Tự bao giờ nguồn trong, suối reo, sương gieo, lá biếc,… giao hòa thanh khí với hạ phương bể dâu cùng thượng phương cỏ hồng mây trắng ngân rung dòng yêu thương bất tận.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà 3 nhân tố chính làm nên thế giới thay đổi: Sự sụp đổ bức tường Bá Linh kết thúc chiến tranh lạnh đồng thời xuất hiện phần mềm Window Microsoft; Kỷ nguyên kết nối mới, phổ cập mạng toàn cầu; Ứng dụng rộng rãi phần mềm xử lý mọi công việc.
Friedman tác giả quyển sách Thế giới phẳng nổi tiếng chỉ ra thế giới là phẳng theo cách nhìn riêng của mình; tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác trái chiều. Suy rộng một chút: Thế giới trình hiện chủ quan dưới mắt của chủ thể, không có tính khách quan, vì cả chủ thể và thế giới không có tự tính như nhận thức của Long Thọ trong Trung Quán Luận: Chẳng sinh, chẳng diệt/ Chẳng đoạn, chẳng thường/ Chẳng một, chẳng khác/ Chẳng đi, chẳng lại/ Nhân duyên sinh pháp... Có lẽ hơn lúc nào hết chúng ta quay trở về câu nói mang tính đúc kết của nhà bác học A. Einstein: “Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những yêu cầu của khoa học hiện đại thì đó sẽ là đạo Phật”. Thực vậy, trở về hành trình của đức Phật, chúng ta biết rằng lúc nửa đêm thái tử Tất Đạt Đa nhìn vợ con, dời gót cung vàng điện ngọc lần cuối, rồi ra khỏi hoàng thành bởi khi ấy tâm hồn thái tử đầy bi mẫn và nhuần thắm nỗi yêu thương mong ra đi để cứu vớt kiếp sống trầm luân trên thế gian này. Hay như vua Trần Nhân Tông lúc cầm cương chèo lái đất nước ngàn cân treo sợi tóc: “Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông ngàn thuở vững âu vàng” thành công và đang phong độ hiển hách nhất nhưng ngài vẫn quyết chí không màng lợi danh xuống tóc lên non Yên Tử cũng hằng mong non sông vững chãi cơ đồ, hóa giải cuộc sống lầm than của kiếp người... Hiện nay con người vẫn mãi lăng xăng lối sống thực dụng, chạy theo danh hão, tranh quyền đoạt lợi, tham vàng bỏ nghĩa, đua đòi tiện nghi xa hoa vật chất... Tất cả như quay cuồng trong bóng tối vô minh. Có phải sự hỗn mang ấy chính là vì lòng tham dục của con người chưa được hóa giải?
Đọc kinh Nikaya Nam truyền nói rằng sau khi giác ngộ, đức Phật quan sát thế gian: Ngài nhận thấy chúng sanh như những hoa sen trong đầm đủ màu xanh đỏ trắng lẫn lộn. Có hoa còn nằm trong bùn, có hoa ngoi lên trong nước, có hoa vươn gần mặt nước và có hoa vượt khỏi mặt nước. Nghĩa là đức Phật nhìn thấy chúng sinh như những đóa sen và tự thân mỗi con người cũng có đầy đủ phật tính. Kinh Pháp Hoa cũng nói về hoa sen ở nơi con người càng lúc càng làm nó nở lớn, tỏa hương và còn trợ duyên làm nở hoa nơi người khác nếu chúng ta thọ trì Pháp Hoa sẽ “rúng nứt tâm thức mình, làm vọt lên liên tục ánh sáng của trí huệ, thương yêu của từ bi, sự rỗng rang để mở rộng bao trùm, lòng khoan dung nhẫn nhục, sự kính trọng khiêm hạ và thương yêu tất cả, lòng tốt cho tất cả những cái đang hiện hữu” (Đương Đạo).
Khi thương yêu hết thảy chúng sinh, ta dần quên “cái ta”, “cái của ta” kể cả còn thương những cái vô tri vô giác hay hữu thức. Có hôm nào giẫm lên bờ cỏ ta có nhận ra những cọng cỏ cũng biết đau. Làn gió dìu nhẹ mơn man tưởng đâu vô ý mà nó đang trợ duyên. Triền đá hàng cây, ngàn hoa nội cỏ... hiện diện từ ngàn năm trước vẫn tràn trề mạch sống tự nhiên như nhiên dâng hiến. Có hôm nào ta tự hỏi một câu rất ngây ngô tại sao chàng Robert Podunavac giàu có người Mỹ tự nguyện theo cô Lữ Hà Thy Nhơn với 3 đứa con riêng quay về quê vợ cắm rễ vùng đất Tam Lãnh, Phú Ninh khô cằn sỏi đá? Podunavac hồn nhiên nói sẽ rất vui về sống và chết tại đây. Còn họa sĩ Lê Văn Sơn sinh trưởng trong một gia đình lao động bình thường ở Tam Kỳ, tốt nghiệp loại khá giỏi Trường Đại học Mỹ thuật Huế, đam mê trường phái Pop Art cứ tưởng vợ Kerstin (người Đức) - tiến sĩ khoa Đông Nam Á sẽ đọc - hiểu những tác phẩm của mình. Kerstin thành thật nói không hiểu gì cả về tranh của Sơn nhưng Kerstin đến với Sơn chỉ vì lòng yêu thương. Đây là hai cuộc đời đã xây dựng bằng tình thương yêu đích thực hàm chứa trong thành tựu Đại Bi Tâm Đà La Ni (Maha Krunikica Citta Dharani): “Chúng ta chia lìa nhau từ nhiều ngàn kiếp trước mà vẫn chưa xa lìa nhau dù trong một khoảnh khắc” (Suzuki). Quả thật tình yêu của họ không phân biệt màu da, trình độ; vượt qua sự giàu nghèo, biên giới v.v. Họ đến với nhau chân thành như thể họ có duyên nợ từ ngàn kiếp trước.
Nơi góc quán cà phê trầm lắng ngày cuối năm, ta để lòng lắng nghe xuân đang về. Đâu đó giọng ca trong trẻo reo vui cất lên âm giai trưởng: “Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá... Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui/ Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi... Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau...” (Trịnh Công Sơn). Có người nhận xét, hát nhạc Trịnh mà thể hiện trong nỗi quằn quại đớn đau ấy là chưa thật hiểu diệu nghĩa của người nghệ sĩ ký thác. Vậy thì, hãy vui và hát lên thật nhiều lần bài ca Hãy yêu nhau đi như chúng ta hằng trì tụng Đại Bi Tâm để gieo những hạt lành yêu thương trong cõi tạm buồn vui giận hờn thương ghét. Và rồi bất giác lòng ta lại càng thấm đượm những câu thơ nổi tiếng của Bùi Giáng: “Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/ Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn/ Còn ở lại một ngày còn yêu mãi/ Còn một đêm còn thở dưới trăng sao”... (Phụng hiến). Với niềm cảm khái, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn từng gọi Bùi Giáng là Tiếp Dẫn Đạo Sư trong ngôn ngữ Việt Nam hiện đại. Thật vậy cái huệ tâm và nguồn vui bất tuyệt của Trung Niên Thi Sĩ sẽ còn vương trên nền trời thượng phương cỏ hồng mây trắng rất sâu và thật lâu.
Ngoài kia hoa đời hàm tiếu. Gió đông về hân hoan. Ngọc nở trong sen, sen đan trong ngọc bọc trong ngần ngàn chuỗi hạt lung linh. Cứ mỗi ngày nắng lên như tiếp cho ta nguồn năng lượng mới: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương (Kahlil Gibran).
ĐÌNH QUÂN