của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thể hiện niềm tin mãnh liệt rằng, nhất định anh em sẽ vượt qua khó khăn của hoàn cảnh “ăn cơm tập thể, ngủ bàn làm việc” để công tác tốt. Chúng tôi tin trong những thời điểm gian khó nhất, tinh thần đoàn kết, vượt khó của người Quảng Nam sẽ được phát huy mạnh mẽ nhất. Với niềm tin và quyết tâm như vậy, chỉ một thời gian không lâu, bộ máy lãnh đạo nòng cốt của tỉnh đã được kiện toàn. Từ đây, Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành thực hiện khảo sát, đánh giá nhu cầu sử dụng cán bộ tại đơn vị, tổ chức rà soát, tham mưu bổ sung cán bộ từ cơ sở về công tác. Cả tỉnh cùng xắn tay vào làm, nhờ vậy, đến cuối năm 1997, bộ máy hành chính của tỉnh đi vào hoạt động ổn định, quy củ.

“Chúng ta không sợ thiếu cán bộ, chỉ sợ không phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ thật sự có năng lực, có tâm, có tầm, tận tụy với công việc chung, nhất là đối với lực lượng cán bộ trẻ, ưu tú”.
(Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh   Lê Trí Tập)

Từ việc rà soát, đánh giá cán bộ, tỉnh phát hiện đội ngũ cán bộ giáo viên thiếu hụt trên dưới 1.000 người. Biết lấy đâu ra? UBND tỉnh đã giao sở mở ngay một trường Trung cấp Sư phạm, điều động giáo viên ưu tú từ các trường về đảm nhiệm giảng dạy, đào tạo gấp rút đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục. Năm 1998, dịch sốt rét hoành hành ở miền núi, tiến hành khảo sát thực tế tại các địa phương mới thấy đội ngũ y tế thôn bản không có. Quảng Nam nảy ra sáng kiến giao trường Trung cấp Y tế của tỉnh thu hút đội ngũ học sinh có trình độ văn hóa cấp II để mở liên tiếp 2 lớp đào tạo y tế thôn bản, rồi phân công về cơ sở công tác. Nhờ đó, người dân các thôn, bản đã được vận động, hướng dẫn chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe, đau ốm thì uống thuốc, dần bỏ các hủ tục chữa bệnh lạc hậu... Việc đi tìm lời giải cho nhu cầu bức bách về đội ngũ cán bộ của tỉnh được khởi đầu từ những việc cụ thể như vậy.

Có thể khẳng định, làm tốt công tác tư tưởng chính là chìa khóa thành công của công tác cán bộ. Hiện nay, chúng ta không sợ thiếu cán bộ, chỉ sợ không phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ thật sự có năng lực, có tâm, có tầm, tận tụy với công việc chung, nhất là đối với lực lượng cán bộ trẻ, ưu tú.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Trần Xuân Thọ: “Tạo điều kiện tốt nhất để người tài cống hiến”

Những năm qua, Quảng Nam đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút người tài đức về làm việc. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này vẫn chưa phát huy hiệu quả, môi trường làm việc chưa thật sự hấp dẫn, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng để có thể thu hút và giữ chân người tài. Vì vậy, Quảng Nam đang quan tâm rà soát và sửa đổi, ban hành các cơ chế thu hút nhân tài, chính sách đãi ngộ phù hợp với điều kiện hiện nay. Trong đó, chú trọng cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện tốt nhất để người tài làm việc và phát huy trí tuệ, kinh nghiệm; kịp thời khuyến khích về vật chất, động viên về tinh thần và có chính sách sử dụng hợp lý, tương xứng với hiệu quả và sự cống hiến của họ. Một giải pháp quan trọng cũng đang được triển khai thực hiện, đó là phát hiện sớm nguồn cán bộ từ những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động xã hội để tuyển chọn, bố trí công tác hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ trước khi bố trí công tác ở những vị trí thích hợp nhằm phát huy trình độ đã được đào tạo...

Chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cùng với các văn bản hướng dẫn của Trung ương, ngày 3.9.2014, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 26-HD/TCTU về quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch đối với các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc, nhất là các chức danh chủ chốt làm cơ sở để rà soát, bổ sung quy hoạch cấp tỉnh. Sau khi tổng hợp kết quả, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát lại danh sách quy hoạch cấp ủy, thường vụ cấp ủy và các chức danh chủ chốt tỉnh đã được Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt, đề xuất, giới thiệu bổ sung thêm vào quy hoạch một số nhân tố mới trình hội nghị cán bộ chủ chốt và hội nghị Tỉnh ủy để lấy ý kiến tín nhiệm. Qua rà soát, bổ sung quy hoạch Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh chủ chốt Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số đều tăng, đảm bảo theo quy định.

Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam - Thái Bình: “Khát vọng của tuổi trẻ...”

Bước vào thời kỳ mới, tuổi trẻ Quảng Nam tin tưởng Đảng sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn và đưa ra những quyết sách đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, trong đó có cán bộ Đoàn, đủ năng lực và bản lĩnh để thật sự là “thủ lĩnh của thanh niên” trong tình hình mới. Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ đất Quảng luôn sôi nổi khát vọng được cống hiến, đóng góp nhiều hơn trí tuệ, hoài bão vào công cuộc phát triển chung quê hương. Vì vậy, cấp ủy đảng cần có phương thức phát hiện, nhìn nhận các nhân tố mới, cái mới để động viên kịp thời nhằm phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ và khuyến khích người trẻ tích cực hoạt động, cống hiến.

Để huy động trí tuệ, chất xám của đội ngũ cán bộ trẻ, Tỉnh đoàn đã và đang triển khai phong trào “3 trách nhiệm”. Đó là nêu cao trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với công việc và trách nhiệm với cộng đồng, theo nhận thức chung nhất và xuyên suốt là luôn suy nghĩ tích cực, hành động tích cực. Ngọn lửa nhiệt huyết và khả năng đóng góp của tuổi trẻ sẽ không bao giờ vơi cạn. Tuy nhiên từ hoạt động thực tiễn, chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay đối với đội ngũ cán bộ trẻ của tỉnh là tập trung thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, chú trọng tạo điều kiện và động lực cho cán bộ trẻ phát huy khả năng sáng tạo, đề xuất các sáng kiến cải tiến quy trình làm việc, rút ngắn thời gian triển khai và nâng cao chất lượng công việc, góp phần xây dựng hoàn thiện nền hành chính trách nhiệm. Đồng thời với vốn tri thức được đào tạo bài bản và khả năng lĩnh hội, trau dồi kinh nghiệm từ thực tiễn công tác, cán bộ trẻ sẽ có sự đóng góp tích cực vào công tác tham mưu cũng như thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển chung của quê hương, đất nước.

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gốc rễ của phong trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO