Hai chàng mộng mơ...

LÊ QUÂN 12/02/2017 08:25

Không hẹn mà gặp, rồi bỗng một ngày họ gặp nhau. Người này gõ cho người kia nghe những nhịp trống trời - kết quả mày mò suốt cả mấy năm. Người kia lại chế tác cho giai điệu của người này thêm trầm, thêm bổng, thêm những nồng nã của cuộc đời nhiều âm sắc… Hai con người này, tuy hai mà một, tuy một mà hai, quyện vào trong chiếc trống trời.

Dương Ngọc Thuần và chiếc trống trời.
Dương Ngọc Thuần và chiếc trống trời.

Họ - một người là Phạm Như Khoa, người Pháp gốc Việt, cựu kỹ sư phần mềm; người còn lại là Dương Ngọc Thuần - người thợ, nghệ nhân của làng đúc đồng Phước Kiều. Thứ âm giai hai con người này làm được vừa khàn đục, vừa có âm cao réo rắt, nhưng lại cũng vừa thêm nét tươi trong. Nó là sự quyện hòa của âm từ tiếng đàn đá nhà trời của người vùng cao, thổ âm của người da đỏ vùng Bắc Phi, âm phát ra từ những vật liệu vũ khí sắc nhọn của các bộ tộc người Nam Phi… Người nghe nó, cứ tưởng mình đang rót thật đầy vào lòng những giai điệu khác lạ, đến từ những “bộ nốt” của các tộc người trên khắp thế gian.

Dương Ngọc Thuần - thợ đúc đồng nghệ sĩ

Người thợ đúc đồng Dương Ngọc Thuần - cả cái tên lẫn vóc dáng ông đều hao hao cái vẻ của đạo sĩ, với tóc dài lơ thơ, trán cao, người dong dỏng. Và lạ lùng, ông có giọng ca như một dòng nước thuần khiết chảy vào trong tim người nghe. Rất nhiều bận, ca đoàn nhà thờ mà ông tham gia, đi diễn nhiều nơi, thi thố với những đoàn ca chuyên nghiệp trong cả tỉnh, cả nước, và đoạt giải. Dương Ngọc Thuần cũng là người lập nên một đội cồng chiêng Phước Kiều, từ lâu, cũng đã vài lần lưu diễn. Nhưng đội cồng chiêng sớm tan. Tan như cái hưng vượng ngày cũ của làng nghề Phước Kiều trong một cuộc sống hiện đại gấp gáp, tốc hành, nhốn nháo thật giả giả thật.

Cấu tạo chiếc trống khá đơn giản với hình tròn, mặt trên được cắt các nốt (từ 8 - 32 nốt) với cao độ khác nhau. Mặt dưới của trống có một lỗ tròn thoát khí được nút lại bằng một miếng cao su tạo thùng cộng hưởng âm thanh. Và tuổi thọ một chiếc trống khoảng chừng 3 năm. “Một quả bom sinh ra để sát hại con người. Rồi tôi lấy thép làm trống để đem lại hạnh phúc và tiếng cười vui vẻ cho mọi người và nó sẽ ra đi sau khi hoàn thành sứ mạng” - ông Khoa nói, như một cách lý giải đầy chiêm nghiệm về “vòng đời” của chiếc trống trời.

Nhiều người thợ làng đúc đồng trở nên lạc lõng với một nhịp sống khác ùa vào làng nghề. Cả Dương Ngọc Thuần cũng trở nên đơn độc. Bởi ông cứ đeo bám những mơ mộng xa xăm của mình, để phiêu du mãi trong vùng quá khứ, để ước ao dựng lại “một ngày dài hơn thế kỷ” của cái tiếng làng Phước Kiều. Rồi bị bội phản. Rồi lại long đong tự mình đi tìm một con đường khác, dù vẫn giữ cái giọng ca “thần sầu” đất La Qua. Một tháng vài lần nghe tiếng chiêng đồng rung lên. Một tháng vài bữa tạt qua Đền thánh Andre Phú Yên tại Phước Kiều - một nơi được coi như khởi đầu của chữ Quốc ngữ, sát cạnh bên nhà, để giữ cho mình tròn trịa một đam mê, với giai điệu, với nghề nghiệp.

Rồi cuộc sống vẫn trôi, với những tháng ngày chắp vá. Bởi ở làng nghề, sinh bởi người làm nghề, rồi mang cái họ của những bậc khai căn nghề này, mà lại không làm nghề, là có tội. Dương Ngọc Thuần cứ tỉ mẩn góp nhặt để làm nên một vốn liếng lớn, mà không nhất thiết phải đua chen với người ta, phải dong hàng đồng ra đường lộ mà bán buôn. Ông vẫn có thể sống được với nghề đúc đồng, từ những vật phẩm lưu niệm nho nhỏ bỏ cho các cửa hàng ở phố Hội, từ chuyện gia công cho những sản phẩm chiêng đồng ở các đền chùa, từ cái tính mơ mộng nghệ sĩ mà ông giữ lại ít nhiều ở cái tuổi bên kia dốc đời. Mọi ưu chất tài hoa, phong tư của người sinh ra đã được trời phú cho nhiều thứ, ông vẫn để dành đó, chờ một ngày gặp đồng âm.

Phạm Như Khoa - âm nhạc là giấc mơ

Phạm Như Khoa - một cái tên khá quen thuộc với biệt danh “ông tây làm trống trời”. Cảm mến và yêu say đắm cái bình dị của vùng đất và con người phố cổ nên quyết định chọn Hội An sinh sống. Cuộc sống ở một nước Pháp tráng lệ vẫn không thể giữ được bước chân của kẻ đã giữ trong lòng mình nhiều thương tổn bởi bom đạn, sự chia lìa. Phạm Như Khoa trở về Việt Nam, khi ấy ông đã ngoài 50. Ở cái ngưỡng tuổi mà những lao xao cuộc thế không còn sức hút nữa, thì chọn một mảnh đất tịch lặng là điều đương nhiên. Chọn một mảnh đất ngoại ô và dựng nên một căn nhà. Từ đây, ông nhìn dòng người qua lại, nghe tiếng chuông cổ của nhà thờ ngân nga, như một cách nhắc về tình yêu và lòng thương khó, vọng từ tiềm thức những giai điệu của một nước Pháp hào hoa, hay những điệu ca từ muôn trùng các quốc gia mà ông từng đặt chân đến, hòa với nhau. “Và tôi bắt đầu gõ như vậy, từ những nhịp quen. Tôi gõ vào bất cứ cái gì nhặt được, miễn ra âm thanh. Và từng bước mày mò, ký âm, những bộ nốt của các giai điệu dân gian một số nước từ từ ra đời” - Phạm Như Khoa nói. Nhưng hơn hết, khi tìm tới âm nhạc, căn bệnh ông mang từ thuở nhỏ - bởi di chứng của chiến tranh, có vẻ như “chịu” yên cùng giai điệu.

Phạm Như Khoa “phiêu” với những giai điệu trống trời.
Phạm Như Khoa “phiêu” với những giai điệu trống trời.

Một kẻ lấy âm nhạc làm vui như vị Việt kiều Pháp này, hẳn sẽ khiến nhiều người tò mò. Và cái tên gọi “trống trời” cũng là do ông đặt, bởi đầu tiên từ những nguyên liệu. Những mảnh bom tàn sót, những mảnh vỡ từ các máy bay B52… đã làm nên một câu chuyện trong lòng Phạm Như Khoa. Nạn nhân của chiến tranh, lấy phế liệu chiến tranh để tạo nên thứ ngôn ngữ rung động trái tim, với Phạm Như Khoa, chiếc “trống trời” không có cách chơi nào hay bằng chính cách chơi từ những ước mơ, những cảm nhận của chính mình. Bởi vậy, hiện tại, mỗi chiếc trống trời được mua bởi các du khách khắp nơi, ông thường kèm thêm một hướng dẫn ngắn gọn do chính tay ông viết: “Just play and dream” (tạm dịch: Chỉ cần chơi và ước mơ). Phạm Như Khoa nói ông tìm đến với âm nhạc để giải tỏa những bức bách từ trong tiềm thức của mình, nên khi nó đến những người đam mê, ông chỉ mong họ tấu nó lên bằng những giấc mơ, những ước mơ thường hằng trong đời họ.

