Không chấp nhận với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, chị Alăng Bạch ở thôn Công Dồn, xã Zuôih (Nam Giang) đã mạnh dạn vay vốn để mở tiệm tạp hóa, vừa phục vụ nhu cầu mua sắm của đồng bào địa phương, vừa giúp phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ việc mở tiệm tạp hóa kết hợp mua bán nông sản đã giúp chị Bạch thoát nghèo. Ảnh: Đ.N |
Gần 2 năm, kể từ khi tiệm tạp hóa Bé Diễm Châu của chị Bạch được mở bán, đã thu hút rất đông người dân địa phương tìm đến mua sắm nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống. Thành công bước đầu từ việc kinh doanh nhỏ lẻ đã tạo động lực giúp chị Bạch mở rộng thêm loại hình mới, thông qua việc chế biến các món ẩm thực từ nông sản địa phương. Quê ở tận xã Lăng (Tây Giang), năm 2011 chị Bạch theo chồng về sinh sống tại Công Dồn. Ngày đó, gia đình chồng cũng thuộc diện nghèo khó nhất xã. Nhà có tới 6 miệng ăn, nhưng quanh năm suốt tháng chỉ biết dựa vào mảnh đất rẫy, dù làm lụng cực nhọc nhưng vẫn không đủ ăn. Không chấp nhận với cảnh đói nghèo, năm 2017, chị Bạch mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội LHPN xã mua 2 con bò sinh sản và mở tiệm tạp hóa nhỏ để tìm sinh kế.
Nhờ bản tính siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi, chỉ sau hơn 2 năm, đàn bò của chị đã tăng lên 4 con; tiệm tạp hóa từ lúc chỉ bán vài gói mì tôm, vài hộp trứng nay đã phát triển thêm nhiều mặt hàng thiết yếu khác, như bánh kẹo các loại, nước mía, bánh mì, bánh ram, chuối chiên, nước giải khát... Bên cạnh đó, chị Bạch còn thu mua nông sản của bà con trong vùng để làm đầu mối xuất bán cho các thương lái ở dưới xuôi, mở rộng phát triển kinh tế. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chị Bạch đã dần được cải thiện, trở thành gương sáng cộng đồng vùng cao địa phương.
Chị Bạch cho hay, lúc đầu, do nguồn vốn khó khăn nên mình chỉ dám mở tiệm tạp hóa nhỏ và nuôi vài con gà để thử nghiệm. Lấy ngắn nuôi dài, tiết kiệm dành dụm rồi phát triển thêm từng bước. Sau vài năm, khi cuộc sống đã dần ổn định, có chút của ăn của để, mình lại tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh, xây thêm mặt bằng để vừa bán cà phê, nước giải khát, vừa thu mua các mặt hàng nông sản của người dân địa phương.
Thành công của chị Bạch cũng đã tạo động lực khuyến khích nhiều hộ đồng bào khó khăn ở Công Dồn học tập phát triển kinh tế gia đình. Chị Bh’ling Thị Bưu - người dân ở Công Dồn chia sẻ, mặc dù mới về làm dâu, nhưng chị Bạch đã khá mạnh dạn trong việc tìm hướng phát triển kinh tế theo mô hình mới. Bởi lâu nay ở địa phương chưa ai nghĩ đến việc mở bán tạp hóa, vì sợ nhiều rủi ro. “Bây giờ, thấy chị Bạch làm được, nên tôi và nhiều bà con khác cũng mạnh dạn vay vốn 5 - 10 triệu đồng để phát triển kinh tế. Chị Bạch cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình giúp bà con cùng học tập và tìm hướng thoát nghèo” - chị Bưu cho biết thêm.
Bà Alăng Thị Lý - Chủ tịch Hội LHPN xã Zuôih đánh giá, không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, chị Bạch còn là hội viên phụ nữ năng nổ, tích cực và có nhiều đóng góp trong các phong trào cộng đồng tại địa phương. “Từ một hộ nghèo khó nhất xã, nhờ bản tính dám nghĩ, dám làm, siêng năng chịu khó, chị Bạch đã vươn lên thoát nghèo bền vững và giúp đỡ nhiều hộ nghèo khác tại địa phương vượt khó vươn lên trong cuộc sống” - bà Lý nói.
ĐĂNG NGUYÊN