Nhiều người cao tuổi Hàn Quốc đang gánh một khoản tài chính mà ít có khả năng hoàn trả.
Thống kê của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) công bố vào ngày 18.11 vừa qua cho thấy, người cao tuổi ở xứ sở kim chi, tuổi từ 60 trở lên đang đối mặt với gánh nợ hộ gia đình cao nhất trong số 15 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Cụ thể, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập của người cao tuổi Hàn Quốc là 161%, cao hơn hẳn mức bình quân là 128%. So với các quốc gia phát triển, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất mà người cao tuổi có nợ cao hơn thu nhập nhiều nhất so với các nhóm tuổi khác.
Nhiều người cao tuổi Hàn Quốc tham gia các khóa học chăm sóc trẻ em để kiếm thêm thu nhập. |
Lý giải cho hiện tượng trên, các chuyên gia của KDI thừa nhận việc người cao tuổi Hàn Quốc khi còn trẻ đã chi quá nhiều tiền, thậm chí nhiều người phải vay nợ để trang trải cho con em trong các lớp học thêm để mong sau này con cái có tương lai tốt đẹp hơn. Thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, vào năm 2013, cha mẹ học sinh chi đến 19 tỷ won (chiếm 1,5% GDP của cả nước) cho học sinh học thêm. Ngoài ra, việc chi tiêu tổ chức đám cưới cho con cái khi đến tuổi trưởng thành của nhiều gia đình là quá lớn so với thu nhập. Cho đến tuổi già thì số tiền tích lũy khô cạn và khoản nợ hộ gia đình không còn khả năng hoàn lại. Thêm vào đó, nhiều người chưa chuẩn bị kỹ càng cho tuổi già như khoản tiết kiệm hay lương hưu.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho hay, tháng 10 vừa qua, nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc là 624,8 tỷ won (762 triệu USD) so với 562,3 tỷ won của tháng 2 năm nay. Chính phủ Hàn Quốc giảm tỷ lệ lãi suất trong nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Hiện mức lãi suất ở mức kỷ lục khoảng 1,5% trong suốt 5 tháng vừa qua. Kim Ji Seob - chuyên gia nghiên cứu của KDI cho biết, trong khi khoảng thời gian trả nợ thế chấp mua nhà của nhiều nước như Mỹ và Singapore diễn ra trong vòng 20 - 30 năm (trước tuổi về hưu) thì thời gian này ở Hàn Quốc là quá ngắn, chỉ 2 - 3 năm. Rất nhiều hộ ở Hàn Quốc không có khả năng thanh toán trong thời hạn buộc phải vay thế chấp mới để trả khoản nợ hiện hành. Cứ thế, vòng luẩn quẩn về nợ nần đeo bám họ cho đến khi về già.
Các nguồn thu ổn định của người cao tuổi Hàn Quốc như lương hưu chỉ chiếm 29% tổng thu nhập, thấp hơn nhiều so với khả năng trả nợ của các nước khác như Hà Lan, Đức đạt trên 70%. Ngoài ra, nợ hộ gia đình chiếm gần 70% tài sản tài chính của người cao tuổi (như tiền tiết kiệm), trong khi con số này ở các nước phát triển khác chỉ từ 10% đến 50%. Như vậy, người cao tuổi Hàn Quốc sẽ trở nên khốn đốn nếu có thay đổi đột ngột như khủng hoảng kinh tế hay lãi suất tăng. Dù lãi suất Hàn Quốc hiện ở mức thấp là yếu tố thuận lợi cho nợ hộ gia đình nhưng khi giá cả nhà đất tăng thì nợ nần lại chồng chất theo tuổi.
Để giảm gánh nặng cho nợ hộ gia đình, nhiều ý kiến cho rằng chính phủ Hàn Quốc cần phải tăng tỷ trọng cho vay trả góp song song cả lãi và nợ gốc, nâng cao sự linh hoạt của bất động sản như “lương hưu từ thế chấp nhà ở”, gia tăng thời hạn trả thế chấp nợ hộ gia đình như nhiều nước phát triển khác, là 20 - 30 năm…
NAM VIỆT (Theo Reuters/Kbs)