Mang trống trời “chu du”

Nhưng để có hàng loạt chiếc trống trời mang đi khắp thế gian, với hàng trăm bộ nốt, phù hợp với từng loại âm nhạc dân gian khác nhau, Phạm Như Khoa phải đi kiếm tìm cho mình một “người bạn”. Phải mất 6 tháng ròng, sau nhiều lần nhầm lẫn, Phạm Như Khoa mới tìm tới được Dương Ngọc Thuần. Những câu chuyện về âm nhạc đã kết nối họ với nhau. Giờ ngồi nhớ lại, cả ông Thuần, lẫn ông Khoa, đều nói rằng, ba năm qua, chỉ như một cái chớp mắt, để họ cùng nhau san sẻ đam mê. Làm sao để có thể từ một người làm cồng chiêng chuyển qua làm nhạc cụ, lại là một nhạc cụ khá lạ, theo kiểu của một người Tây? Và Dương Ngọc Thuần - một người thợ bình lặng làng Phước Kiều, trước khi nói về câu chuyện của “trống trời”, đã dài dòng diễn giải về âm nhạc, âm thanh từ tiếng chiêng đồng, thanh la. “Vì sao có không gian cồng chiêng Tây Nguyên? Tôi nghĩ vì thứ trước nhất, trong không gian ấy, có giai điệu. Giai điệu đến từ đất trời, rừng thiêng của người Tây Nguyên, dĩ nhiên. Nhưng phải có sự thẩm âm từ người làm ra chiếc chiêng” - ông Thuần nói. Và chính sự cảm âm từ ông Thuần đã “đọc” được sự si mê với nhịp điệu lạ từ ông Khoa. Dương Ngọc Thuần đã từng “táo bạo” đưa giai điệu của cồng chiêng phối ngẫu âm nhạc hiện đại, và nhận được rất nhiều sự đồng tình của người thưởng ngoạn từ các chương trình ca nhạc địa phương. Vì vậy, khi Phạm Như Khoa tìm tới và chia sẻ về những bộ nốt, cũng như cách thức làm nên những chiếc “trống thép” - “trống trời”, Dương Ngọc Thuần đã “chế tác” thành công theo đúng mong mỏi của ông Khoa.

Bây giờ, sau 3 năm kết hợp với nhau, Dương Ngọc Thuần như một người đứng sau Phạm Như Khoa, để mọi câu chuyện âm nhạc và giai điệu cho ông Khoa chia sẻ cùng báo giới và người mộ điệu. Nếu không phải duyên, chắc người viết cũng khó lòng được gặp ông, vào một chiều cuối năm, ngồi nghe ông hát, ông gõ nhịp trống trời. Và cũng tự trả lời câu hỏi vì sao tài hoa và đã có nhiều đóng góp cho nghề đúc đồng làng Phước Kiều như vậy, Dương Ngọc Thuần vẫn chỉ là một người thợ - nghệ nhân chưa có danh vị ở tỉnh hay cao hơn. Còn với Phạm Như Khoa, ông mang trống trời đi khắp thế gian, từ vùng đất đền tháp Angkor qua tới những quốc gia ưa nhạc đường phố như Ý, Mỹ, Anh… Ông nói với Dương Ngọc Thuần, thế giới chỉ có 4 người làm được “trống trời” này, là hai người châu Phi, một người châu Âu và người châu Á là ông Thuần. Họ đều biết nhau. Và đều là những kẻ mộng mơ…

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai chàng mộng mơ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO