Gồng mình chống hạn

HOÀI NHI 08/08/2016 08:42

Nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng nay khiến hàng trăm héc ta lúa hè thu ở rất nhiều nơi trên địa bàn Quế Sơn bị thiếu hụt nguồn nước tưới nghiêm trọng. Hiện ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nhiều biện pháp đối phó nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhà nông. Ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam vào hôm qua 7.8…

Lắp đặt trạm bơm chống hạn tại cánh đồng thôn 2B của xã Quế Châu.Ảnh: HOÀI NHI
Lắp đặt trạm bơm chống hạn tại cánh đồng thôn 2B của xã Quế Châu.Ảnh: HOÀI NHI

Khô hạn gay gắt

Ngày 7.8, chạy xe máy dọc tuyến ĐT611 đoạn từ ngã ba Hương An lên xã Quế Châu của huyện Quế Sơn, không khó để bắt gặp hình ảnh những cánh đồng lúa khô héo, thậm chí nhiều thửa ruộng đành phải bỏ hoang. Nhìn mấy đám ruộng khô khốc, nằm trơ trọi dưới nắng cháy, bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Phước Chánh (xã Phú Thọ) cho biết, gia đình bà có 4 sào đất canh tác lúa trên các xứ đồng Trun, Khe Điếu, Hố Dộc. Tuy nhiên, thời gian qua nắng hạn hoành hành dữ dội, không có nguồn nước để đổ ải gieo sạ nên bà Huệ đành phải bỏ hoang cả 4 sào đất. Bây giờ, trên những đám ruộng ấy chỉ thấy lèo tèo vài cây cỏ dại mọc lay lắt. Bà Huệ than phiền: “Không sản xuất lúa được nên gần 3 tháng qua tôi buộc lòng bỏ ruộng hoang để lên núi chặt củi chở xuống chợ Hương An bán lấy tiền mua gạo. Thật quá xót xa với cái cảnh có ruộng mà phải mang bao đi đong từng lon gạo này”.

Nghe bà Huệ nói vậy, ông Trần Ngọc Hường ở cùng thôn Phước Chánh liền thở dài: “Thà rằng bỏ ruộng hoang như bà mà khỏe, chứ gia đình tôi đầu tư công sức và tiền của để sản xuất 3 sào lúa nhưng giờ này cũng đã trắng tay rồi”. Ông Hường cho biết, vụ hè thu 2016 ông gieo sạ 3 sào lúa trên cánh đồng Hóc Phấn. Thời điểm lúa còn non, thấy nguồn nước tưới cơ bản ổn định. Vậy nhưng, đến khi cây lúa bước vào giai đoạn đứng cái - làm đòng thì không có giọt nước nào. Theo quan sát của chúng tôi, bây giờ toàn bộ mặt ruộng của ông Hường khô rang và nứt toác thành các rãnh dài. Những cây lúa cao quá đầu gối đang trổ lác đác đã cong lại, khô quắt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là hồ Hóc Rẫy đảm nhận việc cung ứng nước tưới cho số diện tích lúa ấy đã cạn trơ đáy vì nắng hạn kéo dài. Nhìn mấy đám lúa đang bị cháy khô, ông Hường lắc đầu ngao ngán: “Vậy là gần 3 triệu đồng vợ chồng tôi bỏ ra để mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sản xuất 3 sào lúa này giờ đã tiêu tan. Bởi, lúa đã chết héo thì chỉ còn cách cắt về ném cho bò nhai. Không biết sắp tới đây cả gia đình phải xoay xở thế nào”.

Thời điểm này nhiều ruộng lúa hè thu trên những cánh đồng tại các thôn Nghi Hạ, Lộc Đại, Nghi Trung của xã Quế Hiệp, Hòa Mỹ Tây thuộc xã Quế Xuân 2, Phước Phú Đông ở xã Phú Thọ… cũng đang phải sống ngắc ngoải vì nắng hạn kéo dài. Trao đổi với chúng tôi vào hôm qua 7.8, ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, hè thu 2016 nông dân trên địa bàn huyện xuống giống tổng cộng 2.981ha lúa, giảm 1.000ha so với vụ đông xuân vừa qua. Theo ông Châu, đến thời điểm này hơn 65% diện tích lúa nêu trên đang bước vào giai đoạn làm đòng và trổ bông. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất hiện nay là toàn huyện đã có hơn 400ha lúa bị khô hạn nặng, tập trung chủ yếu ở các xã Quế Thuận, Phú Thọ, Quế Châu, Quế Hiệp, Quế Phong, Quế Minh, Quế An, Quế Xuân 2. Ông Châu nói: “Từ đầu vụ đến nay, do nắng nóng xuất hiện liên tục, lượng mưa thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình các năm trước nên tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt. Hiện tại, mực nước của các hồ chứa, đập dâng, đập thời vụ và nhiều sông suối, ao hồ nhỏ trên địa bàn huyện đang xuống thấp khiến việc ứng phó với hạn gặp muôn vàn khó khăn”.

Dốc sức cứu lúa

Để giải cứu những cánh đồng lúa đang sống vất vưởng, ngành nông nghiệp huyện Quế Sơn cùng chính quyền xã Quế Châu đã tiến hành thi công trạm bơm điện dã chiến trên cánh đồng thôn 2B và lắp đặt gần 150m đường ống dẫn tới các kênh chính nhằm tận dụng mọi nguồn nước ngọt tưới cho 35ha lúa hè thu đang trong thời kỳ trổ đòng, tránh để xảy ra tình trạng mất mùa nghiêm trọng. Trong khi đó, tại xã Quế Xuân 2, các cơ quan có trách nhiệm cũng vừa thiết lập một máy bơm với công suất lớn để hút mực nước chết của đập dâng Hòa Mỹ đưa về tưới gần 40ha lúa trên địa bàn thôn Hòa Mỹ Tây. Theo ông Lê Hữu Châu, ngoài 2 xã nêu trên thì Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn còn bố trí thêm 5 máy bơm dã chiến ở nhiều khu vực của xã Quế Hiệp, Phú Thọ, Quế Thuận… để chống hạn cho hàng loạt diện tích lúa khác đang bị thiếu nước tưới hết sức trầm trọng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh việc khẩn trương lắp đặt hệ thống máy bơm dã chiến tại những vùng thuộc diện báo động đỏ thì các đơn vị liên quan của huyện Quế Sơn cũng đã nhanh chóng triển khai nạo vét bể hút trạm bơm thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1), trạm bơm thôn Thượng Vĩnh (xã Quế Xuân 2), trạm bơm thôn 1 (xã Quế Châu), trạm bơm thôn Đồng Tràm Tây (xã Quế Phú). Đồng thời, huy động tối đa nhân lực và phương tiện ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy 10km kênh mương các loại tại các xã Quế Thuận, Quế Hiệp… Được biết, tổng số tiền mà chính quyền huyện Quế Sơn đã và đang bỏ ra để thực hiện công tác chống hạn trong vụ sản xuất hè thu 2016 này xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Châu cho biết thêm, ngoài những biện pháp vừa nêu thì lãnh đạo UBND huyện Quế Sơn cũng thường xuyên kiểm tra và yêu cầu các hợp tác xã nông nghiệp, những đơn vị quản lý công trình thủy lợi phải tính toán, cân đối kỹ lượng nước để bơm tưới cho cây lúa một cách phù hợp nhất. Cạnh đó, phải tiếp tục khảo sát, tận dụng tối đa nguồn nước từ các sông suối, ao hồ nhỏ để bơm chống hạn. Đồng thời đôn đốc đội ngũ thủy nông viên cơ sở liên tục bám đồng, bám ruộng để điều tiết nước tưới tiết kiệm, hiệu quả theo phương pháp ướt khô xen kẽ và tưới luân phiên, ưu tiên cho những chân ruộng đã bị khô nứt nẻ, nằm ở vùng cuối kênh. Mặt khác, đẩy mạnh khâu tuyên truyền, vận động nhân dân be bờ giữ nước, không tự ý sử dụng nguồn nước theo kiểu mạnh ai nấy trổ và tiến hành ra quân nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng, ao hồ, sông suối để khơi thông dòng chảy dẫn nước về đồng cứu lúa...

HOÀI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gồng mình chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO