Trên hành trình 20 năm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh luôn có sự tham gia của ngành điện với vai trò xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật “điện, đường, trường, trạm”.
|
Với cơ chế cấp điện đến chân hàng rào doanh nghiệp, Điện lực Quảng Nam đã góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Đặng Hùng |
Vì nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Năm 1997, hệ thống cung cấp điện tại Quảng Nam phân tán, ngoài các thủy điện nhỏ lẻ thì chỉ được cấp điện qua 2 TBA 110kV ở Cầu Đỏ và Tam Kỳ.
Bộ máy điện lực, ngoài các chi nhánh trên địa bàn thì văn phòng điện lực ban đầu mới chỉ có 3 phòng. Cơ bản là cán bộ từ Đà Nẵng vào đều ăn ở tập thể, trừ một số ít đang ở tại Tam Kỳ. Anh em cùng ăn ở tập thể nên rất gắn bó và vui vẻ, tập trung đáp ứng công việc bề bộn không kể giờ giấc. Từ hệ thống điện còn tạm bợ, cung cấp điện chưa đủ và chất lượng còn nhiều yếu kém, Điện lực Quảng Nam xác định cần “từng bước cấp điện tốt hơn” nên đã phối hợp với địa phương bắt tay ngay vào quy hoạch lại hệ thống điện trên địa bàn tỉnh và tìm các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện theo từng khu vực và có trọng điểm. Việc triển khai đầu tư xây dựng hệ thống điện được thực hiện tích cực, ngoài kế hoạch hàng năm còn có các dự án lớn như OPEC1-2, RE 1-2, ADB, JIBIC, KfW, đã từng bước cải thiện rõ nét việc cung cấp điện và đáp ứng kịp thời nhu cầu dùng điện của địa phương. Hệ thống điện từng bước được kết nối lại trên địa bàn, khắc phục tình trạng rời rạc ban đầu lúc mới chia tách.
Đến nay, Quảng Nam đã có 11TBA 110kV và một số nguồn thủy điện bổ sung. Lưới phân phối hơn 7.000km (trung, hạ áp) vươn đến tận vùng sâu - vùng xa để cấp cho hơn 375 nghìn hộ dùng điện với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn so với các khu vực tương quan. Từ 6 huyện và 137.000 hộ trắng điện khi chia tách, cuối năm 2016 đã có 100% số huyện, thị xã, thành phố và hơn 98% số hộ có điện là một nỗ lực lớn của ngành điện trong nhiệm vụ chính trị, trong đó cấp điện cho miền núi chủ yếu là công ích. Nếu xem việc “gánh điện lên non” như đồng chí Arất Típ - nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang ví von khi đón điện đưa lên trung tâm huyện để làm cho miền núi bớt hoang vu hơn, thì việc cấp điện cho các nhà đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp cũng không thể trì hoãn vì nhu cầu sản xuất và phát triển. Qua đó, từ các hộ dùng điện là người dân vùng núi mỗi tháng dùng vài chục kWh, đến nhiều khách hàng sử dụng điện hàng triệu kWh như các doanh nghiệp gạch Đồng Tâm, gạch Prime, giày Rieker, ô tô Trường Hải, xi măng Thạnh Mỹ… đều rất hài lòng với việc cấp điện kịp thời và chăm sóc khách hàng của Điện lực Quảng Nam. Kết quả này cho thấy Điện lực Quảng Nam đã tham gia tích cực giải 2 bài toán xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của Quảng Nam như chủ trương địa phương đã đề ra.
Khởi đầu ngành công nghiệp Quảng Nam hầu như chưa có gì ngoài Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đang xây dựng dở dang và một vài cơ sở sản xuất trên địa bàn. Còn lưới điện khá khiêm tốn, chủ yếu là lưới điện nông thôn do các hợp tác xã xây dựng. Được sự thống nhất của lãnh đạo tỉnh, Điện lực Quảng Nam đề xuất với lãnh đạo Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) cho xây dựng cấp điện đến hàng rào nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thay vì cấp điện đến chân hàng rào khu công nghiệp. Sau khi đánh giá hiệu quả, chủ trương này đã trở thành chủ trương chung của ngành cho các khu, cụm công nghiệp khác và đây được xem là một trong các yếu tố thu hút đầu tư vào Quảng Nam.
Với thành công bước đầu của Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Tỉnh ủy có chủ trương chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp. Sau đó, Quảng Nam quy hoạch và xây dựng nhiều cơ chế dành cho công nghiệp để có được 7 khu công nghiệp và gần 100 cụm công nghiệp đang hoạt động. Ngoài Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thì còn có những khu công nghiệp khác, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn về với Quảng Nam và nhu cầu cấp điện nhanh, kịp thời phải được đặt ra. Chính yêu cầu đó, Điện lực Quảng Nam đã ban hành quy chế phối hợp về điện với các cấp nhằm phân công rõ trách nhiệm các bên tham gia hỗ trợ nhà đầu tư và rút ngắn thời gian đầu tư cấp điện cho khách hàng. Và đây cũng là yếu tố giúp chỉ số cạnh tranh PCI của tỉnh đạt thứ hạng cao. Ngoài ra, để phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Điện lực Quảng Nam đã cung cấp điện các cụm công nghiệp tại các huyện để gia công chế biến nông sản khu vực; đồng thời góp ý trong việc khai thác tiềm năng thủy điện trên hệ sông Vu Gia - Thu Bồn.
Chú trọng con người và văn hóa doanh nghiệp
Khi triển khai phương án chia tách Điện lực Quảng Nam từ Điện lực Quảng Nam - Đà Nẵng, ngoài các chi nhánh trong địa bàn Quảng Nam thì cán bộ nghiệp vụ quản lý (dưới 40 người) đã động viên nhau “an cư - lạc nghiệp”. Tuy nhiên, 2 năm 1998 - 1999 lại có 2 cơn lụt lớn đã làm phá sản chủ trương trên, buộc phải thay đổi thành “an tâm - làm việc”. Ngoài việc chuyên môn, cán bộ quản lý của điện lực luôn sát cánh với tổ chức công đoàn để động viên, chia sẻ với cán bộ công nhân viên chức trong sinh hoạt.
Lực lượng ban đầu mỏng và yếu, nên Điện lực Quảng Nam quan tâm ngay đến việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và xây dựng việc đánh giá hiệu quả công việc. Tinh thần học tập và nâng cao nghiệp vụ đã có được phong trào. Hầu như cán bộ quản lý và dự nguồn của Điện lực Quảng Nam đều có 2 bằng đại học và được bồi dưỡng nghiệp vụ đầy đủ các chương trình quản trị mới. Mặt khác, để nâng cao chất lượng về tác phong đạo đức và giao tiếp khách hàng, từ năm 2005, văn hóa doanh nghiệp được Điện lực Quảng Nam xây dựng, phổ biến và được ghi nhận là đơn vị triển khai văn hóa doanh nghiệp rất sớm trong ngành và địa phương.
Việc kết hợp với các đoàn thể trong triển khai nhiệm vụ chính trị là cung cấp điện đảm bảo và kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được đưa lên hàng đầu. Trong đó công tác truyền thông nội bộ trong việc triển khai nhiệm vụ và văn hóa doanh nghiệp được xem là nền tảng để ổn định điện lực trong các năm qua. Lợi thế văn hóa địa phương là con người luôn học hỏi và khẳng định mình. Qua đó mục tiêu “ổn định và phát triển” cho đơn vị đã được khơi dậy trong mỗi cán bộ ngành điện và vừa là nhiệm vụ chính trị. Nhờ sự đoàn kết - thống nhất mà Điện lực Quảng Nam đã có kế hoạch chủ động công tác từng quý/năm theo các chủ đề hàng năm, cả việc ứng phó với lũ lụt, để các cấp quản lý có thời gian lo toan cho phát triển.
Vai trò của cải tiến, cải cách thủ tục báo cáo thống kê luôn được Điện lực Quảng Nam quan tâm, nên kết quả sáng kiến cải tiến hàng năm bình quân số lượng lên đến 30. Công cụ quản lý mới, áp dụng công nghệ thông tin, ban hành các quy định quản lý nội bộ và thực hiện quản lý chất lượng theo ISO cũng được áp dụng khá sớm. Điện lực Quảng Nam đã kiên trì thay đổi mình qua việc học hỏi các điều hay của các điện lực bạn và “chắt chiu” cải thiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội như sản lượng, giá bán bình quân, tiêu thụ điện năng… Từng bước nhỏ trong mục tiêu lâu dài đã chắp cánh cho Điện lực Quảng Nam trở thành đơn vị có thành tích top đầu của tỉnh và Tổng Công ty Điện lực miền Trung lâu nay.
NGUYỄN QUANG VINH
(Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam)