Những góc nhìn về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cùng với lời kể của các chứng nhân tại hội thảo “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Quảng Nam” tựa như một cuộc trở về. Cùng với những điều cần tiếp tục khẳng định, những sự thật phải nhắc nhớ, ký ức về dấu son lịch sử trên đất Quảng Nam trung dũng kiên cường được gọi tên, sau hành trình 50 năm…
|
Đông đảo đại biểu đến từ Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và cán bộ lão thành, cựu binh, lãnh đạo các đơn vị, địa phương tham dự hội thảo. Ảnh: THÀNH CÔNG |
VANG VỌNG LỊCH SỬ
Như một cuộc hạnh ngộ giữa những người đã từng sống trong khói lửa kiêu hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và lớp người hôm nay, hội thảo do Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức vào sáng 6.3 còn gợi nhắc bao câu chuyện xưa mà không cũ, về ý chí đoàn kết, về truyền thống trung dũng kiên cường của đất và người xứ Quảng…
Nhìn lại dấu son
“Ý nghĩa, vị trí lịch sử của cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 trên địa bàn Quảng Nam, sự tác động đối với cục diện chiến trường khu 5 và miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là điều cần được làm rõ, như một trách nhiệm lớn lao đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh quên mình. Bài học lịch sử còn đó, công lao của cán bộ, chiến sĩ, quân và dân Quảng Nam trong chiến thắng lịch sử này cần được tôn vinh. Năm mươi năm đã trôi qua, chúng ta đã có một độ lùi thời gian nhất định để có thể nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện nhất, khách quan nhất về thắng lợi, vai trò, ý nghĩa lịch sử, nhất là rút ra bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới”. (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường) |
Năm mươi năm, bao mái đầu đã bạc. Rất nhiều người đã khuất bóng và câu chuyện một thuở cũng đã ít nhiều phôi phai trong trí nhớ người ở lại. Nhưng lịch sử không ngủ quên. Những hào hùng chừng như sống dậy, từ nghiên cứu của các chuyên gia thuộc nhiều cơ quan chuyên môn như Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các cán bộ lão thành, nhân chứng sống. Hội thảo như chiếc “cầu nối” để lớp người của thế hệ đi trước có dịp gặp gỡ, cùng nhắc nhớ về một dấu mốc hào hùng của cả nước nói chung, của đất Quảng trung dũng kiên cường nói riêng, ngày ấy.
Đã có 30 tham luận, bài viết gửi đến hội thảo là góc nhìn của chuyên gia, nhà nghiên cứu, chỉ huy các lực lượng, đơn vị, địa phương, hay đơn giản chỉ là một mảnh hồi ức của cựu binh. Tất cả như sống dậy từng trang sử, lần giở từng thước phim, và xứ Quảng trong thời khắc đó dần được khắc họa. Nửa thế kỷ, không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 còn lan tỏa. Quảng Nam không nằm ngoài bầu không khí ấy. Dấu son lịch sử trên vùng đất Quảng không chỉ là biểu hiện sáng ngời cho tinh thần yêu nước của người dân xứ Quảng, còn góp chung vào chiến thắng của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ sang một bước ngoặt quan trọng.
Ông Trần Chí Thành không giấu được xúc động khi chia sẻ câu chuyện về đồng đội tại hội thảo. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chín, cùng với toàn miền Nam, quân và dân đất Quảng đã đồng loạt nổi dậy, tiến công vào các cơ quan đầu não của địch ở TP.Đà Nẵng, thị xã Tam Kỳ, thị xã Hội An và hầu hết thị trấn, quận lỵ trên địa bàn Quảng Đà, Quảng Nam. Đây là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của dân tộc, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh. Tuy nhiên, vẫn còn những điều cần thống nhất, những bài học cần được nhìn nhận. “Hội thảo là dịp để làm rõ những điều còn trăn trở, thống nhất những dấu mốc thời gian, sự kiện. Ban tổ chức hội thảo đã mở rộng tiếp thu những ý kiến khác, những tư liệu mới, nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa to lớn, bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Chín nhấn mạnh.
Hạnh ngộ hai thế hệ
Từ mọi miền Tổ quốc, những cán bộ, chiến sĩ thời ấy trở về, mang theo ký ức Mậu Thân 1968 của xứ Quảng trong trí nhớ riêng mình. Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Trưởng ban An ninh thị xã Tam Kỳ - ông Trần Chí Thành không giấu được nước mắt khi chia sẻ câu chuyện năm 1968. Ông nhắc về những đóng góp của lực lượng an ninh thị xã Tam Kỳ đã được ghi nhận qua 50 năm lịch sử, về những cán bộ, chiến sĩ điệp báo đã vĩnh viễn nằm lại vào xuân Mậu Thân. Huỳnh Hoài - Liên trung đội trưởng nghĩa quân Kỳ Hương, người đồng đội của ông Thành, trước giờ ngã xuống, vẫn gọi tên Bác, gọi Đảng… “Những tấm gương trung thành tuyệt đối của các đồng chí, đồng đội đã hy sinh là động lực để tôi, để bao người con cách mạng quyết tâm bám trụ, hoàn thành nhiệm vụ của người đã ngã xuống. Trong Tết Mậu Thân 1968, nếu chúng ta không có những điệp báo trung thành, thì đã không cách nào đưa được Tiểu đoàn 70 vào tiếp cận mục tiêu. Trong tình thế đã bị lộ, địch phòng ngự nhiều lớp, cơ sở của ta đóng vai trò quyết định, giúp ta vừa hành quân vừa chuẩn bị mũi tiến công, thực hiện được mục tiêu” - ông Thành xúc động kể lại.
Nhiều cựu chiến binh trở về, góp thêm ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 trên đất Quảng. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Bên hành lang hội thảo, ông Trần Ngọc Ảnh - Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên cán bộ Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, tìm gặp lại những đồng đội xưa. Mái đầu đều đã bạc, họ hỏi thăm nhau về người còn, người mất, về đồng đội một thời trong khói lửa. Những mảnh ký ức qua lời kể của ông Trần Chí Thành, ông Lê Hải Lý… gợi nhớ biết bao cảm xúc khó quên của ông. Trong Tết Mậu Thân năm ấy, ông Ảnh bị thương, ngay sát ấp chiến lược Phương Hòa trong trận đánh tìm cách phá vòng vây đưa thương binh ra ngoài. Một đồng đội gục chết vì đạn đại liên, ngay bên cạnh ông. “Gặp được anh em vừa mừng, vừa thấy tiếc thương cho những người đã ngã xuống. Càng ý nghĩa khi được gặp tại hội thảo này, cho thấy thế hệ sau đã nhìn nhận được giá trị của cuộc tổng tiến công, góp phần làm nên quê hương Quảng Nam trung dũng kiên cường. Đây cũng là điều làm cho tôi và đồng đội thêm chút tự hào về những cống hiến, hy sinh của mình trong kháng chiến” - ông Ảnh tâm sự.
Không khí hào hùng của những ngày Mậu Thân 1968 như sống lại theo từng lời kể, từng mảng tư liệu của các nhà nghiên cứu. Không chỉ các cán bộ lão thành, những người cựu binh bước ra từ khói lửa Mậu Thân, mà những đại biểu tham dự cũng được hòa chung bao cung bậc cảm xúc. Ký ức về những trận đánh, về phong trào đấu tranh của nhân dân, chuyện hành quân xuyên qua vòng vây địch, đấu tranh chính trị…, lịch sử một thời như vang vọng lại trên quê hương, sau 50 năm cùng dấu son rạng ngời đất Quảng… (THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN)
PHẢI XỨNG VỚI TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG
Máu xương đã đổ xuống trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 luôn nhắc nhớ các thế hệ hôm nay một bài học sâu sắc về sức mạnh của lòng dân...
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - nguyên Phó Trưởng ban Đấu tranh chính trị tỉnh bày tỏ kỳ vọng về sự phát triển của Quảng Nam trong tương lai từ việc phát huy truyền thống quê hương. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Khổ đau và vinh quang
Trực tiếp tham gia chỉ huy và dẫn đầu lực lượng đấu tranh chính trị huyện Nam Tam Kỳ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, bà Hồ Thị Kim Thanh (hiện sống tại TP.Đà Nẵng) chia sẻ, lúc bấy giờ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Quảng Nam đã có quá trình chuẩn bị đồng loạt và đáp ứng yêu cầu đảm bảo bí mật. Tinh thần được phổ biến rộng rãi lúc này là “đi không về, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong hồi ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở nửa thế kỷ trước, bà Thanh cũng như nhiều đồng chí, đồng đội năm xưa luôn nhắc đến tinh thần xuống đường của quần chúng nhân dân. Bà Thanh bộc bạch, người dân Quảng Nam quá tốt, dám làm, dám chịu, dám hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng. Quảng Nam có nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng nhất, nhiều liệt sĩ nhất…, mỗi cái nhất đều gắn với khổ đau của chiến tranh. Vì vậy, bà Thanh và các đồng chí đồng đội cùng gửi gắm mong muốn các thế hệ cán bộ kế cận hôm nay của Quảng Nam luôn quan tâm phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng đội ngũ vững mạnh, chung tay xây dựng Quảng Nam ngày càng phát triển, để có điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về dự hội thảo lần này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - nguyên Phó Trưởng ban Đấu tranh chính trị tỉnh (hiện sinh sống ở Khánh Hòa) chia sẻ, bà rất vui và xúc động khi được Ban tổ chức hội thảo đưa đến thăm, viếng hương tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và Khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Qua phát biểu tham luận của các nhà nghiên cứu, hay ý kiến phát biểu của nhân chứng cùng thời, trong hồi ức của bà Bình dần sống lại những tháng ngày mùa xuân lịch sử của nửa thế kỷ trước. Trong giai đoạn 1966-1968, lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân lên rất cao. Khi đó, bà Bình mới 22 tuổi được phân công làm Phó Trưởng ban Đấu tranh chính trị tỉnh, phụ trách khu vực vùng đông từ Duy Xuyên vô Kỳ Anh, Kỳ Phú, góp phần chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Không nhắc đến các trận đánh đã diễn ra, trong câu chuyện của mình, bà Bình chia sẻ về những hy sinh to lớn của quần chúng nhân dân đối với cách mạng. Ở xa, nhưng lúc nào bà Bình cũng hướng về quê hương Quảng Nam, và mong muốn các thế hệ cán bộ của tỉnh hôm nay luôn biết phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, cùng chung tay xây dựng Quảng Nam phát triển, mãi mãi xứng đáng với truyền thống của quê hương.
Nhiều bài học quý báu
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, thất bại to lớn cả về quân sự và chính trị của Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của quân và dân trên địa bàn Quảng Nam, làm cho đế quốc Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác. Từ thế phản công chiến lược bằng biện pháp hai gọng kìm “tìm diệt và bình định” thì sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Mỹ buộc phải chuyển vào thế bị động phòng ngự bằng biện pháp “quét và giữ”; từ leo thang chiến tranh, buộc phải chuyển sang “phi Mỹ hóa” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đó là bước khởi đầu cho một quá trình đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Ví dụ như bài học về đánh giá tương quan so sánh lực lượng; từ đánh giá đó, chúng ta mới xác định được quyết tâm, các hướng trọng tâm, trọng điểm để chuẩn bị tốt lực lượng cho cuộc tấn công. Việc thứ hai nữa là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, không phải chỉ có lực lượng vũ trang, mà có sự đóng góp rất quan trọng của các lực lượng khác, kết hợp tổng công kích, tổng khởi nghĩa với sự tham gia chủ yếu của lực lượng chính trị, trong đó có lực lượng của toàn dân, của các thành phần trong xã hội, không có một ai đứng ngoài cuộc cả. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta phát triển nghệ thuật quân sự trong chiến tranh cách mạng, tiêu biểu là đòn nghi binh chiến lược ở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, đã hỗ trợ rất nhiều trong việc kìm giữ, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch để hỗ trợ cho hướng đánh vào các đô thị ở toàn miền Nam.
Trong chiến tranh, sự chuẩn bị về tâm lý có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, chúng ta nhận thấy xuyên suốt và cốt lõi của nó chính là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin vào khả năng tác chiến, chịu đựng gian khổ của quân và dân ta. Trong tình hình ngày nay cũng thế, dù mặt bằng kinh tế - xã hội và các điều kiện khác đều có sự đầu tư phát triển hơn nhưng cũng luôn luôn cần niềm tin và ý chí, cũng như tinh thần khắc phục khó khăn, đoàn kết thống nhất để cùng chung tay thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. (HÀN GIANG - PHƯƠNG GIANG)
BÀI HỌC VỀ SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT QUÂN DÂN “Một trong những đóng góp quan trọng của quân và dân vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là tinh thần đoàn kết một lòng, tích cực chuẩn bị về mọi mặt. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, chuyển cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cuộc tiến công và nổi dậy đợt hai, đợt ba. Đó là bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chỉ đạo tác chiến và phối hợp tác chiến giữa bộ đội địa phương với quân chủ lực, giữa lực lượng vũ trang địa phương với đấu tranh chính trị của quần chúng và công tác binh vận, địch vận…”. (PGS-TS. Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) NGHỆ THUẬT TỔNG CÔNG KÍCH, TỔNG KHỞI NGHĨA “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 thể hiện nghệ thuật tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên chiến trường Quảng Nam. Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Khu ủy 5, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, quân và dân Quảng Nam đã tiến hành tổng công kích sâu, hiểm, bất ngờ về quy mô, mục tiêu và thời gian, phối hợp toàn chiến trường, kiên quyết tiến công, tiến hành căng kéo, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch. Ngoài ra, trong cuộc tổng tiến công, ta đã tổ chức và phát huy sức mạnh của lực lượng quần chúng tiến hành tổng khởi nghĩa. Đây là một nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, giáng cho địch một đòn đau, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh”. (Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 5) CÓ XUÂN 68 MỚI CÓ “MÙI VỊ” HÔM NAY “Tinh thần quật khởi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân lúc bấy giờ rất ghê gớm. Ai cũng muốn cầm súng đánh giặc để giải phóng miền Nam. Có đánh xuân 68 mới có “mùi vị” hôm nay. Dù cũng có thất bại nặng nề về lực lượng, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 đã đánh sập ý chí của Mỹ ngụy, từ đó mới dẫn đến thắng lợi sau này, Mỹ mới buông tay ở Hiệp định Paris, mới có thắng lợi xuân 1975”. (Ông Đoàn Vinh Danh - nguyên Chính trị viên phó Liên đội đặc công V16) |