Mỗi người một công việc, nhưng họ - những thanh niên Cơ Tu, đã cùng nhau góp công sức cho cộng đồng làng bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực và trở thành gương sáng cho đồng bào vùng cao Nam Giang.
Bríu Thương (bên phải) thi trình diễn trang phục truyền thống tại ngày hội văn hóa huyện Nam Giang năm 2015. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Người quảng bá văn hóa Cơ Tu
Sau những việc làm của bản thân cho hành trình quảng bá văn hóa Cơ Tu đến với bạn bè khắp mọi miền đất nước, Bríu Thương (29 tuổi, ở thôn Pà Xua, xã Ta Bhing, Nam Giang) được nhiều người đặt cho cái tên trìu mến: Người quảng bá văn hóa Cơ Tu. Thương là thành viên của tổ chức Cứu trợ Phát triển Quốc tế (FIDR) đứng chân tại huyện miền núi Nam Giang, làm nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và quảng bá văn hóa Cơ Tu đến với du khách. Thương chia sẻ, năm 2011, khi “Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu” được tổ chức FIDR triển khai thực hiện tại địa phương, anh may mắn được tuyển dụng và trở thành nhân viên “đứng cánh” ở Nam Giang. Từ đó, anh gắn bó với công tác quảng bá, giới thiệu văn hóa Cơ Tu đến với du khách tại làng, cũng như trong các dịp tổ chức sự kiện của địa phương. “Bên cạnh giúp các cán bộ, nhân viên tổ chức FIDR khảo sát, tìm hiểu cuộc sống cũng như văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu tại địa phương, mình còn tích cực kết nối, làm vai trò phiên dịch tiếng Cơ Tu mỗi khi có đoàn du khách đến tham quan tại làng. Qua đó, mình muốn góp phần quảng bá nét văn hóa của đồng bào mình đến với du khách, giúp họ hiểu hơn về phong tục truyền thống, cũng như những kiến trúc độc đáo của người Cơ Tu” - Thương tâm sự.
Tại hầu hết sự kiện văn hóa diễn ra tại địa phương, Thương và một vài người “có chung sở thích” đều luôn có mặt. Như các đợt lễ hội ẩm thực truyền thống hàng năm được tổ chức tại Nam Giang, Thương vừa làm nhiệm vụ hướng dẫn đoàn du khách, vừa giới thiệu về không gian trưng bày sản phẩm và kiêm luôn phiên dịch viên tiếng đồng bào mình. Thậm chí, có lúc lại thấy anh đảm nhận vai trò “người mẫu”, xúng xính trong trang phục truyền thống, cùng biểu diễn trên sân khấu ở các cuộc thi trình diễn trang phục truyền thống do địa phương tổ chức. Chính sự năng động và yêu nghề đã giúp Thương góp thêm công sức hoàn thành nhiều dự án cộng đồng tại vùng cao, tạo cơ hội quảng bá văn hóa Cơ Tu đến với du khách trong và ngoài nước. Mới đây nhất, tại “Đêm văn hóa Cơ Tu” được tổ chức ở phố cổ Hội An, Thương cùng 30 nghệ sĩ dân gian Cơ Tu đến từ huyện Nam Giang đã “khuấy động” không gian của đô thị cổ bằng vũ điệu tâng tung - da dá kết hợp nhịp điệu văn hóa cồng chiêng, khiến nhiều du khách và người dân thích thú, ấn tượng. “Được tham gia nhiều sự kiện văn hóa đã giúp mình tự tin và có thêm nhiều kiến thức trong việc giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào mình cho du khách. Cạnh đó, mình cũng sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền đồng bào tạo ra thêm nhiều sản phẩm độc đáo để làm du lịch, từ đó có thêm nguồn thu nhập, giúp nâng cao đời sống” - Thương bộc bạch.
Tấm gương vượt khó thoát nghèo
Đó là anh Bríu Chéo, 24 tuổi, cũng ở thôn Pà Xua (xã Ta Bhing), một điển hình tiêu biểu của địa phương trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thông qua mô hình chăn nuôi gà, vịt, chim cút, ba ba… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Chéo cho hay, trước đây do điều kiện kinh tế khó khăn, dân trí còn hạn chế nên anh và bà con dân bản đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thoát nghèo, từ các dự án của Chính phủ hỗ trợ cho đồng bào miền núi. Không cam chịu trước đói nghèo, năm 2014, Chéo mạnh dạn vay mượn người thân, bạn bè để đầu tư phát triển kinh tế, ban đầu là công việc chăn nuôi gà, vịt và chim cút. Gần một năm sau, Chéo thất bại, do thiếu kiến thức lẫn sự kiên trì. Quyết tâm không bỏ cuộc, Chéo lại tiếp tục vay vốn để chăn nuôi. Rút kinh nghiệm cho lần nuôi trước, hàng ngày Chéo tranh thủ học tập nâng cao kiến thức chăn nuôi từ sách báo, ti vi và đăng ký tham gia các lớp tập huấn được chính quyền địa phương tổ chức để áp dụng cho mô hình của mình. Cuối cùng, Chéo cũng thành công. “Hồi đó, mình nghĩ đã bỏ vốn đầu tư rồi, không tiếp tục làm thì lấy tiền đâu mà trả nợ. Với lại, mình thất bại lúc đầu là do mình chưa có kinh nghiệm, chưa có kiến thức trong chăn nuôi. Bây giờ, từ hiệu quả ban đầu, mình tiếp tục đầu tư nuôi thêm kỳ nhông, ba ba để mở rộng mô hình phát triển kinh tế” - Chéo chia sẻ.
Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - anh Bớt Xớp đánh giá rất cao mô hình chăn nuôi của Bríu Chéo. Đồng thời cho hay, từ thành công của Chéo đã khuyến khích nhiều hộ thanh niên Cơ Tu khác trên địa bàn huyện cùng học tập kinh nghiệm, nỗ lực làm giàu bằng các sáng tạo cá nhân, thông qua các mô hình kinh tế hiệu quả, với thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Vì thế, câu chuyện vượt khó của anh Chéo luôn được chính quyền địa phương, nhất là các cấp hội đoàn thể tuyên truyền như một tấm gương sáng để nhiều người cùng học tập và làm theo. “Từ hộ khó khăn, bây giờ Bríu Chéo trở thành một trong những thanh niên có kinh tế gia đình ổn định, góp phần đổi mới tư duy làm ăn trong thanh niên địa phương miền núi trong những năm gần đây. Hiện mô hình chăn nuôi chuồng trại kết hợp với phát triển rừng đang tiếp tục được nhân rộng trong thanh niên trên địa bàn huyện, nhằm tạo cơ hội giúp các hộ dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” - anh Bớt Xớp nói.
ALĂNG NGƯỚC