Trước nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nhiều người đã nghĩ ra cách ứng phó, tìm mua sản phẩm sạch để tự bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Khi thời điểm mua sắm tăng cao phục vụ tết, hàng sạch lại càng bán chạy hơn bao giờ hết…
Hút hàng
Những năm gần đây, rau sạch được bày bán trên kệ siêu thị Co.opMart Tam Kỳ luôn được nhiều người lựa chọn nên thường rơi vào tình trạng hết hàng. “Hơn 8 giờ sáng rau được đặt lên kệ nhưng có khi quá trưa đã có nhiều giỏ trống trơn, dù siêu thị luôn đặt hàng số lượng lớn” - chị Nguyễn Thị Đào, nhân viên marketing siêu thị Co.opMart Tam Kỳ nói.
Tìm mua hàng “người nhà làm” là xu hướng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Ảnh: C.T.ANH |
Nguồn cung ứng rau cho siêu thị Co.opMart Tam Kỳ ngoài một số loại củ quả lấy từ Đà Lạt (Lâm Đồng), còn phần lớn là những hợp tác xã cung cấp rau sạch như Duy Phước (Duy Xuyên), Hưng Mỹ (Thăng Bình). Bà Hoàng Kiều Uyên (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Tôi hay mua rau củ quả tại siêu thị vì cho rằng, để đưa hàng hóa vào bán tại một hệ thống phân phối bán lẻ lớn thì luôn có sự kiểm duyệt chất lượng gắt gao. Trên các kệ rau luôn có ghi thông tin xuất xứ làng rau đạt chứng chỉ VietGAP nên tôi cũng yên tâm phần nào trong tình hình rau củ được dùng thuốc tăng trưởng, trừ sâu vô tội vạ như hiện nay. Bên cạnh tin dùng rau củ trong siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, để đảm bảo có rau xanh, sạch trong những ngày tết, một số người đã tìm cách nhờ người thân quen trồng rau theo yêu cầu rồi trả tiền”. Còn chị Nguyễn Thị Thuận (nhân viên Sacombank chi nhánh Nam Phước) kể: “Bạn bè mình ngoài Đà Nẵng biết nhà có ba mẹ rảnh hay trồng rau ăn nên đặt hàng, cung cấp cho bạn bè ăn tết và cả ngày thường. Ba mẹ có việc làm phù hợp với lứa tuổi mà bạn bè mình cũng có rau sạch ăn”.
Không chỉ riêng rau củ, mà nhiều loại thực phẩm đặc sản phục vụ tết được mọi người tìm cách mua dùng. Cách phổ biến hiện nay của nhiều người là nhờ người quen làm. Trong cộng đồng facebook ở Tam Kỳ hiện khá quen mặt với facebooker “Ăn vặt Tam Kỳ” chuyên giới thiệu nhiều món phục vụ tết như mứt dừa, mứt chùm ruột, mứt chanh, mực khô… Theo nhiều khách hàng đặt mua tại trang “Ăn vặt Tam Kỳ” thì mua chỗ này dù có đắt hơn, nhưng biết được chính xác người làm, đảm bảo vệ sinh, giống “của nhà làm”. Chị Nguyễn Thị Kim Phượng (khu dân cư số 5, phường An Mỹ) mua mứt dừa tại “Ăn vặt Tam Kỳ”, nói: “Ban đầu mua ủng hộ nhưng qua tìm hiểu mới biết được ngoài ngon còn vệ sinh nên nhiều người nhờ mình mua giúp”. Chính thực tế hàng hóa bày bán ngoài thị trường có khả năng nhiễm khuẩn, dư lượng hóa chất cao, rất khó phân biệt được đâu là sản phẩm sạch nên khi mua hàng, người mua nghe giới thiệu, quảng cáo là sạch, tự trồng tự làm thì cũng yên tâm hơn đôi chút.
“Hàng nhà” giá cao
Trên mạng xã hội khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng như “Hội thanh lý đồ mẹ và bé Đà Nẵng”, “Hội thanh lý đồ mẹ bé Quảng Nam”… hiện nay cũng liên tục đăng tải thông tin, giới thiệu sản phẩm thực phẩm “nhà làm” khá thu hút khách hàng. Tuy nhiên, thực hư “đồ nhà làm” sạch và an toàn tới mức nào thì mọi người cần cân nhắc khi quyết định mua dùng để đảm bảo có cái tết an toàn, vệ sinh. |
Có thể nói, nhờ người nhà làm thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống là xu hướng tiêu dùng có thật trong mùa tết năm nay. Dạng hàng “nhà làm” được tin tưởng hơn vì biết rõ nguồn gốc nơi làm và người bán, do có mối thân quen giới thiệu nên yên tâm về chất lượng. Người nhà của chị Ngô Thị Diễm Hiền (làm việc tại Đà Nẵng, quê huyện Tiên Phước) thường tự làm lạp xưởng để ăn mỗi dịp tết đến. Vì ngon nên sau khi chị Diễm Hiền giới thiệu, khá nhiều người đặt mua. “Người nhà làm thủ công, bán cho toàn người quen nên không thể dùng hóa chất hay chất phụ gia khác. Làm với số lượng ít, không làm đại trà được nên bạn bè ai muốn ăn phải đặt trước, đến ngày là giao luôn một lần” - chị Diễm Hiền cho biết thêm. Tương tự, chị Nguyễn Thị Như Diệu (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cũng thỉnh thoảng nhận làm mứt quật, dưa món, thịt ngâm mắm… cho một số người quen. “Mình làm ăn nên lựa chọn nguyên liệu khá kỹ, quật là từ nhà anh trai không bị phun thuốc trừ sâu, thịt mua từ chợ quê. Ban đầu làm để ăn thôi nhưng nhiều người nhờ làm nên thỉnh thoảng rảnh rang, mình lại làm bán cho một số người quen”.
Thường hàng “nhà làm” số lượng ít, không cố định lượng hàng, chọn nguyên liệu chất lượng nhất, giá đầu vào cao nên giá thành thường cao hơn đại trà. Nếu một ký mứt dừa ngoài thị trường hiện nay dao động ở khoảng 100.000 đồng/kg thì ở “Ăn vặt Tam Kỳ” là 150.000 đồng/kg. Về giá cả, chị An Nhiên (facebooker Ăn vặt Tam Kỳ) giải thích là làm hàng thủ công giá cao hơn ngoài thị trường do tốn nhiều công sức và không thể làm đại trà được. Chị Nguyễn Thị Như Diệu giải thích: “Chế biến khô bò kỳ công lắm, một tiếng đồng hồ mới làm được một mẻ trong khi khô bò thường chỉ cần nửa thời gian là hoàn thành. Khi ăn dai, mềm, không bị khô cứng”. Vì sao người dùng chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn để chọn những sản phẩm nhà làm như vậy. Chị Nguyễn Thị Kim Phượng cho rằng, khi đặt hàng như thế là mình đã biết rất rõ người bán hàng sẽ sử dụng những nguyên liệu chất lượng và an toàn.
CHIÊU THỤC ANH