Hàng loạt mặt hàng ngoại như nội thất, hàng điện lạnh, xe máy... đua nhau giảm giá nhưng sức mua của người dân TP.Đà Nẵng rất yếu. Trong khi đó, cùng thời điểm này, hàng Việt rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường ở các trung tâm thương mại TP.Đà Nẵng. |
Hàng ngoại giảm sút
Liên tục trong 2 tháng qua, hệ thống siêu thị Viettronimex tại TP.Đà Nẵng gồm 3 trung tâm điện máy lớn (6 Pasteur, 181-185 Điện Biên Phủ, 460 Nguyễn Hữu Thọ) tổ chức chương trình khuyến mãi đặc biệt và hấp dẫn nhằm tri ân khách hàng nhân kỷ niệm 24 năm thành lập đơn vị, thế nhưng sức mua của người dân rất yếu ớt. Dạo qua các siêu thị điện máy như Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Đệ nhất Phan Khang, Ebest... dễ nhận thấy cờ, băng rôn, loa máy đọc ra rả giá hàng giảm 20 - 50% nhưng khách vẫn thưa thớt. Dù siêu thị Nguyễn Kim liên tiếp trong tháng 9 tổ chức “Tháng bán hàng Nhật” (tháng 9.2013), rồi trong tháng 10 này là “Tháng bán hàng Hàn Quốc” nhưng doanh số tăng không quá 30% so với các tháng trước. Siêu thị điện máy Chợ Lớn Đà Nẵng cũng đang thực hiện chương trình “Tuần lễ giảm giá”, giảm 20 - 50% so với giá gốc, chấp nhận lỗ nhưng vẫn không hút được khách bao nhiêu. “Chưa bao giờ thị trường điện máy ảm đạm như bây giờ”- ông Châu Khắc Huy, Phó Giám đốc siêu thị điện máy Chợ Lớn Đà Nẵng than thở.
Không chỉ giảm giá “sốc” 20 - 50%, các siêu thị điện máy còn áp dụng nhiều biện pháp khác như tặng bộ nồi Happy Cook, mua hàng trả góp lãi suất 0% cho các mặt hàng từ 6 triệu đồng trở lên và tăng dịch vụ hậu mãi... nhưng vẫn không cải thiện được sức mua. Những cửa hàng quy mô nhỏ càng khó khăn hơn do không có các nhà tài trợ “chống lưng” như các siêu thị, buộc phải công khai giá bán ngang bằng với giá các nhà sản xuất, chấp nhận lỗ nhằm thu hút khách nhưng vẫn èo uột. Ngoài ra, hàng loạt mặt hàng khác như nội thất, xe máy, quần áo thời trang... cũng rơi vào cảnh chợ chiều, vắng khách. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, thị trường đồ gỗ nội thất tại TP.Đà Nẵng... thất bát. Ông Nguyễn Việt Cương - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đài Loan (hệ thống siêu thị nội thất Opal Đà Nẵng) cho biết, công ty đang áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá từ 20 - 50% cho tất cả các sản phẩm, nhằm vớt vát doanh thu trong 3 tháng cuối năm nay (đã sụt giảm 80% so với năm trước).
Cơ hội của hàng Việt
Một dấu hiệu phản ánh rõ đà hồi phục của nền kinh tế, giúp tăng sức mua của người tiêu dùng là ngày 13.10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Phùng Tấn Viết thông báo tổng mức tiêu thụ hàng hóa của thành phố trong 9 tháng qua vẫn tăng với tốc độ cao, khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2012. Đó chính là kết quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Đà Nẵng trong những năm qua.
Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay TP.Đà Nẵng đã tổ chức 22 hội chợ, triển lãm thương mại có quy mô lớn, tạo điều kiện để các DN tiếp xúc, trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, quảng bá thương hiệu hàng Việt. Bên cạnh đó, tổ chức 30 “Phiên chợ hàng Việt”, “Hàng Việt về nông thôn” với giá khuyến mại thấp hơn thị trường từ 15 - 20% tại các khu tái định cư, ký túc xá sinh viên, khu công nhân trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Nam. Ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng cho hay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 10 nghìn chương trình khuyến mãi của các tổ chức, DN trong nước tổ chức tại thành phố với tổng giá trị xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, trong đó có đến 80% hàng hóa sản xuất trong nước phục vụ người tiêu dùng thành phố và tỉnh Quảng Nam. |
Ông Phùng Tấn Viết cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giao cho Mặt trận chủ trì, đồng thời ban hành chương trình hành động, đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp cơ bản như: đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động; tăng cường kết nối doanh nghiệp (DN) thành phố với thị trương tiêu thụ thông qua hệ thống mở rộng phân phối và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ, huấn luyện, đào tạo và xây dựng thương hiệu, xây dựng chương trình hành động khuyến khích sử dụng hàng Việt đối với tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng nhà nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN Việt Nam qua việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường.
Điểm nổi bật là hàng Việt đang chiếm lĩnh tại các chợ lớn như chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và cả các siêu thị Co.opMart, Big C Đà Nẵng. Khảo sát ở chợ Hàn - chợ nằm ngay đường Bạch Đằng nhìn ra sông Hàn, hàng trăm hộ đang kinh doanh các mặt hàng đặc sản miền Trung rất thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài. Nét độc đáo là chợ Hàn có 10 hộ chuyên cung cấp hàng thủy hải sản tươi sống cho các nhà hàng, khách sạn toàn thành phố. Chưa kể các quầy kinh doanh rau, nem, tré, chả, đặc sản mắm 3 miền... cho giới sành ăn món Việt và hàng đá mỹ nghệ tinh xảo. Còn chợ đầu mối Hòa Cường diện tích trên 20.000m2 với trên 300 tấn rau quả/ngày đêm từ trong Nam ngoài Bắc đổ về đây. Ông Nguyễn Công An, quyền Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, những ngày lễ tết, lượng hàng hóa tăng lên gấp đôi, chủ yếu là hàng Việt. Trong tháng 10, hệ thống siêu thị Co.opMart, Big C, Lotte Mart tại thành phố cũng đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mãi lớn, giảm giá 20 - 50% các mặt hàng Việt nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực. Ông Lê Thanh Tú - Giám đốc Co.opMart Đà Nẵng cho hay, nhờ liên tục khuyến mãi lớn nên trong tháng 10 này, sức mua của hàng Việt, nhất là nhu yếu phẩm đã tăng 60% so cùng kỳ năm trước.
VĂN SANH