Gừng càng già càng cay

BẢO ANH 04/07/2021 06:28

Cùng với việc truyền dẫn đam mê, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trẻ sáng tác và từng bước chiếm lĩnh diễn đàn văn nghệ, nhiều văn nghệ sĩ cao tuổi của tỉnh vẫn không ngừng sáng tạo, tiếp tục góp phần làm cho đời sống văn nghệ địa phương thêm sôi động, phong phú...

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm giới thiệu sách về nhà văn Chu Cẩm Phong - một trong những công trình ông tham gia biên soạn. Ảnh: B.A
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm giới thiệu sách về nhà văn Chu Cẩm Phong - một trong những công trình ông tham gia biên soạn. Ảnh: B.A

Không có tuổi hưu

Hơn 10 năm kể từ khi nghỉ hưu đến nay, nhà văn Nguyễn Bá Thâm vẫn giữ thói quen mỗi tháng đôi ba lần chạy xe máy đi thăm bạn bè văn nghệ hoặc tìm về các vùng quê xứ Quảng - nơi một thời tuổi trẻ ông từng sống và chiến đấu.

Ngoài chuyện văn chương, ông còn thường kể chuyện kháng chiến, giúp một số bạn văn chuyên sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng kiểm tra, hiệu đính tư liệu. Ngoài ra, ông cũng đã rất nhiều lần cùng nhà văn Hồ Duy Lệ tìm về các địa chỉ đỏ, tập hợp tư liệu, bài viết để làm sách về các vùng quê cách mạng, về những người đồng chí, đồng nghiệp của mình đã hy sinh trong chiến tranh.

Trong khi đó, số lượt đi của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ không nhiều, song mỗi chuyến rời nhà của ông kể từ khi nghỉ hưu lại thường kéo dài... vài tháng, thậm chí có khi tới nửa năm. Một hộp bút chì, vài chiếc giá vẽ mi ni, ông “đóng đô” tại các di tích Chăm như Mỹ Sơn, Bằng An, Khương Mỹ, Chiên Đàn... để vẽ khảo tả hoa văn.

Nhìn cảnh ông treo mình trên các ngọn tháp cao chót vót bất kể nắng mưa, lần gỡ từng thớ rêu để vẽ, ít ai nghĩ người họa sĩ này đã bước qua tuổi 65. Vậy mà, sau mỗi đợt khảo tả, thám sát ở các cụm tháp, thay vì nghỉ lấy sức, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ lại lặn lội đến Lý Sơn (Quảng Ngãi) hoặc Lộc Yên (Tiên Phước) và lại ăn dầm nằm dề ở đấy để vẽ khảo tả nhà cổ.

Ông chia sẻ: “Nghề của tui làm chi có tuổi hưu. Mà đúng ra là, được nghỉ hưu theo chế độ rồi mới có thời gian để sống hết mình với đam mê như thế này...”.

Thủy chung, gắn bó với nghề như là nghiệp dĩ, nhiều văn nghệ sĩ khác của đất Quảng cũng đã tận hiến tài năng, sức lực cho hoạt động VHNT bất kể tuổi tác. Gần 70 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích ngoài việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội VHNT tỉnh còn tham gia hoặc chủ trì dàn dựng hầu hết chương trình nghệ thuật hoành tráng của tỉnh và của các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Nhà thơ Đinh Mướk những năm sau này ít sáng tác hơn nhưng ông luôn có mặt trong nhiều hoạt động của hội và nhất là của Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số - miền núi. Các nghệ sĩ sân khấu như Trần Thanh Việt, Huỳnh Nhật Lệ... sau khi nghỉ hưu vẫn thường xuyên tham gia tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, bồi dưỡng diễn viên trẻ cho Đoàn Ca kịch tỉnh và Chi hội Sân khấu Quảng Nam...

Gừng càng già càng cay

Trong số các hội viên cao tuổi của Chi hội Văn học, nhà văn Hồ Duy Lệ là một trong những người mà ai cũng phải “kính nể” vì sức đi, sức viết. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, cứ đều đặn mỗi năm ông lại xuất bản ít nhất một đầu sách và toàn là những cuốn đầy đặn, đồ sộ. Trong số đó, đầu năm 2020, tập ký sử “Trụ lại” của ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải đặc biệt...

“Sánh vai” cùng nhà văn Hồ Duy Lệ là nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, với lượng sách phát hành bình quân mỗi năm một cuốn, chưa kể nhiều bản thảo đang chờ in. Các nhà văn, nhà thơ Lê Trâm, Nguyễn Tấn Sĩ, Phạm Thông, Nguyễn Giúp, Nguyễn Hải Triều, Ngô Hà Phương, Mai Thanh Vinh, Nguyễn Phương Dung... cũng là những người nằm trong top đầu về cường độ sáng tác.

Còn ở Chi hội Âm nhạc, ngoài nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích, nhạc sĩ Phan Văn Minh cũng là người có những năm tháng nghỉ hưu hết sức “bận rộn”. Mỗi năm nhạc sĩ Phan Văn Minh cho ra đời 2 - 3 ca khúc là chuyện bình thường. Và cũng từ ngày nghỉ hưu, nhạc sĩ Phan Văn Minh giành được giải thưởng của các cuộc thi âm nhạc.

Ví như, giải B (không có giải A) Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải B, C và A Liên hoan âm nhạc khu vực các năm 2014, 2016 và 2018; giải nhì Cuộc thi sáng tác ca khúc về tình hữu nghị Việt - Lào; giải ba Cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng 2018... “Sức bền” ở nhạc sĩ Phan Văn Minh không chỉ thể hiện trong âm nhạc mà còn cả trong văn chương, khi ông xuất bản một tập tiểu luận và một tập truyện ngắn.

Được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh khi đã ngoài 50 tuổi, những tưởng nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vấn chỉ đứng vào cho “đẹp đội hình”. Không ngờ, ông đã cho thấy mình là một người có năng lực sáng tạo dồi dào, nhất là sau khi bước sang tuổi 60.

Ông thường xuyên có mặt trong các chuyến đi thực tế sáng tác dài ngày của chi hội; hầu như năm nào cũng có tác phẩm lọt vào chung khảo tại các cuộc thi, liên hoan ảnh cấp khu vực, cấp ngành, quốc gia và giành được nhiều giải cao. Trong đó, có thể kể như giải C Triển lãm “Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới (1986 - 2016)” và huy chương bạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2017...

Cùng với Lê Vấn, có thể kể thêm một số nghệ sĩ nhiếp ảnh cao tuổi khác nhưng vẫn gắn bó với nghề và sáng tác bền bỉ, như Dương Phú Tâm, Huỳnh Châu, Huỳnh Bá Khoa...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gừng càng già càng cay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO