Tháng 12 âm lịch hay còn gọi tháng chạp (lạp nguyệt), tháng tế chạp, là khoảng thời gian cuối năm mà mọi người thường tưởng niệm tổ tiên và chuẩn bị các công việc hương khói. Nhưng trong cuộc sống, có những người mà gia đình không có người sau thờ tự, cúng quảy. Họ phải gửi giỗ ở làng.Hiện tượng gửi giỗ là một phần của phong tục tập quán bầu Hậu hay lập Hậu đã diễn ra hầu khắp ở miền Bắc, nhất là vùng châu thổ Bắc bộ trong xã hội xưa. Riêng về nguồn tư liệu văn bia, có nhiều văn bản đã đề cập vấn đề này với những tiêu đề Kí kị bi, Hậu Phật bi, Hậu Phật bi kí, Hậu kị bi kí… Và, chuyện này được bàn sâu trong công trình Một số vấn đề văn bia Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh. Ông nêu ra 2 lý do cho tục này: “Thứ nhất, là có người vì lý do nào đó (như muốn để phúc cho cha mẹ, không có con nối dõi, muốn làm điều thiện), nên đã tự nguyện ủng hộ cho làng tiền của, ruộng vườn để làm của gửi giỗ vào cửa thần cửa Phật, nên được dân làng bầu Hậu và cúng giỗ lâu dài. Thứ hai, là làng xã cần tiền của để sửa chữa di tích (chùa, đình, đền, miếu...), làm đường sá, đóng tiền phu phen, hoặc gặp khi làng xã khó khăn; thì người nào đó tự nguyện giúp đỡ làng xã để giải quyết khó khăn và được dân làng bầu làm Hậu và cúng giỗ lâu dài”. Song tập tục này ở Quảng Nam - Đà Nẵng không phổ biến như các địa phương ở vùng văn hóa Bắc bộ. Các đình hay chùa ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có lập bài vị hoặc bày gian thờ đối với những đối tượng có công với di tích tín ngưỡng đó hay địa phương đó và những người gửi giỗ. Ví dụ Tụy Tiên đường Minh Hương (Hội An) ngoài thờ chính là Thập đại lão, Lục tính, Tam gia, Hương quan - Hương lão - Hương trưởng, còn thờ bài vị sư Huệ Hồng - người cúng đất của chùa để mở rộng làng Minh Hương, bà họ Ngô - người bỏ tiền mua thêm đất xây dựng đình Minh Hương. Đình An Hải ngoài thờ Thành hoàng, còn thờ Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc kiêm quản Hà Tiên trấn Biên vụ Nguyễn Văn Thoại - người đã công đức rất nhiều tiền của xây dựng đình chùa miếu vũ trên quê hương bản quán. Ở Quảng Nam có rất nhiều văn bia ghi chuyện người dân đã công đức cho làng xã ở nhiều lĩnh vực khác nhau với số lượng tiền của rất lớn nhưng lại không hề thấy có “quyền lợi” hay “đòi quyền lợi”, “được bầu quyền lợi”. Thậm chí các di tích tín ngưỡng có thờ phối hoặc kí tự như nói ở trên, nhưng lại hiếm thấy trên văn bia có nội dung ghi rõ việc bầu Hậu, giỗ Hậu, gửi giỗ như trong văn bia miền Bắc với văn tự “viết cam kết rõ ràng”.Về làng. Ảnh: NGUYỄN HÀChúng tôi tìm thấy một trường hợp gửi giỗ qua tấm bia chữ Hán của địa phương. Tấm bia gửi giỗ ở Đại Lộc được lập vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), diện tích 40 x 90 cm, gồm 8 dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 100 chữ, không có hoa văn. Tấm bia ghi như sau: “Bà Lương Thị Việt ở Đông Hoa Đông châu, tổng Đại An, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn cúng căn nhà rường 3 gian 2 chái để thờ cúng tiền hiền, cúng 5 sào đất tại xứ Ghềnh Dồng thuộc Đồng Ninh, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên để cúng giỗ cho chồng là Hương lão Võ Văn Quỳ; cúng 5 sào đất tại xứ Ghềnh Dồng thuộc Đồng Ninh, tổng Phú Mỹ huyện, Duy Xuyên để cúng giỗ cho con là Hương thủ Võ Văn Hóa; cúng 6 sào đất tại làng để tảo mộ, cúng 4 sào để gửi giỗ bản thân” và thêm lời đề nghị “cam kết” hương khói “trường lưu bách đại”. Nội dung này cho thấy 2 vấn đề: (1) bà Lương Thị Việt có lẽ không có ai nối dõi cho nên phải gửi giỗ cho cả chồng, con và bản thân mình; (2) tài sản cúng cho làng để cúng giỗ cho mỗi đối tượng cũng khác nhau và có sự tính toán chu đáo: hiến cúng căn nhà rường có sẵn để thờ tự tiền hiền (và sẽ thờ tự cả gia đình bà), hiến cúng cho chồng và con trai là 5 sào, hiến cúng cho bản thân mình 4 sào, cho thấy kinh phí giỗ phân biệt rõ giữa nam giới và nữ giới.Xét cho cùng, gửi giỗ là một hiện tượng xã hội hết sức nhân văn của người Việt, nhằm an ủy tinh thần cho những người gặp phải tình cảnh không còn ai nối dõi tông đường.HƯƠNG THU