Hai cha con là anh hùng

HỒNG VÂN 02/09/2018 02:26

Về xã Tam Hải (Núi Thành), hỏi gia đình liệt sĩ Hồ Truyền rất nhiều người biết bởi đây là một gia đình có truyền thống cách mạng. Đặc biệt hơn nữa khi cả cha và con gái đều là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).

Anh hùng LLVTND Hồ Thị Kim Thanh bên các bằng khen do bà Nguyễn Thị Định ký thời chiến tranh. Ảnh: H.V
Anh hùng LLVTND Hồ Thị Kim Thanh bên các bằng khen do bà Nguyễn Thị Định ký thời chiến tranh. Ảnh: H.V

Theo bước chân cha

Ở tuổi 75, bà Hồ Thị Kim Thanh, người vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong năm 2018 vẫn sống khỏe với cái dạ dày chỉ còn 1/4. Vốn can trường từ những ngày ấu thơ nên dù bị ung thư, bà luôn lạc quan, giọng nói cứ hừng hực như thuở nào. Từng làm Hội trưởng phụ nữ tỉnh Quảng Nam, bí thư Thị ủy Tam Kỳ rồi Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng cuộc sống của bà ở số nhà 58 Lê Duẩn, Đà Nẵng thật giản dị. Theo lời nữ anh hùng thì tài sản lớn nhất của bà hiện nay là niềm tự hào về gia đình. Khẽ khàng tìm trong album tấm ảnh đã ố vàng chụp hơn 50 trước, giọng bà nghèn nghẹn: “Đây là ba, hai em Lâm, Sơn và tôi. Kỷ niệm bốn cha con ngày đoàn tụ trên núi trước khi ba hy sinh”. Là chị cả của 4 em nhỏ, bà là người gắn bó với cha mình nhiều nhất. Ông Bảy Truyền sau Cách mạng tháng Tám đã là Chủ nhiệm Việt Minh xã rồi Đoàn trưởng đoàn dân công hỏa tuyến của tỉnh Quảng Nam.

Bà Hồ Thị Kim Thanh (ngoài cùng bên trái) và hai em chụp ảnh cùng cha năm 1963. (Ảnh chụp lại).
Bà Hồ Thị Kim Thanh (ngoài cùng bên trái) và hai em chụp ảnh cùng cha năm 1963. (Ảnh chụp lại).

Trước hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được cử ra Bắc học tập nhưng rồi bí mật vào hoạt động ở Bình Định, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở nhà lao Hội An. Không tìm được tang chứng, địch thả ông ra và sau đó khi điều tra, chúng tức tối khi biết rằng đã thả nhầm một Việt Cộng gộc. Hàng ngày cô bé Thanh là người tiếp tế cơm nước cha mình trong căn buồng tối, cho đến khi ông bắt liên lạc và lên chiến khu. Làm Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ rồi Chính ủy Mặt trận Chu Lai, chỉ huy vành đai diệt Mỹ nơi này, ông Truyền đã hy sinh oanh liệt năm 1967, được nhân dân kính phục, chôn cất hài cốt. Một năm sau, người vợ hiền của ông từng vào tù ra tội, được thả về và tiếp tục làm cán bộ phụ nữ xã Tiên Thọ cũng đã hy sinh. Lúc này cô con gái đầu đang ở Quế Sơn chỉ đạo phong trào phụ nữ đấu tranh. Nhận tin cha và mẹ ngã xuống, Kim Thanh chỉ biết khóc rưng rức trong hầm mà không thể nào về ngay thắp hương cho đấng sinh thành. Thương 4 em ra Bắc học tập, ngày về không được thấy cha mẹ, vậy mà bà cũng suýt nữa không thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù.

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân 1968, khi là Thường trực Hội phụ nữ giải phóng tỉnh Quảng Nam, bà được phân công trực tiếp chỉ huy lực lượng chính trị và binh vận hỗ trợ cho lực lượng vũ trang tấn công vào quận lỵ Lý Tín. Cải trang thành dân thường, bà cùng các đồng chí của mình dẫn đầu hơn 3.000 người đấu tranh trực diện với kẻ thù. Lực lượng bị bao vây, chúng bắt bà cùng 200 người biểu tình. Vào tù bà nhanh trí bồng bế con một quần chúng làm con mình, giấu kín tung tích. Được nhân dân che chở, Hồ Thị Kim Thanh bí mật lập chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh trong tù buộc địch không được giam giữ tù nhân. Khi bà thoát, địch mới biết đã thả nhầm nữ Việt Cộng nguy hiểm, ráo riết truy lùng, đuổi theo nhưng thất bại. Sau thắng lợi này, Tỉnh ủy đánh giá cao ở bà sự nhạy bén, sáng tạo, bình tĩnh, kiên cường trước kẻ thù. Bà được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trong năm này.

Hai lần được nữ tướng tặng bằng khen

Nhiều đồng đội khi kể về Anh hùng LLVTND Hồ Thị Kim Thanh đều cho rằng, điều họ quý nhất ở bà đó là trong bất cứ tình huống nào, dù nguy hiểm đến đâu cũng không bỏ rơi đồng chí của mình. Từ quê hương địch tạm chiếm, bà thoát ly làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh. Theo đội công tác bà tham gia chiến dịch “Vượt sông Tiên” về giải phóng 3 xã Sơn - Cẩm - Hà. Năm 1963, lúc này bà đang ở cơ quan Huyện ủy Tiên Phước thì địch tràn vào khu vực đóng quân. Lực lượng không cân sức buộc ta phải rút khỏi căn cứ. Cùng chạy hướng với bà có 4 anh ở Huyện ủy, phụ trách trại giam tỉnh và cán bộ xã Phước Cẩm, đều bị thương nặng. Bà cũng cũng đạn găm ở cánh tay, tuy nhiên còn chạy được nên nén đau lần lượt cõng, dìu đồng đội băng đồi ra khỏi vùng phục kích. Khi đến nơi tập trung, bà vừa băng rừng vừa làm dấu về báo du kích và sau đó tất cả  đồng chí bị thương đã được cứu sống. Tháng 10.1969, khi là Hội trưởng phụ nữ tỉnh đi truyền đạt nghị quyết cho huyện Quế Sơn, bà vượt qua đường 105 thì bị địch phục. Nữ hội trưởng bình tĩnh cùng du kích đánh trực diện gây cho chúng nhiều tổn thất. Chúng rút lui và dùng pháo bắn xối xả. Đồng chí  Cao Châu (Chuối) du kích xã Phú Thọ bị thương. Bà Thanh đã cố bò ra đường 105 tìm bằng được và cõng vào vùng ven, sau đó được sự tiếp sức của đồng đội đưa thương binh lên trạm phẫu.

Lục tìm những kỷ vật kháng chiến, bà Hồ Thị Kim Thanh nâng niu từng tấm bằng khen, giấy chứng nhận năm xưa. Ấn tượng nhất là hai bằng khen của nữ tướng Nguyễn Thị Định lúc này là Chủ tịch Hội Liên hiệp giải phóng miền Nam Việt Nam tặng bà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lần đầu khi bà làm Thường vụ phụ nữ tỉnh và lần thứ hai là Hội trưởng. Ra Hà Nội năm 1975, khi gặp  người mình ngưỡng mộ, bà Thanh nhắc lại niềm vinh dự được tặng bằng khen trong chiến tranh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Định đã ôm bà thật chặt và trìu mến nói: “Đây là anh hùng chứ đâu xa!”. Có một kỷ niệm không bao giờ quên nữa là năm 1973, tại Hội nghị thi đua Quân khu 5, bà được các đồng chí lãnh đạo tặng một khẩu súng K59. Phụ nữ mà tặng súng lục có lẽ hiếm lúc đó. Chính khẩu súng này đã đồng hành với bà trong các chuyến công tác về cơ sở, nhiều lần phải chiến đấu để thoát vòng vây.

Cha mẹ tù đày rồi thoát ly, những đứa em do chị Hai Truyền (Kim Thanh) chăm ẵm ngày nào được ra miền Bắc học tập đều trưởng thành, giỏi giang. Người làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hai người là Giám đốc Công ty Cấp nước; Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng và hiện đã về hưu. Chồng bà, anh bộ đội chủ lực năm xưa yêu và thử thách qua chiến tranh nay lại sát cánh cùng bà tích cực tham gia công tác ở địa phương, giữ mãi tiếng cười như thời tuổi trẻ. Với bà như thế đã là hạnh phúc.

HỒNG VÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai cha con là anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO