Lấy cơm nhà đo giá chợ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 17/04/2022 07:37

Sau thời gian dịch bệnh kéo dài, thu nhập của nhiều ngành nghề bị suy giảm, nhất là lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, khi vừa phục hồi sản xuất kinh doanh phần nào thì giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng, nên sức mua vẫn còn yếu. Minh chứng là quý I năm nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Để thấy trạng thái so đo khi mua sắm, nên biết rằng, trước khi đại dịch xảy ra, thường tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I hàng năm luôn có mức tăng khoảng 10%. Rõ là do những biến động kinh tế, thu nhập khả dụng (thu nhập sử dụng vào chi tiêu hàng ngày) của người dân thực tế là giảm nên sức mua không tăng bao nhiêu.

Những khái niệm kinh tế nêu trên có lẽ còn khó hiểu với người bình dân, nên diễn đạt nôm na ra là cần lấy chi tiêu cho bữa cơm nhà mà đo ra giá chợ, thấy mức độ sôi động của chợ búa mà suy đoán đời sống người dân.

Thực tế nhiều ngôi chợ từ xứ Quảng đến các vùng miền, tình trạng thưa thớt người mua hàng hóa đã và đang diễn ra. Nhiều nhà hàng ăn uống cũng vắng vẻ. Nhiều thức quà người ta so đo, khi thấy giá tăng theo… xăng. Nhiều người cắt giảm các dịch vụ tiêu dùng, chỉ sử dụng những thứ cần thiết như điện, nước mà thôi…

Cân nhắc trên từng bữa ăn sẽ càng thấy rõ hơn mức sống và biến động. Cơm tiệm giờ phải chi gần 50.000 đồng/suất ăn mới ra món tấm; “cơm bụi” cũng đã tới 30.000 đồng/hộp; ăn sáng có chỗ tô phở, tô mỳ đến 45 nghìn đồng.

Vậy nên, nhiều gia đình nông dân, công nhân chọn lấy cơm nhà tự nấu để giảm chi tiêu. Thực tế còn đắng lòng hơn với những con số khảo sát do Viện Lao động và Công đoàn đưa ra: 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa; 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội…

Trước những khó khăn của đời sống công nhân, mới đây Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022, để trình lên Chính phủ xem xét, quyết định. Cụ thể, tăng thêm từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng tùy vùng; cao nhất là vùng I, mức lương tối thiểu sẽ là 4.680.000 đồng/tháng, thấp nhất là vùng IV có mức 3.250.000 đồng/tháng.

Mới nghe qua thì mừng vậy, chứ đắng đót vẫn chưa thấm gì với mức tăng ấy, bởi hai năm rưỡi qua không tăng lương, người ta đã phải ăn lạm vào phần tiết kiệm nhiều năm trước, lại thêm giá cả giờ leo thang, chẳng bù sớt bao nhiêu.

Theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, riêng năm 2021, khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu tiếp tục tăng hơn 10%. Do vậy, muốn trang trải cuộc sống công nhân vẫn phải làm thêm giờ để có thu nhập, và vì vậy mức trần giờ làm thêm được đề xuất nới ra từ 40 giờ lên 60 giờ mỗi tháng.

Lấy cơm nhà đo giá chợ để thấy việc tăng lương đối với công nhân, người lao động là cấp thiết lắm rồi, nhưng còn cần phải kiểm soát được lạm phát, trượt giá và tạo thêm việc làm, thu nhập khác.

Bởi cũng theo khảo sát của Viện Lao động và Công đoàn, có 46,2% người lao động phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống; 56,1% cho biết tiền lương, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.

Đi đôi với việc vận hành phục hồi mạnh mẽ sản xuất kinh doanh cần có các biện pháp kích thích cung cầu hàng hóa tăng trưởng. Muốn làm được điều đó, bài toán về giá cả thị trường và thu nhập cần song hành giải quyết, sao cho người lao động trang trải đủ cuộc sống trước khi tính chuyện rộng rãi hơn trong mua sắm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lấy cơm nhà đo giá chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO