Từ khi đi học lớp một trường làng cho đến đại học ở Hà Nội, trong số những thầy giáo tôi nhớ mãi trong lòng có hai thầy giáo người Quảng Nam. Đó là thầy Phan Ngọc Thu và thầy Quảng Bá Hùng.
1.Thầy Quảng Bá Hùng người Cẩm Thanh, Hội An, là “người thầy đầu tiên” của Ngư Thủy quê tôi. Tên “cúng cơm” của thầy là Quảng Văn Yên, đi hoạt động cách mạng đặt thành Quảng Bá Hùng. Thầy kể rằng, hồi ở tuổi 20, thầy hoạt động cách mạng bí mật ở Hội An, bị địch bắt. May nhờ có cơ sở giúp đỡ, trốn tù thoát ra được. Đó là năm 1955, thầy 22 tuổi. Không phải thầy ra Bắc theo diện tập kết. Câu chuyện thầy trốn tù ra Bắc cũng ly kỳ lắm. Thầy và 7 người cùng trốn tù bí mật chuẩn bị gạo mắm, dùng một chiếc thuyền của ngư dân ở Cửa Đại theo đường biển ra Bắc. Thuyền phải ra tận ngoài phao số 0 để tránh bị địch bắt lại. Có lần sóng lớn suýt đánh chìm thuyền, anh em buộc dây vào nhau để có chết thì cùng chết. Lênh đênh mười mấy ngày mới đến cửa sông Nhật Lệ.
Năm 1957, miền Bắc đã lập lại hòa bình, thế mà làng tôi vẫn chưa có trường học. Con em ngư dân làng biển phần lớn mù chữ. Năm đó, thầy Quảng Bá Hùng tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm Hải Dương, tình nguyện vào Quảng Bình nhận công tác. Về vùng gió Lào cát trắng đã khổ, thầy lại xung phong về xã Ngư Thủy để mở trường, càng gian khổ gấp bội. Thầy về ở trong dân, “3 cùng” với bà con làng biển, kêu gọi trẻ em đi học, vận động bà con chặt gỗ dương dựng trường học. Thầy đúng là thầy giáo đầu tiên khai sáng nền giáo dục ở Ngư Thủy quê tôi. Học trò của thầy bây giờ đã bảy mươi tuổi, cháu nội cháu ngoại đề huề, thế mà ngồi với nhau ai cũng nhắc về thầy với một lòng biết ơn sâu sắc.
Tác giả cùng thầy Phan Ngọc Thu và thầy Quảng Bá Hùng. |
Nhắc đến thầy, bà con trong làng ai cũng say sưa kể những kỷ niệm xúc động. Thầy cùng bà con cả tháng trời chặt gỗ dương, cắt cỏ rười (một loại cỏ mọc trên cát, thân ống nhỏ, cao cả mét) đánh thành tranh để lợp mái. Bàn ghế đóng từ những cây gỗ dương to. Thầy Hùng mồ hôi mồ kê ướt đẫm nhưng lúc nào cũng cười, đàn hát như nghệ sĩ. Thầy có cây đàn măng-đô-lin, buổi chiều nào cũng mang xuống biển ngồi đàn hát với học trò. Giờ dạy học đầu tiên của “trường Cấp 1 Ngư Thủy” (hồi đó cấp 1 gồm các lớp 1, 2, 3, 4 theo hệ 10 năm của Liên Xô), thầy Hùng phải cầm tay từng học trò tập từng nét chữ cái. Lứa học trò được thầy Quảng Bá Hùng “khai sáng” đó là “thế hệ vàng” của làng tôi. Thầy bảo: “Cái chữ là nết người. Các em phải học viết chữ cho đẹp, đàng hoàng”. Thầy Hùng viết chữ rất đẹp, lại nắn nót cẩn thận. Dù thầy chỉ dạy ở Ngư Thủy 7 năm (1957 - 1963), nét chữ của thầy vẫn truyền qua bao nhiêu thế hệ học trò làng biển, ai cũng viết chữ đẹp.
Thầy không chỉ dạy học mà còn đi biển đánh cá với ngư dân. Rồi dẫn học trò đi trồng cây phi lao trên cát để chắn gió, để “có màu xanh mà nương tựa”. Cảm động nhất là chuyện thầy Hùng đưa cây dừa về trồng ở làng tôi. Hồi đó, một lần thầy Quảng Bá Hùng đi dự hội nghị chiến sĩ thi đua của Ty Giáo dục Quảng Bình ở Đồng Hới. Thấy người ta đang trồng hàng dừa kết nghĩa Bình - Trị - Thiên bên bờ sông Nhật Lệ, thầy liên hệ xin được 6 quả dừa giống đưa về làng. Thầy hì hục đào hố, xúc phân trồng dừa. Sau này gặp thầy tôi hỏi, tại sao xin cây dừa giống, thầy bảo: “Làng phải có bóng mát mới thành làng. Hơn nữa thầy trồng dừa là bởi nhớ quê hương Hội An lắm”.
Giải phóng miền Nam, thầy trở về quê hương làm ở ngành giáo dục tỉnh. Sau đó về Hội An tham gia làm chính quyền. Thầy Quảng Bá Hùng nay đã 80 tuổi, vẫn không nguôi với công tác khuyến học của TP.Hội An. Thầy có bốn người con thì ba người theo nghề nhà giáo của cha.
2. Thầy giáo người xứ Quảng thứ hai mà tôi rất yêu quý là Phan Ngọc Thu. Thầy quê ở Gò Nổi, cùng với thầy Lương Duy Cán (nhà thơ Hà Nhật) là 2 thầy giáo ở cấp III Lệ Thủy đã truyền cho lớp học trò chúng tôi niềm say mê thơ ca. Hồi đó cả lớp tôi đứa mô cũng làm thơ. Chi đoàn lớp có tờ báo tường “Quyết thắng”, tổ văn của lớp có tờ “Văn nghệ” treo ở đầu lớp. Hôm nay có người làm thơ dán lên, hôm sau đã có người viết bài bình. Nhờ không khí văn chương đó mà sau này lớp tôi có tới hàng chục đứa làm thơ, viết văn như Lê Đình Ty, Đỗ Hữu Lời, Ngô Minh Khôi, Trần Văn Hải, Nguyễn Minh Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phạm Hữu Xướng, Trần Khởi... Tất cả đều là hội viên Hội Văn nghệ tỉnh, trong số có 4 người là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng.
Thầy Phan Ngọc Thu là người tập kết ra miền Bắc. Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, ra trường dạy năm đầu tiên là lúc tôi từ làng biển Thượng Luật, xã Ngư Thủy lên học lớp 8C trường Cấp III Lệ Thủy. Thầy dạy môn Văn. Có thể nói thầy Thu là thầy giáo dạy văn giỏi nhất mà tôi từng gặp. Thầy dạy bằng trái tim, bằng cảm xúc chứ không dạy bằng ”đọc chép”, bằng “đề cương” hay “văn mẫu” như các thầy giáo bây giờ. Cả lớp tôi nghe thầy giảng bài mà ai cũng như bị hút hồn, chẳng cần ghi chép gì mà ai cũng nhớ. Vì ghi chép thì sẽ không nghe được những lời thầy giảng, phân tích về câu thơ hay. Hôm tiễn tôi ra Hà Nội học đại học, thầy dặn đi dặn lại: “Em ra đó kiếm cho thầy tập thơ “Hoa ngày thường chim báo bão” của Chế Lan Viên, thầy nghe nói hay lắm, trong tủ sách thầy chưa có!”. Hồi đó chiến tranh , địch bắn phá miền Bắc ác liệt. Hai năm sau tôi mới về nghỉ hè. Tôi ôm khư khư tập thơ của Chế Lan Viên trong ngực áo, tìm thầy để tặng, để nói với thầy rằng, lời dặn của thầy hai năm trước em vẫn nhớ.
Sau năm 1975, thầy vào dạy Khoa Văn, Đại học Sư phạm Huế. Dạy văn ở trường Đại học Huế, mà thầy Thu quen thân hầu hết nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng có chính kiến mạnh của nước ta như Hoàng Ngọc Hiến, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyên Ngọc... Nhờ mối quen biết đó mà thầy tổ chức các buổi nói chuyện ngoại đề, ngoại khóa cho sinh viên, làm chất lượng đào tạo tăng lên. Với ý nguyện đổi mới giáo dục, thầy đã cùng nhà văn Nguyên Ngọc thành lập trường Đại học Tư thục Phan Châu Trinh (Hội An) với mục đích tự chủ trong chương trình giáo dục đại học, tạo ra một trường đại học kiểu mẫu ở Việt Nam. Thầy Thu làm Hiệu trưởng, nhà văn Nguyên Ngọc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau đó thầy về làm Hiệu phó trường Đại học Duy Tân, sống cùng gia đình tại TP.Đà Nẵng.
Tháng 8.2012, trường Cấp III Lệ Thủy kỷ niệm 50 năm thành lập. Thầy Phan Ngọc Thu khoác vai tôi đi bên bờ sông Kiến Giang vào cổng trường như một người bạn, tâm sự: “Dạy học, nhất là dạy văn cũng như làm thơ, phải xuất phát từ trái tim và tấm lòng. Nếu không có cái đó thì không thể đào tạo ra học sinh giỏi được, cũng không thể có thơ hay”. Tôi ngước lên nhìn thầy, xúc động rơm rớm nước mắt. Vâng thầy ơi, không bắt đầu từ trái tim thì sẽ không bao có thơ hay và cũng không có chuyện dạy văn hay!
NGÔ MINH