Cùng với sự giúp sức của Trường Quân sự Quân khu 5 (TP.Đà Nẵng), gươl truyền thống của làng Tu Ngung (xã Arooih, huyện Đông Giang) vừa được phục hồi trong niềm vui xuân mới của đồng bào.
Gươl làng Tu Ngung - không gian vui tết cho đồng bào bản địa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Giữ nét đẹp của làng
Cuối năm, nhân chuyến công tác miền núi, chúng tôi đến thăm gươl mới của làng Tu Ngung. Bên trong gươl, những bảng thành tích của làng được treo trang trọng, vài thanh niên đang cùng nhau dọn dẹp để chuẩn bị cho cuộc họp làng. Anh Arất Chíp - Bí thư Chi đoàn Tu Ngung cho biết, kể từ ngày gươl được dựng lên, đồng bào Tu Ngung ai cũng phấn khởi. “Mỗi ngày, nếu không bận công việc gia đình, đồng bào đều đến gươl vui chơi, sinh hoạt, cùng nhau gìn giữ gươl - nét đẹp chung của làng” - Chíp chia sẻ.
Là đơn vị kết nghĩa với xã Arooih, nhiều năm qua Trường Quân sự Quân khu 5 đã có nhiều hoạt động giúp đồng bào trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Đến nay, đơn vị đã tài trợ xây dựng 2 nhà tình nghĩa với tổng trị giá 140 triệu đồng; tặng 11 sổ tiết kiệm (tổng giá trị 18 triệu đồng) cho các đối tượng chính sách; hỗ trợ 7 con bò giống cho đồng bào nghèo (tổng giá trị 70 triệu đồng)… |
Cũng như nhiều làng bản khác của đồng bào Cơ Tu, trước đây Tu Ngung cũng có gươl truyền thống được dựng ngay trung tâm của làng. Năm 2013, sau thời gian sử dụng, gươl làng Tu Ngung hư hỏng nặng, buộc phải tháo dỡ. Không có kinh phí đầu tư tu sửa, đồng bào Tu Ngung đành chấp nhận “vắng gươl” trong đời sống sinh hoạt. Ông Arâl Xanh - Trưởng thôn Tu Ngung cho biết, năm 2014 từ số tiền hỗ trợ hơn 160 triệu đồng của Trường Quân sự Quân khu 5 (đơn vị kết nghĩa với địa phương), đồng bào Cơ Tu ở làng Tu Ngung đã cùng nhau chung sức khôi phục gươl, gìn giữ bản sắc truyền thống. Chỉ hơn 3 tháng, gươl làng Tu Ngung được hoàn thành với quy mô lớn nhất xã. Chủ trương dựng gươl mới đã được đồng bào hưởng ứng, nhất là các hộ Hôih Bình và Arất Đất tình nguyện dỡ bỏ nhà để nhường đất dựng gươl. Tấm lòng vì “cái chung” của dân làng Tu Ngung không còn là câu chuyện mới mẻ đối với đồng bào địa phương, nhất là kể từ sau làng Tu Ngung hiến hàng nghìn mét vuông đất để làng A Điêu làm nơi lập làng (Báo Quảng Nam ngày 29.9.2014 đã có bài phản ánh).
Ngày khánh thành gươl mới, đồng bào Tu Ngung còn tình nguyện đóng góp tiền của mua một con trâu với giá hơn 30 triệu đồng để tổ chức ngày hội làng, thu hút sự tham gia của người dân các làng lân cận. Hôih Bánh Xe - một người dân trong làng hồ hởi nói: “Lâu lắm rồi dân làng mình mới có ngày hội vui như thế. Ngoài công sức của dân làng, gươl Tu Ngung được dựng mới cũng nhờ có sự hỗ trợ của Trường Quân sự Quân khu 5. Bởi thế, đồng bào mình gọi đây là gươl của nghĩa tình, thấy cũng đúng”.
Không gian ngày tết
“Việc Trường Quân sự Quân khu 5 hỗ trợ giúp đồng bào Tu Ngung dựng gươl truyền thống có ý nghĩa rất lớn trong công tác kết nghĩa. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần vì an sinh xã hội mà còn góp phần giúp đồng bào gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, từng bước đẩy mạnh công cuộc đổi mới ở miền núi theo chương trình mục tiêu nông thôn mới”. (Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Ating Thị Tươi) |
Già làng Arâl Vôr cho hay, trước đây khi gươl cũ hư hỏng không thể sử dụng được, đồng bào ai cũng buồn. Đón Tết Nguyên đán năm ngoái, do gươl không còn, dân làng đành phải tự túc ăn tết tại nhà mình, không khí vui xuân vì thế cũng không được như mấy năm trước. “Bây giờ dân làng không còn tâm trạng đó nữa. Có gươl mới rồi, tết năm nay chắc chắn sẽ vui hơn nhiều” - già Vôr bộc bạch. Cũng theo già Vôr, Tết Nguyên đán được đồng bào Cơ Tu chia thành 3 “ngày ăn” cụ thể. Mồng Một - ăn tết chung tại gươl, mồng Hai - tết tộc họ, mồng Ba - tết của gia đình. Bởi vậy, làng nào không có gươl đồng nghĩa với việc làng đó không có tết chung. Truyền thống đã giúp đồng bào Cơ Tu trân trọng hơn nét văn hóa của dân tộc mình nên càng quyết tâm cùng nhau gìn giữ.
Làng Tu Ngung, kể từ khi có gươl mới trở nên rộn ràng hơn. Thanh niên, sau mỗi ngày làm mệt nhọc lại quây quần bên bếp lửa gươl sưởi ấm, cùng nhau ca hát. Làng Tu Ngung trong những ngày cận tết càng vui nhộn như ngày hội. Theo ông Hôih Bảy - Chủ tịch UBND xã Arooih, những năm qua chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ và khuyến khích các thôn trên địa bàn xã khôi phục gươl truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và từng bước xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Ngoài Tu Ngung, hiện các thôn còn lại cũng đã có gươl làng, vừa tạo không gian cho đồng bào có nơi sinh hoạt, vừa giữ nếp văn hóa làng trước nguy cơ mai một.
ALĂNG NGƯỚC
|