Rất nhiều câu thơ, đoạn văn in hằn rất lâu trong ký ức bao thế hệ học trò, thậm chí “vang” lên thành giai điệu, thông qua những trang sách cũ. Biết bao giờ học trò lại gối đầu lên những vần thơ?
1. Một phái viên của báo Chim Trời lần dò đến tìm cho được vị độc giả Trần Văn Có ở tận miệt Hậu Giang để thu 6 tháng tiền mua báo nợ. Cả hai trạc tuổi ngoài 30. Thế rồi, trong đêm nghỉ lại xóm Cà Bây Ngọp (tiếng Kh’mer là “trâu chết”), cả hai chui vô mùng tránh muỗi, chuyện trò một hồi lại giở các bài trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” ra đọc. Đọc trong trí nhớ.
Họ chia sẻ tâm tình thông qua các bài “Chọn bạn mà chơi”, “Khuân tảng đá”, “Chỗ quê hương đẹp hơn cả” lần lượt là các bài thứ 9, 10 và 30 của lớp Dự bị. Người hỏi, người đáp và đọc thuộc lòng.
Chỗ thì Tư Có dẫn một đoạn văn rồi buột miệng khen “văn chương nghe như đờn Nam Xuân”. Chỗ chỉ nhắc thoáng bức hình minh họa về con kiến, nhưng chúng tôi đối chiếu nhận ra đấy là bài đọc thứ 40 “Ta không nên ngã lòng”, cũng của lớp Dự bị.
Hai nhân vật này xuất hiện trong tập truyện “Hương rừng Cà Mau”. Nhà văn Sơn Nam đã cho họ giãi bày hết niềm yêu mến đối với cuốn sách giáo khoa danh tiếng: “Quốc văn giáo khoa thư”. Họ yêu mến trang sách rồi yêu quý nhau đến nỗi, cuối cuộc đi đòi nợ, vị phái viên báo Chim Trời thậm chí… hủy bỏ luôn ý định thu tiền của Tư Có, lại hứa sẽ tặng mỗi kỳ một tờ để đọc hoài hoài.
Lẽ dĩ nhiên, hai nhân vật của nhà văn Sơn Nam không thể không nhắc đến bài “Chăn trâu” quen thuộc, bài đọc thứ 28 của lớp Dự bị.
Có lẽ không cần thêm lời ngợi khen nào nữa với bài đọc “Chăn trâu” này. Trên báo Quảng Nam, chúng tôi từng có dịp kể hầu độc giả câu chuyện phổ nhạc từ… văn. Lần ấy, chúng tôi đặt “nghi vấn” về mối liên kết giữa đoạn đối thoại trong tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” (Colleen McCullough) với ca từ trong “Gọi tên bốn mùa” (Trịnh Công Sơn); hay ý thơ lạ lẫm “Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn” (Nguyên Sa) và thấp thoáng đoạn ngắn trong danh tác “Uyên ương gãy cánh” (Kalih Gibran) “Ngày ngày trôi qua như những giấc mơ, và mỗi đêm như mỗi lần hôn lễ”.
Tất nhiên, đó chỉ là cơn cớ để chúng tôi tha thiết nhắc về “Chăn trâu” trong “Quốc văn giáo khoa thư”, nhất là khi nhạc sĩ Phạm Duy đã phả sức sống mới cho câu văn mộc mạc mở đầu bài đọc, “Ai bảo chăn trâu là khổ?, vào trong ca khúc “Em bé quê”.
2. Ấy là những trang sách từng lặn sâu vào ký ức. Có những trang sách của ký ức nhưng nay được sắp đặt lại, mang ra trưng bày và gợi nhớ.
Hồi cuối tháng 9 năm nay, có một triển lãm gây chú ý lớn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, khi Bộ GD&ĐT tổ chức trưng bày hơn 700 bản sách giáo khoa Việt Nam qua các thời kỳ và cả sách giáo khoa của Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh...
Một cuộc “hội ngộ” của những bộ sách, cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa các thời kỳ. Khác biệt ở khổ in, ở hình ảnh minh họa đen trắng hay 4 màu, ở chất liệu giấy… Mỗi trang sách gắn liền với mỗi thế hệ học trò, nhưng cũng qua đó nhiều người nhớ lại có đến 4 mốc thời gian thay sách ở Việt Nam: 1957, 1981, 2002, 2020.
Vì có đến 4 lần thay sách, nên câu hỏi luôn đặt ra và chỉ có học trò ở từng thế hệ cụ thể mới thẩm định trọn vẹn: Sách giáo khoa đã đọng gì trong ký ức?
“Mỗi năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”, câu văn thân thuộc của Thanh Tịnh lại cùng học trò bước vào năm học mới. Song hành với bước chân học trò là câu chuyện về sách giáo khoa. Nhưng mối quan tâm thường đến từ phía phụ huynh.
Họ dọ hỏi về giá, về số lượng sách, mua thêm bao nhiêu cuốn sách bài tập nữa là đủ… Có thời kỳ, người ta mang cả túi xách của học trò đặt lên bàn cân. Ít thấy các thế hệ rỉ tai nhau về bài đọc ấn tượng hay đoạn văn mượt mà nào đó trong sách, như cách mà phái viên của báo Chim Trời và vị độc giả Trần Văn Có từng rủ rỉ trong đêm ở xóm Cà Bây Ngọp.
Đành rằng, đổi mới luôn là nhu cầu chính đáng của đời sống. Không ai muốn khư khư giữ mãi những kiến thức cũ, câu chuyện cũ, hình ảnh cũ. Như chuyện bà ngoại, bà nội của em bây giờ tóc sẽ không còn “bạc phơ” như trước...
Nhưng đổi mới nhiều quá, xáo trộn nội dung sách giáo khoa nhiều quá, in ấn chỉnh sửa hình thức liên tục quá, thì ngoài câu chuyện tài chính còn dễ làm mất dần cảm xúc của học trò. Chính những “dữ liệu” bên ngoài nội dung (như giá tiền, số lượng sách phải mua, vài ba năm lại thay sách…) đã xô dạt tâm trạng của nhiều người.
Thi thoảng vẫn đọc được những dòng tự sự chán ngán trên mạng xã hội khi họ phát hiện ra trang sách giáo khoa nào đó biên soạn quá cẩu thả. Có người thốt lên: Không thể hiểu tại sao câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng “Hai con dê” lại bị chế thành một bài thơ có cùng nội dung, thông điệp nhưng thay đổi nhân vật thành… 2 con gấu, như bài thơ “Gấu qua cầu” in trong một bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2.
3. Ca khúc “Em là bông hồng nhỏ” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho phim “Cho cả ngày mai” của đạo diễn Long Vân, sản xuất năm 1981. Khi ấy, ca sĩ Hồng Nhung thể hiện ca khúc này cũng đang ở lứa tuổi học trò, 14 tuổi. Hát rằng:
“…Em đến trường học bao điều lạ,
Môi hé cười là những nụ hoa
Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ
Em gối đầu trên những vần thơ
Em thấy mình là bông hồng nhỏ
Bay giữa đời làm mát ngày qua…”.
Không biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến “trang sách hồng” của giai đoạn nào trong các cột mốc thay đổi sách. Nếu là trang sách từ năm 1957 thì quá cũ, vậy có lẽ của năm 1981. Còn với 2 “cột mốc” tiếp theo, liệu đã có bao nhiêu cuốn sách đã cho đứa trẻ gối đầu lên những vần thơ?
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cũng sẽ “khập khiễng” nếu không so sánh, để những trang sách giáo khoa trong tương lai phải thực sự in hằn rất lâu trong ký ức học trò.