"Hài tội" một người bạn, về thơ

NGUYỄN THIÊN TRUNG 13/08/2016 14:42

Nguyễn Văn Gia đến với thơ cũng sớm, mà cũng... muộn: đầu những năm 70 của thế kỷ trước với những bài thơ về khát vọng hòa bình; rồi quên... Quên thật lâu: dễ có đến hơn 20 năm. Với anh, thơ cũng chỉ là một trong nhiều phương diện của đời sống. Khi ngoảnh về phía này nhiều hơn, thì làm sao ngó về hướng khác, nhất là trong những năm tháng đã qua ấy, những năm tháng mà chỉ riêng với chuyện áo cơm cũng đã quá mệt rồi:

Thơ - Đọc chơi rồi bỏ
Chớ có đeo bên mình
Đừng nghe lời thơ nịnh
Rồi liều mình theo thơ

(Dặn dò các em gái)

Anh cũng không phải là người nhanh nhảu, thậm chí, còn... chậm nữa. Chậm với người gần kề nhất (thế mới là đáng tội), như trong bài thơ đề tặng hiền thê:

Phải chờ đến nửa trăm năm
Để anh mới nhận ra anh lần đầu

(Đôi bờ thời gian)

Sau phần đầu “Đôi bờ thời gian”, phần II của Lặng lẽ phù sa (Thơ Nguyễn Văn Gia, NXB Hội nhà văn, 12.2015) được đặt tên là “Bóng quê nhà”. Chỉ là cái bóng thôi, lặng lẽ thôi. Mà nặng lắm, nặng đến mức không gánh nổi, đến mức phải kêu lên: Cứ nhủ lòng mình/ Buông xả thôi/ Nhẹ hều như nước chảy mây trôi/ Làm sao giữ được/ điều không thể/ Chỉ mỗi tay không đã nặng rồi.

Trong cái “bóng” ấy, đếm được 80 bài thơ, hầu hết là ngắn, rất ngắn. Đó là những suy cảm của anh trong thời gian gần đây. Dù anh có nói rằng, sự sống vốn dĩ hết ngày rồi tới đêm/ trăng tròn rồi lại khuyết/ sáng tối cứ luân phiên/ làm gì có mà mất nhưng đấy chỉ là lời nói ra từ nhận thức lý tính chứ không phải xuất phát từ trực cảm về sự thấu đạt tánh Không (có ai dám nói như thế ?!). Bởi vì, hơn ai hết, anh tự biết lòng ta như trống trận/ làm sao mà nghe thấy cái cảnh giới tịch mặc kia. Bởi vì, anh tự biết mọi tang thương cũng bởi bể dâu lòng mình. Thế cho nên, những suy ngẫm ngắn trong phần II của tập thơ là những quan sát và tự vấn. Đó là sự khái quát từ hình ảnh con tôm quen thuộc: Đầu chứa cứt mà khôn/ Khéo đánh lừa thiên hạ/ Điếm như ốc mượn hồn/ Tôm kia thật láu cá (Lừa). Đó là câu hỏi đau lòng mà vĩnh cửu trong  ẩn dụ Diogenes: “Cầm đèn giữa ban ngày/ Mong tìm được con người/ Con người đâu chẳng thấy/ Lạnh lùng bóng ma trơi. Để dẫn đến sự hiểu ngộ ra rằng mọi thứ đều giả vờ/ cái sợ là có thiệt. Nhưng may thay, từ vị trí của một nhà giáo có lương tâm, anh đã được ân sủng của cuộc đời dẫn đến trách nhiệm làm người:

Dạy trẻ biết yêu thương
Là dạy cách làm người
Dạy trẻ lòng căm thù
Là gieo mầm tai ương

 (Hoa & trái)

Gần hết cuộc, anh xác tín cho bản thân điều mong ước, rằng:

Xin đừng ép tôi yêu màu đỏ
Cũng đừng xui tôi thích màu vàng
Bởi lòng tôi bây giờ chỉ là một sắc thiên thanh.

Bài thơ “Giấc mơ sắc màu” này được viết vào năm 2014, ở tuổi đã qua cái ngưỡng nhi nhĩ thuận. Chỉ là một sắc thiên thanh ư? Khó lắm! Thậm khó! Nhưng cứ mong như thế. Hoặc cứ dặn lòng như thế. Để mà có thể sống cho đến hết cuộc.

Còn muốn “hài tội” Nguyễn Văn Gia thêm một việc nữa: anh không chịu lao tâm nhọc tứ với thơ, dù biết rằng anh không xem nó như sự nghiệp gì to tát. Tỷ như bài thơ bên dưới đây, được viết ra trong thoáng chốc “cảm đề”; rồi để nguyên như thế, không “đánh bóng làm nguội” gì cả, trong khi nếu muốn, thì hẳn nhiên anh có thể gia công cho nó tròn trịa hơn:

Đôi mắt tia lửa nhọn
Đốt cháy màn vô minh
Vầng trán rộng mênh mông
Là ánh trăng soi đường

(Cảm đề tranh Bồ-đề Đạt-ma)

Thì thôi vậy. Bởi:

Niềm vui không vĩnh hằng
Can chi mà tiếc nhớ
Khổ đau không trường tồn
Cớ chi mà lo sợ.

Cho nên, sau tất cả những ma chiết của một độ dài thời gian đang tiến đến cái vạch thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ, cái sự thật giản dị để có thể sống vui bình thường, chính là nguyên ủy của vạn pháp, như Upanishad (Áo nghĩa thư) đã hiển lộ: Tất cả bắt đầu từ không gian và chấm dứt trong không gian:

Từ không mà thành có
Có đó cũng như không
Quẳng đi là bớt khổ

(Cảm đề những câu thiền học)

NGUYỄN THIÊN TRUNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Hài tội" một người bạn, về thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO