Chuyện không phải “sáng, tối” do điện chiếu sáng ở đô thị, mà đây là những nghĩ ngợi về những góc tối trong đời sống tinh thần của thị dân.
Nhiều bạn trẻ đam mê trò chơi săn thú ảo Pokemon.Nguồn: Internet |
Thứ nhất, chuyện ở một thành phố lớn phía nam. Một người đón xe bus quá xui xẻo, khi xe đến, anh ta chạy theo rồi vấp phải miệng hố ga mà nắp đã mở không rào chắn, anh rơi xuống hố, chết vì ngạt nước. Chắc chắn lỗi thuộc về những người duy tu sửa chữa cống rãnh quá tắc trách, coi thường sinh mệnh người khác. Điều buồn nhất - tưởng chừng chỉ đến vậy - nhưng hóa ra càng buồn hơn, khi gần nửa tháng truy tìm tung tích nạn nhân, cơ quan hữu trách mới xác định được danh tính (vì anh không có giấy tờ tùy thân). Nhưng chỉ biết đến mức đó thôi, vì theo nhiều người, anh là người vô gia cư, sống lang thang, vạ vật ở đô thị, nay chỗ này, mai chỗ khác như người xưa nói về những người cơ nhỡ là “ăn quán nằm cầu”. Lại cũng nghe nói anh ta trước đây có làm “con nuôi” một gia đình nào đó ở miền Tây. Ôi cũng một kiếp người, đến chết rồi còn khổ. Những tưởng có thân nhân cùng máu mủ ruột rà để xác định ADN cho “hai năm rõ mười”. Mãi mãi, nhân thân của anh cũng hết sức “mù mờ” - chuyện mà những người nghiên cứu khoa học gọi là “sự kiện tồn nghi”!
Lại nhớ một chuyện khác, ở một thành phố miền Trung. Một người can án ra tòa. Khi tòa hỏi về nhân thân, quê quán, anh ta nói - một sự thật làm mọi người sửng sốt - rằng anh “bịa” ra tên mình như vậy chứ anh chẳng biết mình tên chi, không biết cha mẹ là ai, quê quán nơi mô và chỉ biết mình tỉnh dậy sau khi bị ai đó đánh ở công viên thì mình đã 6 hay 7 tuổi chi đó, là áng chừng vậy thôi. Thế rồi anh sống “bụi” cho đến lúc lấy vợ có con mà “không có một thứ giấy tờ nào”. Anh ta nhờ tòa - cũng nhân đây - tòa giúp anh tìm giùm mẹ cha, quê quán. Tất nhiên phiên tòa phải hoãn để tiếp tục xác minh nhân thân bị cáo.
Tính vô danh của đô thị đã để lộ những góc tối đáng buồn, trong khi lịch sử “cái Tôi” luôn gắn với diễn trình đô thị hóa. Ngày xưa “sống ở làng”, con người “cộng mệnh” với cộng đồng nên sống thiên về “cái Ta”, sống vì “cái Ta”, kiểu “toét mắt là tại hướng đình - cả làng toét mắt phải mình em đâu”, rồi “ta về ta tắm ao ta…”. Sự thật hiển nhiên ở nước ta là, cho đến khi hình thành các đô thị, trong văn chương, nghệ thuật, cái Tôi mới xuất hiện và “chiếm lĩnh văn đàn” kiểu “Ta/Tôi là một, là riêng, là thứ nhất” của Thơ Mới… “Cái Tôi” khẳng định vị thế của thị dân, coi luật lệ xã hội là cao nhất, đáng tuân thủ; không lấy “dư luận” là thước đo duy nhất để đánh giá con người; tôn trọng và cổ xúy cho đời sống riêng tư, cá tính.
Thời buổi này, quá nhiều “cái Tôi” sống ảo, sống với thế giới mạng. “Cái Tôi” mang ý hướng tự tôn, xác lập sự riêng tư, cá tính, khẳng định sự độc lập, năng lực làm việc chuyên môn, thể hiện sự dân chủ, công bằng, sự bình đẳng trong giao tiếp, cũng là “cái Tôi” ý thức về trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng… đã dần phai bạc trong đời sống xã hội. Nhiều người trẻ sẵn sàng chết vì câu view, câu like, vì con thú ảo Pokemon… hơn là làm những việc thực tế, trước hết là sống sao cho bản thân khỏi phải lệ thuộc vào cơm áo gạo tiền của gia đình, sống sao cho đừng vô cảm với nỗi đau đồng loại. Sợ nhất là những “cái Tôi” cực đoan, vị kỷ, chỉ biết sống cho mình. Có lẽ sự thiếu hụt lòng nhân ái là do thiếu hiểu biết về kỹ năng sống. Triết lý “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” sẽ không tác động lâu dài trong một xã hội có sự minh bạch về thu nhập và ai nấy đều “chính danh” - sống ý thức về danh phận, về phận sự, và về mức sống xứng tầm với phận sự cá nhân trong xã hội, trong cộng đồng.
Vậy thì vấn đề đặt ra là, mỗi “cái Tôi” luôn phải biết điều hợp giữa lợi ích chính mình và lợi ích cộng đồng, sao cho hài hòa, cả tinh thần lẫn vật chất. Không thể có văn minh đô thị khi những người thực thi pháp luật lại đi tranh cướp hàng hóa vi phạm luật, như đã diễn ra ở cơ quan một bộ có trách nhiệm giám định và tiêu hủy hàng giả. Không thể hiểu được những thị dân ở một đô thị văn hóa - du lịch lại lao vào hôi của trên chiếc xe đang bị cháy, trong khi tài xế đứng khóc lóc, van xin ở Quy Nhơn. Không thể có những viên chức đô thị lại đi đánh phụ nữ y hệt côn đồ như ở sân bay Nội Bài, hay ở một cây xăng xứ Nghệ. Và cũng không thể nào hiểu nổi cú đá chân “đẳng cấp Kungfu” vào nhà báo của những người bảo vệ pháp luật trong vụ “gạt tay trúng má” nhà báo trên một cây cầu ở Hà Nội “Tràng An thanh lịch”.
Góc tối đô thị cầm chắc cũng là góc tối trong tâm hồn con người, chẳng phải cứ là “thôn dân” hay “thị dân”. Một vị thầy cũ của người viết bài này, trước khi mất từng hỏi rằng vì sao thời buổi này, nhiều lúc con người trở nên ác với người, ác còn hơn cầm thú nữa, vì sao như vậy? Người viết bài này chưa kịp trả lời thì thầy đã tự trả lời: “phải chăng con người đã mất niềm tin vào con người?”.
Đô thị là văn minh, là tiện ích, là công nghệ, là vật chất và là một văn hóa tất định của tương lai. Có lẽ trên bước đường xác lập những giá trị văn hóa đô thị, con người còn đang “chưa thanh toán” hết những sức trì níu của cái dở, cái lạc hậu của kiểu sống khôn vặt, “anh hùng rơm”, căn tính hiếu chiến kiểu “chó ỷ gần nhà”, “mạnh được yếu thua”, “chồng chúa vợ tôi”, “ăn cỗ đi trước”, “đục nước béo cò”… trong thực hành văn hóa, văn minh đô thị?
PHÙNG TẤN ĐÔNG