GS.Đặng Huy Huỳnh với bảo tồn đa dạng sinh học

BÍCH LIÊN (thực hiện) 07/02/2020 21:02

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học (GS-TSKH) Đặng Huy Huỳnh (SN 1933) sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học nơi vùng quê nghèo thôn Trúc Hà, xã Đại Lãnh, nay là Đại Hưng, huyện Đại Lộc. Ông đã dành cả cuộc đời dấn thân vào con đường nghiên cứu  khoa học, có đóng góp rất lớn cho lĩnh vực đa dạng sinh học Việt Nam và thế giới. PV Báo Quảng Nam có dịp trò chuyện cùng giáo sư nhân dịp ông về ăn tết ở quê nhà.

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh trong một lần được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm. ảnh: Nhân vật cung cấp
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh trong một lần được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm. ảnh: Nhân vật cung cấp

* PV: Thưa giáo sư, được biết đây là năm đầu tiên sau mấy chục năm ông được đón một cái tết trọn vẹn ở quê nhà. Cảm xúc về quê hương của giáo sư ra sao?

GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Tôi rời quê từ năm 1947. Sau ngày đất nước thống nhất tới nay, tôi vẫn thỉnh thoảng về quê vào mỗi dịp tết, nhưng đón một cái tết trọn vẹn nơi quê nhà thì đây là lần đầu tiên. Tôi thật sự xúc động trước những thay đổi trên quê hương, vui mừng khi làng quê khởi sắc. Các ngôi làng vốn xơ xác, điêu tàn sau chiến tranh giờ xanh mát, đầy sức sống quá. Tết này, về đêm nhiều nơi còn có lồng đèn, có những con đường trang trí đèn điện sáng trưng, rực rỡ đủ màu. Tất cả từ sức dân, điều đó cho thấy người dân đoàn kết, đồng thuận rất cao.

GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Ông được phong hàm giáo sư (1991); được tặng Huân chương chống Mỹ hạng Hai (1983); Huân chương Lao động hạng Nhất (1997); Giải thưởng Hồ Chí Minh về tập Atlas Quốc gia (2005), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (2010); Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2010) cùng nhiều huân, huy chương và giải thưởng khác. Ông thông thạo 4 ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp, Lào. Ông có 165 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; xuất bản 15 sách chuyên khảo về động vật học, tài nguyên động vật… 

Tôi được cùng lãnh đạo huyện ghé thăm Đền Tưởng niệm Trường An, Nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện và rất xúc động trước truyền thống giáo dục văn hóa - lịch sử của huyện nhà. Đại Lộc có nhiều công trình mang tầm vóc, bề dày lịch sử, thể hiện tính sáng tạo của địa phương, ví như Đền tưởng niệm Trường An, dấu ấn của 18 xã/thị trấn đều có ở đó. Dấu ấn văn hóa còn thể hiện ở việc những bà Mẹ VNAH, những người đỗ đạt tiến sĩ đều được khắc tên trên công trình này. Tôi cũng hay nói với anh Triều (GS-TSKH.Quách Đăng Triều, quê Đại Lãnh) là chúng ta theo đuổi ngành khoa học cơ bản, là giáo sư này nọ, nhưng suy nghĩ mãi vẫn chưa biết cách gì để đóng góp cho quê hương Đại Lộc và Quảng Nam - nơi chôn nhau cắt rốn được. Mỗi người chúng tôi đều có tấm lòng nhưng chưa thể hiện thành hành động cụ thể được. Mỗi lần về Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, tôi mừng lắm. So với thời trước, sự phát triển của quê hương không chỉ 100, mà cả 1.000 lần.

* PV: Cả đời dành cho sự nghiệp khoa học bảo tồn đa dạng sinh học, giáo sư có thể chia sẻ về những thành quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà nước nhà đã đạt được?

GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh:  Việt Nam là một trong 16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao. Ta có 2.660 con sông, đường bờ biển trải dài 3.260km. Lại có 16.500 loài thực vật, có hơn 13.500 loài thực vật bậc cao, hơn 3.000 loài thực vật bậc thấp. Nếu nghiên cứu đầy đủ, nước ta có thể có hơn 20.000 loài thực vật, rất nhiều loài chúng ta chưa biết. Động vật hoang dã hơn 21.000 loài, động vật có vú hơn 320 loài, chim có hơn 1.400 loài, bò sát có hơn 450 loài, ếch nhái, lưỡng cư có hơn 350 loài. Các loài côn trùng, có lợi lẫn hại, có những côn trùng y học, nông nghiệp hơn 12.500 loài. Khoảng 90% số đó là có lợi, có thể ăn được, làm thuốc được. Cá biển, chúng ta có hơn 2.500 loài; cá nước ngọt có 1.100 loài; tôm, cua biển có hơn chục nghìn loài, rồi san hô, cỏ biển… Độ che phủ rừng của chúng ta hiện đạt hơn 41%.

Chúng ta có hệ thống 34 vườn quốc gia, 176 khu bảo tồn thiên nhiên, 58 khu bảo tồn, khu dự trữ thiên nhiên, có 14 khu bảo tồn biển, có 9 khu bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước. Ta có 2 khu di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long, Tràng An - Ninh Bình... Chúng ta xuất bản, biên soạn nhiều tài liệu làm cơ sở cho luật pháp về đa dạng sinh học. Những bộ “Động vật chí”, “Thực vật chí” và “Sách đỏ Việt Nam” của ta được đánh giá cao, được tặng thưởng, tôn vinh. Tất cả là sự kỳ công của giới khoa học, cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

* PV: Giáo sư có nhận xét gì về công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam hiện nay?

GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Quảng Nam có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với địa hình núi cao, đồi thấp, đồng bằng, đất ngập nước. Chúng ta có một vùng biển di sản thiên nhiên thế giới là Cù Lao Chàm. Quảng Nam cũng có 2 di sản văn hóa được thế giới công nhận là đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Môi trường, thiên nhiên, đa dạng sinh học, đa dạng sinh thái, các di tích đã được biết đến nhiều, là nền tảng xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa. Chúng ta có những dòng sông Thu Bồn, Vu Gia tuyệt đẹp nên cố gắng giữ.

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh trong buổi gặp mặt với Huyện ủy Đại Lộc vào đầu xuân Canh Tý 2020. Ảnh: BÍCH LIÊN
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh trong buổi gặp mặt với Huyện ủy Đại Lộc vào đầu xuân Canh Tý 2020. Ảnh: BÍCH LIÊN

Thiết nghĩ, Việt Nam, Quảng Nam cũng thế, trong phát triển công nghiệp cần chú trọng tới môi trường. Bởi môi trường là kinh tế, có sức khỏe thì mới phát triển, phát tài được, không thể phát triển nếu cơ thể cứ đau ốm mãi. Sức khỏe, đó là môi trường hiền hòa, xanh sạch đẹp, là cái ứng xử hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Tôi cũng vui là cây pơ mu - loài quý hiếm, nhiều nơi lâm tặc phá rất dữ, nhưng Tây Giang vẫn bảo vệ tốt, có 1.650 cây được trao tặng danh hiệu cây di sản. Tôi quý anh Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, một trong những người rất tâm huyết với việc bảo vệ rừng. Tôi quý anh Bríu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, người đã có những quyết sách tốt trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ di sản thiên nhiên.

* PV: Thưa giáo sư, công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay gặp những khó khăn, thách thức gì?

GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh:  Như tôi đã nói trên, nhiều doanh nghiệp, địa phương lo kinh doanh mà chưa quan tâm vấn đề môi trường, một số địa phương lo phát triển kinh tế mà còn xem nhẹ môi trường. Tình trạng săn bắn động vật hoang dã, phá rừng trái phép vẫn tiếp diễn. Nếu không kiểm soát chặt thì những năm sau này nhiều loài động vật quý hiếm sẽ không còn. Việt Nam đã có ít nhất 9 loài tuyệt chủng do nạn săn bắn. Tê giác 1 sừng, 2 sừng trước kia ta có rất nhiều nhưng đã bị tuyệt chủng và con cuối cùng bị bắn chết ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Nhiều nguồn gen quý cũng bị mất, nếu còn được nguồn gen quý sẽ có thể lai tạo ra nhiều loài quý và mới.

Cơ chế thị trường, biến đổi khí hậu hiện rất khó lường, nếu thiếu chính sách bền vững, cộng đồng không tham gia hưởng ứng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách phát triển kinh tế. Cần cân đối 3 mục tiêu kinh tế - xã hội và môi trường. Tôi rất vui mừng khi gần đây Đảng, Nhà nước chủ trương “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Hy vọng, đây sẽ là động lực lớn cho sự phát triển. Phát triển kinh tế xanh, sống xanh, tiêu dùng xanh, học tập xanh và hy vọng rằng chúng ta sẽ làm được điều đấy.

* PV: Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi được vinh danh “Anh hùng đa dạng sinh học” ASEAN?  

GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh: Tôi rất vinh dự khi giữa hội trường quốc tế rộng lớn, hình ảnh quốc kỳ Việt Nam rất trang trọng. Tôi được phát biểu trước hội trường, trước các thủ tướng/tổng thống và những “anh hùng” các nước 3 phút bằng tiếng Anh. Tôi nghĩ, đây là niềm vinh dự của nước Việt Nam, của người Việt Nam và của giới khoa học Việt Nam chứ chẳng phải chỉ của riêng tôi.

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
GS.Đặng Huy Huỳnh với bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO