Qua những miền hoa cỏ tha phương

NGUYỄN ĐIỆN NAM 24/04/2021 05:53

Người Việt thiên di. Người Quảng thiên di. Những cuộc đi qua bao miền mưu sinh rồi đậu lại nơi đất lành và cả đất dữ, điều neo lại trong lòng người xa xứ là gì?

Có thể là hình bóng quê hương!

Có thể là sự bồi hồi trên bước tha phương, khi “tha hương ngộ cố tri”...

Có thể là tiếng gọi bất thình lình đâu đó vọng lại giọng cố nhân…

Có thể là những địa danh tên làng, tên xã, quán xá… rải rác trên các dặm đường.

Như có dịp qua Đơn Dương (Lâm Đồng), ta bất ngờ gặp tiếng Quảng. “Đụng đầu’ nhiều người Quảng là ở xã Quảng Lập. Nơi đây có hơn 80% dân số là người gốc Quảng Nam; 5 thôn của xã đều bắt đầu bằng từ Quảng là: Quảng Tân, Quảng Hiệp, Quảng Hòa, Quảng Lợi, Quảng Thuận. Người Quảng lập ra, người Quảng lập nghiệp, thì “Quảng Lập” chớ chi nữa.

Không riêng Lâm Đồng, Đà Lạt, cả miền Tây Nguyên đầy nắng gió cũng có mặt người Quảng rất sớm. Như vùng Nam Yang, Đắk Đoa (Gia Lai), mấy nghìn con dân Thăng Bình, Tam Kỳ đã đi dinh điền ở lại, qua mấy đời đến nay đã ngót 64 năm, lập thành một xã với 98% dân gốc Quảng.

Rồi lang thang lên tận Krông Ana (Đắk Lắk), cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 60 cây số bất ngờ thấy cái tên Chợ Điện Bàn. Hỏi thì biết hơn 40 năm trước người Quảng, chủ yếu là con dân Điện Bàn, đi kinh tế mới, đứng chân nơi đây là lập làng lập chợ. Giờ đây đã có mấy chục nghìn hộ dân gốc Quảng cư trú trong vùng, từ Krông Ana qua Krông Búk đến Buôn Hồ…

Tha phương từ miền gần đến miền xa, đến cả nơi cùng trời cuối đất tận Cà Mau (Tây Nam Bộ) hay ra cả Điện Biên (Tây Bắc) cũng gặp người gốc Quảng. Không mang được tên làng theo thì cũng quần tụ bên nhau như các xóm Huế ở Tân Hồng, Tân Dân, Khánh Bình, Phú Tân… huyện Trần Văn Thời ở Cà Mau. (Sở dĩ có tên xóm Huế là vì cư dân quanh vùng Đầm Dơi chỉ nghĩ người miền ngoài xa tít như Huế vô đây, nói tiếng khác người bản địa).

Nơi hội tụ người gốc Quảng thường tổ chức sự kiện họp đồng hương, có lẽ ấn tượng hơn vẫn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, trong quãng từ sau những ngày xuân đến tháng 4, hội đồng hương người Quảng khắp nơi tổ chức họp mặt, gắn kết tình quê. Và cuối tuần này (ngày 23 và 24.4), Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam (QNB) sẽ tổ chức chương trình gặp mặt hội viên với chủ đề “Vượt thách thức - Hướng tương lai”.

Đặc biệt dịp này dự kiến chương trình có hoạt động kết nối giao thương với 200 gian hàng sản phẩm OCOP của Quảng Nam và hội viên QNB, đồng thời ra mắt 9 CLB doanh nhân các huyện thị, thành phố. Thú vị hơn là với sự ra đời của siêu thị online QNB (đơn vị chủ quản là Công ty CP Siêu thị QNB), đặt mục tiêu trong 5 năm đến góp phần quảng bá, phân phối khoảng 5 nghìn sản phẩm của Quảng Nam đến các thị trường trong và ngoài nước.

Kẻ đi trước, người đi sau, tha phương mưu sinh nhưng vẫn hoài tưởng về quê hương là một tình cảm đáng trân trọng của người Quảng khắp mọi miền. Còn nhớ trong mấy mùa dịch Covid và bão lũ, đồng tiền bát gạo thấm mồ hôi của những người con đi xa gửi về hỗ trợ quê nhà luôn kịp thời, ấm áp sự sẻ chia.

Nhưng không chỉ là chuyện thiện nguyện, giờ đây còn tính việc làm ăn với khát vọng “đầu tư ngược” khi các doanh nhân người Quảng thành đạt khắp mọi miền quay về đầu tư, đồng hành với sự phát triển của Quảng Nam, để “không còn khoảng cách” với quê hương mà cùng chắp cánh bay cao, bay xa.

Qua những miền hoa cỏ xứ người, dẫu biết có khi chợt thao thức “uống rượu tha phương thường cơ cực” nhưng lòng người Quảng xa xứ vẫn muốn “ta uống đêm này cạn sông Thu” (thơ Phan Thanh San). Nào phải say rượu đâu, mà say vì uống cái tình “tha hương ngộ cố tri” bởi nỗi niềm:

Thèm chi mô một chén rượu hồng đào,
Dẫu chưa uống - chỉ say từ câu hát”...(Dương Quang Anh).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Qua những miền hoa cỏ tha phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO