Hạ tầng giao thông: Điểm sáng giao thông nông thôn

Thực hiện chuyên đề: TRẦN CÔNG TÚ 19/10/2013 11:00

Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn (GTNT) tiếp tục “đồng hành” với người dân trong triển khai “tam nông”.

Đồng thuận

Cách đây khoảng 15 năm, Quảng Nam có hơn 6.900km là đường GTNT, chiếm hơn 73% so với tổng chiều dài các tuyến đường bộ. Song, mặt đường chủ yếu là đất, cát lưu thông rất khó khăn, nắng bụi - mưa lầy gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Xác định cần phải tạo bước đột phá về phát triển GTNT, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan. Quyết định số 19 về Quy chế quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và GTNT ra đời phù hợp với tình hình nên phong trào phát triển GTNT lan rộng, được đông đảo nhân dân hưởng ứng và đóng góp sức người, sức của tham gia thực hiện. Vì vậy, giai đoạn 2001 - 2009, toàn tỉnh đã kiên cố mặt đường được 2.765,5km (chiếm 41% so với tổng chiều dài thực tế). Kinh phí thực hiện là 763,6 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hỗ trợ 235,4 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện và nhân dân đóng góp.

Người dân hăng hái tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân hăng hái tham gia làm đường giao thông nông thôn.

 Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII ban hành Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND về phát triển GTNT (giai đoạn 2010 - 2015) với mục tiêu đến năm 2015 có 66% đường GTNT được kiên cố hóa, đảm bảo đi lại thuận lợi. Chủ trương chung đã thống nhất, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29 về Quy chế tài chính và quản lý xây dựng đường GTNT. “Phong trào tiếp tục được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Tiến độ thi công các công trình đều đảm kế hoạch hàng năm, hoàn thành trước khi bước vào mưa bão. Bê tông hóa GTNT được đầu tư và giám sát, quản lý chặt chẽ bởi các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Bà con ý thức tốt hơn nên hạn chế hiện tượng cắt xén vật tư, nguyên liệu như đã tồn tại ở giai đoạn trước đây, nhờ vậy chất lượng công trình đảm bảo” - ông Võ Công Phúc, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GTVT) nói.

Khắc phục khó khăn về huy động vốn, giai đoạn từ 2010 - 2013, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được hơn 1.020km mặt đường với bề rộng phổ biến từ 3 - 3,5m, phù hợp tiêu chuẩn của tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) theo Quyết định số 315/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đánh giá, các địa phương đã tổ chức thực hiện phát triển GTNT đạt mục tiêu đề ra. Việc triển khai đúng vào thời điểm Quảng Nam tổ chức cuộc vận động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nên gặp thuận lợi. Ở vùng đồng bằng, người dân sẵn sàng đóng góp vượt mức từ 2 - 3 lần so với tỷ lệ yêu cầu. Mặt đường GTNT được kiên cố hóa góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Điểm sáng

Có thời kỳ, các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên là nơi đi đầu trong phong trào phát triển GTNT của tỉnh, trở thành điển hình tiên tiến cho nhiều địa phương khác học tập. Khắp nơi, đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông xi măng. Gần đây, các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Núi Thành, Tiên Phước cũng là những địa phương đi đầu trong phong trào này. Ngoài việc được bố trí nguồn vốn cao hơn, các địa phương đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Đặc biệt, bài học về phát huy vai trò làm chủ của người dân từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thi công đến khâu quản lý, bảo trì theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý, sử dụng” thật sự hiệu quả. Huyện Núi Thành đã triển khai xong 81,65km đường GTNT chỉ trong 3 năm, đạt 65,4% kế hoạch theo đề án giai đoạn 2010 - 2015. Tại Tiên Phước, địa phương hoàn thành 140km đường GTNT qua 3 năm. Các tuyến đường đều được cắm mốc lộ giới, biển báo tải trọng và bàn giao cho chính quyền cấp xã, nhân dân trong khu vực quản lý, bảo trì.

Theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, việc điều hành, quản lý, hỗ trợ kinh phí cho phát triển GTNT đảm bảo minh bạch, rõ ràng, có tiêu chí cụ thể. Hàng năm, huyện đều tổ chức sơ kết, giao ban để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc, tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời nhằm phát huy nhân tố tích cực, khắc phục tồn tại, yếu kém. “Khát đường”, bà con hăng hái góp công sức, hiến đất xây dựng nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xóm. Trong 3 năm, Thăng Bình kiên cố hóa được 283 công trình, tổng chiều dài lên đến 152,4/240km (đạt 63,5% kế hoạch). Tổng kinh phí thực hiện hơn 82 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 31,4 tỷ đồng, ngân sách huyện đối ứng gần 12,3 tỷ đồng, còn lại ngân sách xã và đóng góp của nhân dân. Cũng theo ông Ngữ, việc cung ứng xi măng do Phòng Tài chính kế hoạch huyện cung cấp cho các địa phương, nhân dân thi công mặt đường bê tông xi măng bằng máy trộn, Ban chỉ đạo và Tổ công tác đường GTNT huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho địa phương nên chất lượng công trình ngày càng đảm bảo.

Thực hiện chuyên đề: TRẦN CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạ tầng giao thông: Điểm sáng giao thông nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO