Những ngày cuối tuần qua, tại Bảo tàng Đà Nẵng diễn ra Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng năm 2017 - một hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy tinh hoa các làng nghề ở Quảng Nam và Đà Nẵng.
|
Liên hoan làng nghề là cơ hội để các làng nghề xứ Quảng quảng bá sản phẩm đến công chúng. |
Cơ hội tốt để quảng bá
Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng năm 2017 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 13 (23.11.2004 - 23.11.2017) cho thấy ý đồ và tâm huyết của những người làm công tác bảo tồn tại Bảo tàng Đà Nẵng. Bởi không ít làng nghề giàu truyền thống trên mảnh đất xứ Quảng nếu không có hướng điều chỉnh kịp thời sẽ chìm vào quên lãng trong tương lai không xa. Trước đó, cũng có một vài dịp triển lãm, Bảo tàng Đà Nẵng đã khéo léo kết hợp đan xen hoạt động, trưng bày của một số làng nghề và tạo được tính tương tác cao với khách tham quan cũng như người dân địa phương, nên dịp này đơn vị đã mạnh dạn tổ chức liên hoan. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Đơn vị đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho sự kiện lần này và gửi thư mời đến hầu hết làng nghề uy tín ở xứ Quảng, thu hút 13 làng nghề ở Quảng Nam và Đà Nẵng tham gia. Điều này vừa tạo sự đa dạng cho hoạt động của bảo tàng vừa giúp các làng nghề có một không gian mở để giao lưu. Rất tiếc là do ảnh hưởng nặng bởi đợt lũ lớn vừa qua nên làng nghề gốm Thanh Hà và mộc Kim Bồng của Hội An - Quảng Nam không tham dự được”.
Nghề làm lồng đèn Hội An có dấu hiệu phát triển tích cực trong những năm gần đây. |
Đại diện làng nghề nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) chia sẻ, lượng sản phẩm bán được qua sự kiện này không phải là mục đích các làng nghề hướng đến mà quan trọng là sự kết nối giữa làng nghề với người dân địa phương, du khách và cả thế hệ trẻ để dần dần các sản phẩm truyền thống tạo được lòng tin và chỗ đứng ở họ. Ngoài sản phẩm làng nghề truyền thống, liên hoan còn có sự tham gia của các loại hình nghệ thuật như múa rối cạn, biểu diễn nhạc cụ truyền thống xứ Quảng trình diễn xuyên suốt chương trình, qua đó quảng bá rộng rãi hơn những nét tinh hoa nghệ thuật truyền thống của mảnh đất Quảng Nam, Đà Nẵng đến với công chúng.
Hai nửa buồn, vui
Tham dự liên hoan, ông Nguyễn Kim Thạnh - chủ cửa hàng đèn lồng Thanh Thư (TP.Hội An) chia sẻ: “Đây là dịp tốt để chúng tôi quảng bá hình ảnh đèn lồng của cửa hiệu nói riêng và cả nghệ thuật đèn lồng Hội An nói chung. Hy vọng những liên hoan như vậy sẽ được tổ chức thường niên để các làng nghề ở xứ Quảng có được một sức bật mới trong việc tiếp cận công chúng”. Ngoài kỹ năng tinh xảo, việc được tiếp cận rộng rãi với khách du lịch đang giúp những người làm đèn lồng ở Hội An có được đà phát triển ổn định và tươi sáng hơn so với các làng nghề khác trong tỉnh. Theo chia sẻ của ông Thạnh, mỗi tháng cửa hiệu của ông bán được khoảng vài nghìn chiếc lồng đèn và nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài. Khoảng chục năm trở lại đây, nghề làm lồng đèn ở Hội An đã có những bước phát triển với nhiều tín hiệu lạc quan giúp hàng chục hộ tại đây vững tâm giữ nghề. Trong khi đó, vẫn còn khá nhiều làng nghề ở Quảng Nam gian truân tìm đường tồn tại. Có mặt tại liên hoan lần này, những người còn đeo đuổi nghề làm nón lá tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên không giấu được vẻ trầm tư cho biết, hiện nay làng nghề còn chưa đến 10 hộ làm nghề và không còn ai dưới 50 tuổi theo nghề nữa. Để làm xong một chiếc nón hoàn chỉnh phải mất hơn 8 tiếng đồng hồ, trong khi giá bán chỉ khoảng 50 nghìn đồng mà đầu ra lại eo hẹp thì mấy ai có thể tâm huyết với nghề.
Hay như với làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang), trước đây lúc tổ chức FIDR mới tiếp cận để phục hồi làng nghề dệt thổ cẩm Zara thì có đến gần 100 người dân tham gia nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 30 người. Chị Coor Eo - thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Cơ Tu Zara cho biết, mặc dù hợp tác xã vẫn nhận được đơn hàng khá đều đặn từ Hà Nội, Đà Nẵng… và cả nước ngoài nhưng không hiểu sao người dân lại thích làm ruộng hơn và không mấy tâm huyết với nghề. Ngoài ra, một điều trăn trở khác là nguyên liệu để sản xuất của đơn vị hiện nay như bông, hạt cườm… phải nhập từ đồng bằng lên chứ tại địa phương không còn canh tác, sản xuất nữa.
QUỐC TUẤN - KHÁNH LINH